|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PBoC sẽ không thay đổi chính sách vì giá thịt lợn tăng

12:05 | 16/04/2019
Chia sẻ
Hiện các nhà kinh tế và giới thương nhân vẫn dự kiến PBoC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ít nhất 3 lần nữa trong năm nay để bơm tiền vào nền kinh tế đang chậm lại.

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 11/4 cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của nước này tăng 2,3% so với một năm trước đó, cao hơn nhiều mức tăng 1,5% trong tháng 2 và ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn một năm. Sự gia tăng này chủ yếu là do giá rau và thịt lợn tăng, khiến CPI tăng hơn một nửa điểm phần trăm.

PBoC sẽ không thay đổi chính sách vì giá thịt lợn tăng - Ảnh 1.

Cụ thể, giá thịt lợn - một yếu tố quan trọng trong rổ hàng tính CPI của Trung Quốc - tăng 5,1% trong tháng 3, mức tăng đầu tiên sau 25 tháng giảm. Chỉ riêng giá thịt lợn tăng đã khiến CPI tăng 0,12 điểm phần trăm, NBS cho biết. Nguyên nhân là do khan hiếm nguồn cung. Hơn một triệu con lợn đã bị tiêu hủy trong một đợt bùng phát của dịch tả lợn châu Phi và sản lượng thức ăn cho lợn đã giảm.

Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi giữ nguyên mức tăng 1,8%. Trong khi chỉ số giá sản xuất cũng đã chấm dứt chuỗi trượt giảm, khi tăng 0,4%.

Tuy nhiên, do sự phục hồi lạm phát được thúc đẩy bởi sự gia tăng giá lương thực, có thể là tạm thời, nên Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) khó có thể từ bỏ quan điểm chính sách là giữ cho dòng vốn rẻ chảy vào khu vực tư nhân. Rủi ro giảm phát vẫn đeo bám, cộng thêm triển vọng không mấy chắc chắn của cuộc chiến thương mại với Mỹ và sự phục hồi bền vững của nền kinh tế cũng đòi hỏi PBoC phải rất thận trọng.

“Chính sách tiền tệ sẽ không được điều chỉnh và lạm phát tổng thể cũng không phải là vấn đề lớn trong năm nay”, bởi vì lạm phát cơ bản vẫn ổn định và giá tại nhà máy sẽ ở mức thấp trong tương lai, Ding Shuang - Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered Bank Ltd. ở Hồng Kông cho biết.

Cho rằng PBoC có khả năng đang trong “trạng thái quan sát” tại thời điểm hiện tại, song theo Ding Shuang, cơ quan này vẫn có lý do để cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc một lần nữa. “Ngay cả khi có sự thay đổi chính sách, có lẽ nó sẽ không đến từ chính sách tiền tệ vì nó chưa bao giờ là quá lỏng lẻo”, ông nói và thêm rằng: Tốc độ chi tiêu tài chính có thể chậm lại để tiết kiệm một số dư địa, nếu nền kinh tế quay đầu phục hồi.

David Qu và Qian Wan - các nhà kinh tế của Bloomberg Economics ở Hồng Kông cũng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang chậm lại và hệ thống ngân hàng cần thanh khoản, PBoC cần duy trì sự hỗ trợ - và môi trường lạm phát hiện tại vẫn cho phép họ có thể làm như vậy.

Hiện các nhà kinh tế đang mong chờ dữ liệu sản lượng của quý đầu năm 2019 sẽ được công bố trong tuần này vì có nhiều bằng chứng cho thấy những gì tồi tệ nhất của sự chậm lại theo chu kỳ đã qua khi nhiều biện pháp kích thích đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang ổn định trở lại cũng đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu PBoC có nên ngừng bơm thanh khoản vào thị trường tài chính khi mà đã có những cảnh báo về rủi ro bong bóng tài sản.

Tuy nhiên, hiện các nhà kinh tế và giới thương nhân vẫn dự kiến PBoC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ít nhất 3 lần nữa trong năm nay để bơm tiền vào nền kinh tế đang chậm lại. Theo Lu Ting, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura Holdings Inc., có thể cần nhiều hơn là việc giá thực phẩm tăng cao hơn để “lay chuyển” ngân hàng trung ương.

“Sự tăng tốc của CPI chủ yếu đến từ giá thịt lợn chứ không phải là sự tăng giá chung”, ông nói. “Trừ khi áp lực lạm phát lan sang các khu vực khác, ngân hàng trung ương nhiều khả năng sẽ bỏ qua sự tăng theo chu kỳ của giá thịt lợn và tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua sự thiên vị nới lỏng chính sách tiền tệ trong suốt phần còn lại của năm nay”.

Hoàng Nguyên