|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phải tuyển lao động 50 tuổi vì thiếu người, DN đòi tăng giờ làm thêm

07:49 | 17/09/2019
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu không tăng khung giờ làm thêm, doanh nghiệp sẽ gặp phải bài toán thiếu lao động, ảnh hưởng tới đơn hàng, sức cạnh tranh.

Góp ý về nội dung giờ làm thêm trong Luật Lao động (sửa đổi), Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da giày, túi xách Việt nam lo ngại về việc điều chỉnh khung giờ làm việc trong năm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. 

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng thêm nhiều lao động nhằm đáp ứng tốc độ sản xuất hàng hóa với thời gian làm việc eo hẹp như hiện nay, đặc biệt vào thời điểm mùa vụ.

Phải tuyển lao động 50 tuổi vì thiếu người, DN đòi tăng giờ làm thêm - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp đề xuất tăng giờ làm thêm. (Ảnh minh họa, nguồn: KT)

“Các doanh nghiệp da giày có đặc thù sản xuất theo mùa vụ từ tháng 6 đến tháng 8, nguồn thu chỉ đủ nuôi lao động, nếu giảm số giờ làm việc xuống còn 44h, doanh nghiệp sẽ phải tuyển thêm ít nhất 10% lao động. Nhưng việc tuyển dụng hiện nay rất khó khăn. 

Nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận tuyển thêm cả lao động trên 50 tuổi để bù vào những thiếu hụt. Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải đầu tư máy móc, công nghệ, tốn chi phí rất lớn”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, ngành thủy sản hiện đang thu hút hơn 4 triệu lao động, trong đó có 1 triệu lao động sản xuất trực tiếp tại nhà máy. 

Đặc thù của ngành đòi hỏi đáp ứng mối quan tâm của khách hàng theo chuỗi lao động và môi trường, đặc biệt là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Nếu áp dụng khung giờ làm việc tối đa là 300 giờ/năm, để phục vụ đơn hàng theo mùa vụ, doanh nghiệp sẽ bị vi phạm quy định của pháp luật, khách hàng nước ngoài lập tức ngừng tiếp nhận hàng hóa.

Nhưng vào những thời điểm mùa vụ, khi có cả trăm tấn cá của ngư dân đổ về, không thể không sản xuất, nhưng nếu làm sẽ vi phạm quy định về giờ làm thêm.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam nhận định, lương tối thiểu và chi phí lao động của Việt Nam hiện nay đã cao hơn so với Bangladesh, Ấn Độ. Trong khi đó, đây đều là những quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu.

"Chúng ta đi làm thuê và công việc thực hiện theo hợp đồng chứ không còn làm việc theo kế hoạch phân công như thời bao cấp. Trong khi đó, việc tồn tại của dịch vụ làm thuê dựa chính vào chất lượng, hàng hoá

Việt Nam có nhiều bão ảnh hưởng tới nhịp độ sản xuất, nguyên phụ liệu thì đều phải nhập khẩu. Nếu không điều chỉnh tăng thời gian làm thêm, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn”, ông Dương nói.

Bày tỏ ý kiến về đề xuất điều chỉnh giảm giờ làm từ 48 xuống còn 44 giờ/tuần của Tổng LĐLĐ VN, ông Nguyễn Xuân Dương lo ngại doanh nghiệp sẽ giảm sức cạnh tranh và có nguy cơ phá sản. Điều này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế.

Quy định cứng giờ làm thêm, "bóp chết" doanh nghiệp khởi nghiệp

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, hiện nay các ngành sử dụng nhiều lao động của nước ta chủ yếu theo hướng xuất khẩu như dệt may, giày dép, thủy sản, điện tử. Sự phát triển của ngành này phụ thuộc rất lớn vào chi phí lao động và yêu cầu của các cộng đồng gia công từ các nước. 

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường lân cận.

“So với 15 nền kinh tế trong khu vục đang cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực này, các điều hiện về giờ làm thêm, tiền lương với làm thêm thuận tiện hơn Việt Nam. Các ngành này chủ yếu lại là các ngành gia công. 

Đối với các nước có công nghiệp hỗ trợ phát triển thì sẽ thuận lợi, còn ở nước ta toàn bộ nguyên phụ liệu đều nhập khẩu từ nước ngoài khiến chi phí của doanh nghiệp đã lớn hơn rất nhiều.

Nếu chi phí lao động cao và đặc biệt là không linh hoạt trong điều kiện hợp đồng thì chúng ta sẽ mất hợp đồng. Vấn đề giờ làm thêm đối với doanh nghiệp không chỉ là vấn đề của doanh nghiệp mà còn là vấn đề của nông dân. 

Ví dụ như trong các ngành hàng nông sản, để chế biến nông sản, vào thời gian thời vụ của nông dân, nhu cầu mua nông sản để chế biến xuất khẩu rất căng thẳng, nếu doanh nghiệp không được co dãn về thời gian làm thêm thì cũng chết. Một mặt mất hợp đồng, thứ 2 sẽ không đảm bảo tiêu thụ được các sản phẩm của nông dân”.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần có các biện pháp hạn chế sự bó buộc doanh nghiệp về thời gian làm thêm hay tăng chi phí đối với thời gian làm thêm vì sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Nói về việc giảm giờ làm, ông Lộc nhận định: "Nếu giảm giờ làm 4 giờ/tuần thì đồng nghĩa với việc giảm năng suất lao động và GDP. Đặc biệt với những doanh nghiệp khởi nghiệp của các bạn trẻ. Họ đang làm việc tới 14-15 giờ/ngày. 

Nếu hạn chế giờ làm việc trong tuần và không nới khung làm thêm trong năm, chúng ta khó có thể thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, gây khó cho thế hệ trẻ sáng tạo. Doanh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp nói với tôi rằng, nếu áp dụng quy định cứng về thời gian làm việc và làm thêm thì trước hết sẽ bóp chết sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam".

Trang Nguyễn