|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Pakistan xứng đáng được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi hơn Việt Nam?

07:00 | 15/07/2017
Chia sẻ
Có lẽ ai cũng sẽ băn khoăn tại sao MSCI lại nâng hạng Pakistan trở thành thị trường mới nổi dù khủng hoảng chính trị tại nước này ngày càng gia tăng. Trong khi đó, Việt Nam, vốn được xem là trung tâm sản xuất mới của châu Á, vẫn chỉ là thị trường cận biên.
pakistan co xung dang duoc msci nang hang len thi truong moi noi hon viet nam
Pakistan có xứng đáng được nâng hạng lên thị trường mới nổi hơn Việt Nam? (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Pakistan vẫn chưa thấy vốn đổ về sau khi được nâng hạng

Được nâng hạng lên thị trường mới nổi, Pakistan hứa hẹn sẽ đón nhận dòng vốn lớn lên tới hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, từ sau khi được nâng hạng vào tháng 6, giới đầu tư chứng khoán Pakistan vẫn chưa thấy "tăm hơi" dòng vốn tiềm năng đó đâu.

Chỉ số KSE100 của Pakistan thậm chí đã giảm 13% kể từ tháng 6 đến nay, trong khi chỉ số VN-Index của Việt Nam lại tăng 5% trong cùng kỳ. Chỉ số KSE100 giảm một phần có thể do giới đầu tư chốt lời, theo nhận định của Bloomberg.

pakistan co xung dang duoc msci nang hang len thi truong moi noi hon viet nam

Thông thường, các thị trường chứng khoán sẽ tăng liên tiếp trong 18 tháng trước khi MSCI thông báo về việc nâng hạng thị trường. Tất nhiên so với tháng 6/2016, thời điểm MSCI thông báo thay đổi về việc xếp hạng các thị trường, chỉ số KSE100 vẫn tăng khoảng 14%.

Chứng khoán Pakistan từng chiếm tỷ lệ tới 8,9% trong chỉ số MSCI Frontier Markets nhưng con số này hiện chỉ còn 0,1%. Đó cũng là lý do khiến các quỹ đầu tư bị động tại thị trường cận biên giảm vị thế đối với chứng khoán Pakistan, thậm chí các quỹ đầu tư tại thị trường mới nổi cũng không đủ động lực để mua nhiều.

Tuy nhiên, vấn đề của Pakistan không chỉ nằm ở mỗi dòng vốn đầu tư.

Yếu tố tiền tệ

Cả Pakistan và Việt Nam đều đang áp dụng chế độ tỷ giá cố định đối với USD. Tuy nhiên, Việt Nam có thặng dư tài khoản vãng lai trong khi Pakistan lại bị thâm hụt. Trong báo cáo đánh giá mới nhất về các nền kinh tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, đồng VND của Việt Nam bị định giá thấp tới 10,3% trong khi đồng rupee của Pakistan được định giá quá cao tới 10 – 20%.

Đối với giới đầu tư quốc tế, một quốc gia mà nội tệ đang chịu áp lực giảm giá là nơi đầu tư rất rủi ro.

Ngày 5/7, đồng rupee của Pakistan lao dốc 3,1%, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong 9 năm qua. Ngân hàng trung ương nước này được cho là đã cố tình làm suy yếu nội tệ trong bối cảnh căng thẳng kinh tế gia tăng trước mùa bầu cử vào năm tới.

pakistan co xung dang duoc msci nang hang len thi truong moi noi hon viet nam

Cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào Thủ tướng Nawaz Sharif mới đây càng khiến giới đầu tư e ngại đầu tư vào Pakistan. Trước đó, ông Sharif đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Tài chính Tariq Bajwa lên làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Pakistan. Từ đó, ngân hàng trung ương liên tiếp phát hành trái phiếu (định giá bằng USD) trên các thị trường quốc tế để “nuôi” ngân sách của chính phủ.

Yếu tố thanh khoản

Khi xem xét việc nâng hạng cho một quốc gia, MSCI sẽ chú ý rất nhiều tới tình trạng thanh khoản.

Chính phủ Việt Nam vẫn nắm giữ cổ phần của nhiều doanh nghiệp niêm yết, trong khi Chính phủ Pakistan giữ chủ trương cứng rắn hơn trong việc thoái vốn nhà nước.

Điển hình là vào năm 2015, Chính phủ Pakistan đã bán số cổ phần trị giá 1 tỷ USD tại ngân hàng lớn nhất là Habib Bank. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam lại hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, giới đầu tư nước ngoài chỉ có thể mua cổ phần của doanh nghiệp trong một hạn ngạch nhất định.

Hiện tại, Chính phủ Việt Nam cũng đang từng bước dỡ bỏ những quy định khắt khe về quyền sở hữu vốn của giới đầu tư nước ngoài. Điển hình là, công ty Vinamilk đã gỡ bỏ trần tỷ lệ sở hữu đối với giới đầu tư nước ngoài vào một năm trước.

Doanh thu trên cổ phiếu

Pakistan chỉ có 19 cổ phiếu có doanh thu hàng ngày đạt ít nhất 1 triệu USD; trong khi Việt Nam có tới 45 cổ phiếu đáp ứng được chỉ tiêu này.

Thăng trầm của thị trường chứng khoán Pakistan

Và đừng quên lịch sử đầy rắc rối của thị trường chứng khoán Pakistan.

Trên thực tế, Pakistan từng thuộc chỉ số thị trường mới nổi của MSCI cho đến khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2018 và chính phủ nước này đã ngừng toàn bộ giao dịch trên thị trường chứng khoán. Kết quả là, Pakistan lại bị hạ xuống thị trường cận biên. Tháng 5/2015, chứng khoán Pakistan lao dốc tới 10% chỉ trong 5 ngày giao dịch khi quỹ đầu tư Everest Capital (Miami, Mỹ) bỏ ra khoảng 70 triệu USD để đánh cược vào đồng franc của Thụy Sĩ.

Sau đợt bán tháo gần đây, Pakistan là một trong những thị trường chứng khoán rẻ nhất ở châu Á, với hệ số P/E chỉ là 9. Với mức P/E này, thị trường Pakistan chỉ xứng đáng là thị trường cận biên. Tuy nhiên, định giá cổ phiếu hiện tại của Pakistan vẫn cao hơn nhiều so với mức 8,1 ghi nhận được vào tháng 3/2015.

Vào thời điểm hiện tại, khi đồng rupee đang suy yếu và giới đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều nghi ngờ, chứng khoán Việt Nam có thể vẫn là “nước đi” an toàn hơn so với Pakistan.

Kim Dung