OPEC+ nâng mức cắt giảm sản lượng tự nguyện
Theo Reuters, các nhà sản xuất dầu OPEC+ hôm thứ Năm đã đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày vào đầu năm tới. Arab Saudi dẫn đầu về việc cắt giảm tự nguyện hiện tại.
Arab Saudi, Nga và các thành viên khác của OPEC+ sản xuất hơn 40% sản lượng dầu của thế giới. Tuy nhiên, sau khi quyết định chính thức được đưa ra, giá dầu thô giảm 2%.
Nhà phân tích Christyan Malek của JP Morgan cho biết : “Phản ứng của thị trường hàm ý sự hoài nghi về hiệu quả đầy đủ của việc cắt giảm” .
"Tuy nhiên, việc thiết lập một khuôn khổ mới để mỗi thành viên thực hiện mức cắt giảm của mình phản ánh mức độ tin cậy và gắn kết trong liên minh. Điển hình là việc Brazil tham gia là minh chứng cho sức mạnh về số lượng của OPEC+."
“Hiện tại, kết quả không như mong đợi… trong những ngày gần đây”, ôngCallum MacPherson, người đứng đầu bộ phận hàng hóa tại Investec, cho biết.
Bản chất tự nguyện của việc giảm sản lượng khiến các nhà đầu tư bối rối.
Nhóm đã thảo luận về sản lượng năm 2024 trong bối cảnh dự báo thị trường phải đối mặt với tình trạng dư cung và việc cắt giảm 1 triệu thùng mỗi ngày của Arab Saudi sẽ kết thúc vào tháng tới.
OPEC+ hiện đang giảm sản lượng 5 triệu thùng/ngày xuống 43 triệu thùng/ngày nhằm hỗ trợ giá và ổn định thị trường.
Theo đó, mức giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày trong lần này đến từ 8 nhà sản xuất dầu thô, trong đó mức lớn nhất đến từ việc Saudi Arabia và Nga quyết định kéo dài mức cắt giảm tự nguyện 1,3 triệu thùng/ngày.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết việc cắt giảm tự nguyện của Nga sẽ bao gồm dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu.
Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết họ đã đồng ý cắt giảm sản lượng 163.000 thùng/ngày trong khi Iraq cho biết họ sẽ cắt giảm thêm 220.000 thùng/ngày trong quý đầu tiên.
Arab Saudi, Nga, UAE, Iraq, Kuwait, Kazakhstan và Algeria cho biết việc cắt giảm sẽ được dỡ bỏ dần dần sau quý đầu tiên nếu điều kiện thị trường cho phép.
OPEC+ đang tập trung vào giảm sản lượng trong bối cảnh giá dầ giảm mạnh từ mức gần 98 USD/thùng vào cuối tháng 9 và lo ngại về tăng trưởng kinh tế yếu hơn vào năm 2024 kéo theo tình trạng dư cung.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong tháng này dự báo tốc độ tăng trưởng nhu cầu vào năm 2024 sẽ chậm lại do “sự phục hồi sau đại dịch đã bước vào giai đoạn cuối cùng. Việc sử dụng hiệu quả năng lượng cũng được đề cao và lượng xe điện cũng được mở rộng”.