|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng giờ làm thêm: Phải tính đến những hệ lụy

07:23 | 23/08/2019
Chia sẻ
Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến, dự kiến mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) về thời gian làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm thay vì 300 giờ/năm theo quy định hiện hành.

Ban soạn thảo cho rằng việc tăng số giờ làm thêm trong một năm để bảo đảm sự linh hoạt cho NSDLĐ, tăng khả năng về thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng giờ làm thêm: Phải tính đến những hệ lụy - Ảnh 1.

Tăng giờ làm thêm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho người lao động Ảnh: TRỰC NGÔN

Tăng thời gian làm thêm là nhu cầu của NLĐ để tăng thu nhập, với doanh nghiệp (DN) đây là điều kiện để bảo đảm đáp ứng yêu cầu sản xuất. Bộ Luật Lao động hiện hành quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, thế nhưng tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến. 

Nhiều DN do nhu cầu thúc ép về đơn hàng đã bỏ qua nguyên tắc thỏa thuận để ép NLĐ làm thêm giờ. Do yếu thế nên NLĐ buộc phải chấp thuận làm thêm dù thu nhập thực tế chẳng cải thiện được là bao. 

Theo khảo sát mới đây về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của NLĐ năm 2018 do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) thực hiện, số giờ làm thêm trung bình của NLĐ là 28,5 giờ (cao nhất là 50 giờ) với số tiền nhận là 832.000 đồng/tháng.

Một vấn đề rất dễ nhận thấy là dù có làm thêm, thu nhập thực tế của NLĐ không tăng đáng kể. Trái lại, họ phải đối diện với nhiều hệ lụy về lâu dài, đặc biệt là sức khỏe. Thực tế, NLĐ ở nhiều ngành nghề, đặc biệt là dệt may, da giày vốn đã làm việc với cường độ cao, việc làm thêm giờ quá nhiều sẽ khiến họ mắc phải các căn bệnh mãn tính. 

Chưa hết, nếu làm thêm giờ liên tục trong môi trường làm việc không bảo đảm an toàn dễ dẫn đến tai nạn lao động. Theo tôi, xã hội càng phát triển, khoa học - công nghệ càng tiên tiến, năng suất lao động càng cao... thì giờ làm thêm và tuổi nghỉ hưu càng phải giảm mới đúng quy luật.

Việc xây dựng các quy định về làm thêm giờ cần được xem xét kỹ lưỡng trên nhiều mặt như: cơ sở khoa học, sức khỏe NLĐ, tuổi thọ lao động, sự nghỉ ngơi, phòng tránh tai nạn do kéo dài giờ làm việc, cân bằng cuộc sống, năng suất công việc, các luật pháp quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên ký kết…

Trong đó, cần phải xây dựng đánh giá cụ thể về thể chất người Việt Nam bởi hiện tại tuổi thọ của người Việt Nam có tăng lên nhưng sức khỏe lại yếu đi. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để NSDLĐ không thể lợi dụng vắt kiệt sức NLĐ.


Trần Trường Thành (Quận 5, TP HCM)