'Lao động thiếu trí tuệ, Trung Quốc không đủ sức thách thức Mỹ'
Trong nhiều năm qua, rất nhiều nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế uy tín tin chắc rằng sớm muộn Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ để trở thành siêu cường kinh tế số một thế giới.
Tuy nhiên, trên Bloomberg, chuyên gia Michael Schuman - tác giả cuốn The Miracle: The Epic Story of Asia's Quest for Wealth và Confucius and the World He Created - nhận định lịch sử cho thấy việc một nền kinh tế chuyển đổi thành công từ "đang phát triển" sang "phát triển" hoàn toàn không phải là chuyện dễ dàng và đơn giản.
Quả bom nợ 34.000 tỷ USD, năng suất lao động thấp và sự phân bổ tài nguyên thiếu hợp lý là những "tảng đá" cản đường Trung Quốc chuyển đổi thành một nền kinh tế phát triển và hiện đại. Tuy nhiên, chuyên gia Schuman cho rằng cản trở lớn nhất và ít được chú ý nhất chính là nguồn tài nguyên con người yếu kém của Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Ảnh: Nikkei.
70% lao động không học trung học
Chuyên gia Schuman nhận định lực lượng lao động của Trung Quốc không đủ trình độ để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu ở thế kỷ 21. Nguyên nhân đơn giản là đa phần người lao động Trung Quốc thiếu học thức và kỹ năng nghiêm trọng.
Kết luận này có thể khiến nhiều người bất ngờ. Bởi Trung Quốc vẫn tự hào với những học sinh đạt điểm số cao trong các kỳ thi toán học quốc tế. Hệ thống giáo dục Trung Quốc liên tục sản xuất hàng hàng triệu kỹ sư mỗi năm. Tuy nhiên, trên thực tế những cá nhân đó chỉ chiếm một phần nhỏ trong lực lượng lao động của Trung Quốc.
Nếu nghiên cứu kỹ dân số Trung Quốc, đặc biệt ở khu vực nông thôn, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng lao động nước này thua xa các quốc gia khác về trình độ giáo dục.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Stanford và Đại học Sư phạm Thiểm Tây, điều tra dân số năm 2015 của Trung Quốc cho thấy chỉ có 30% lực lượng lao động của đất nước (25-64 tuổi) có trình độ trung học phổ thông.
Trình độ học vấn là một thước đo quan trọng để đánh giá năng lực và kỹ năng học hỏi của người lao động. Ở các nước phát triển, tỷ lệ này đạt tới 78%. Tại những nền kinh tế phát triển nhất thế giới như Mỹ, Đức và Nhật Bản, hơn 90% lực lượng lao động có trình độ trung học trở lên.
Một công nhân làm việc tại công trường xây dựng ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.
Tất nhiên Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển, sự chênh lệch về học vấn là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, so với những nền kinh tế mới nổi trong khu vực như Hàn Quốc và Singapore, Trung Quốc cũng thua xa.
Trước khi Hàn Quốc và Singapore "vượt ngưỡng" để gia nhập câu lạc bộ các nền kinh tế phát triển, khoảng 72% lực lượng lao động hai quốc gia này đạt trình độ trung học trở lên vào năm 1980.
Thậm chí Trung Quốc còn đứng sau cả các quốc gia có thu nhập trung bình. Ví dụ, 46% dân số trong độ tuổi lao động Brazil có có bằng trung học. Con số này ở Thổ Nhĩ Kỳ là 36%, Mexico 34%. Tỷ lệ của Trung Quốc thực chất chỉ tương đương Indonesia (31%), một quốc gia nghèo hơn rất nhiều.
Con đường dài phía trước
Để Trung Quốc trở thành một nền kinh tế tiên tiến, lực lượng lao động nước này cần những kiến thức và kỹ năng nhất định để làm việc trong những ngành công nghệ cao. Những số liệu trên cho thấy hàng triệu công nhân Trung Quốc không đủ trí tuệ để hỗ trợ các ngành công nghệ cao mà chính quyền Bắc Kinh đang dồn sức phát triển.
Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc hiểu rõ vấn đề này và đang tìm cách khắc phục. Với thế hệ người Trung Quốc trẻ hơn (25-34 tuổi), khoảng 47% có trình độ học vấn từ trung học trở lên.
Ở nhóm 15-17 tuổi, tỷ lệ này lên tới 80%. Như vậy, thế hệ lao động tương lai của Trung Quốc chắc chắn có trình độ học vấn tốt hơn hẳn so với lực lượng hiện nay.
Tuy nhiên, chuyên gia Schuman cho rằng Trung Quốc vẫn còn phải đi qua một chặng đường rất dài để lực lượng lao động đạt đến trình độ học vấn và trí tuệ tương đương các quốc gia phát triển.
Hơn nữa, các nghiên cứu chỉ ra rằng Trung Quốc cần đầu tư mạnh vào y tế, dinh dưỡng và các phương diện khác trong quá trình phát triển của trẻ em, đặc biệt tại khu vực nông thôn, để đảm bảo rằng thế hệ trẻ đủ khả năng tiếp thu tốt khi bước vào giai đoạn trung học.
Do đó, trong những năm tới, một tỷ lệ lớn lao động lớn tuổi, trình độ học vấn kém sẽ trở thành gánh nặng đè lên nền kinh tế Trung Quốc. Chỉ khoảng 22% lao động Trung Quốc trong độ tuổi 45-54 có trình độ trung học.
Chỉ vỏn vẹn 30% lao động Trung Quốc đạt trình độ trung học phổ thông. Ảnh: Getty.
Trong nhiều năm, chính quyền Trung Quốc đã tiêu tốn hàng tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, một phần để đảm bảo rằng lực lượng lao động trình độ thấp vẫn có việc làm. Điều đó dẫn đến tình trạng năng suất lao động thấp, khu vực tư nhân hoạt động hiệu quả nhưng khát vốn.
Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, không phát triển được lực lượng lao động đủ trình độ để cạnh tranh với các nước giàu, trong khi đánh mất lợi thế lao động giá rẻ.
Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy điều đó đang xảy ra. Ngành sản xuất tận dụng lao động từng là đầu tàu kéo nền kinh tế Trung Quốc tiến lên, nhưng giờ đang đối mặt với tình trạng các doanh nghiệp di dời dây chuyền sản xuất đến các quốc gia khác.
Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cho thấy các công ty Trung Quốc vẫn quá phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu từ Mỹ và các quốc gia phát triển.
Nhìn về tương lai, có thể thấy lực lượng lao động thiếu trí tuệ sẽ là hàng rào cản trở Trung Quốc hiện thực hóa giấc mơ thách thức công nghệ Mỹ. Và điều đó sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc khó vượt tầm.