Ông Vũ Tú Thành: Nguồn vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam thực tế lớn hơn nhiều số liệu
Lý giải về việc tại sao Mỹ chưa phải là nhà đầu tư FDI số 1 tại Việt Nam trong buổi họp báo thông tin về phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất đến Việt Nam kể từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, ông Vũ Tú ThànhPhó Giám đốc Điều hành Khu vực kiêm Trưởng Đại diện của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC)tại Việt Nam khẳng địnhđầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam lớn hơn so với số lượng thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra.
"Nguyên nhân là có những khoản đầu tư của doanh nghiệp Mỹ thực hiện, nhưng pháp nhân không phải từ Mỹ mà từ quốc gia khác", ông Thành nói.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp Mỹ dẫn chuỗi, họ không bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam để xây dựng nhà máy, nhưng trong một số ngành như điện tử, da giày, may mặc họ đã đưa ra yêu cầu với nhà cung cấp của mình là sản xuất tại Việt Nam, nên những nhà cung cấp này đã mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam và tạo ra giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD cho Việt Nam.
“Do đó, số liệu FDI của Mỹ vẫn chưa phản ánh hết đầu tư của Mỹ vào Việt Nam” - ông Vũ Tú Thành khẳng định.
Ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cũng cho rằng năm 2023, đã chứng kiến sự bứt phá của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và việc cải cách pháp lý chính là động lực để Việt Nam hấp dẫn đầu tư trong thời gian tới. Trong khi đó, một số dự án của nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam nhưng lại thông qua Singapore, do đó con số hơn 11 tỷ USD đầu tư Mỹ vào Việt Nam chưa phản ánh hết đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.
Thông tin về phái đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam, ông Ted Osius cho biết 50 doanh nghiệp Mỹ hoạt động các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ tài chính, logistics, sản xuất, năng lượng, hàng không vũ trụ và quốc phòng, y tế, hàng tiêu dùng, nông nghiệp và thực phẩm, quỹ đầu tư cùng nhiều lĩnh vực khác đều mong muốn tiếp tục tìm hiểu các cơ hội và tiềm năng để đầu tư vào Việt Nam.
"Đặc biệt, trong vòng hai tuần tới sẽ có một đoàn doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong lĩnh vực sức khoẻ, y tế đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh… điều này chứng tỏ sức hấp dẫn và sự lạc quan của doanh nghiệp Mỹ với môi trường kinh doanh tại Việt Nam", ông Ted Osius đánh giá.
Đặc biệt, trong chuyến công tác lần này, phái đoàn sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo của nhiều bộ ngành và các bên hữu quan chủ chốt để tái khẳng định cam kết của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ trong việc hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy các chương trình chiến lược đa dạng, bao gồm chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để đáp ứng các cam kết về giảm thiểu phát thải carbon; nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc cải thiện hạ tầng và năng lực sản xuất.
“Điều này cho thấy các công ty Mỹ nhìn nhận Việt Nam như một thị trường mới nổi và điểm đến đầu tư hấp dẫn”, ông Osius khẳng định.
Về phía doanh nghiệp Mỹ, ông Alex Levi, CEO Atmo (chuyên cung cấp dịch vụ dự báo thời tiết hoạt động đa quốc gia) cho biết, khi lựa chọn các đối tác, doanh nghiệp không ưu tiên các quốc gia kiếm tiền nhanh nhất mà mong muốn đem lại giá trị càng nhiều càng tốt.
Trong khi đó, tại Việt Nam, các vấn đề về thời tiết rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội bởi ngoài có đường bờ biển dài, Việt Nam cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, dù không ngăn chặn được các hiện tượng xấu của thời tiết, song các sản phẩm dự báo thời tiết cũng có thể dự đoán và giảm thiểu tác hại của nó.
“Ngoài thành công trong kinh doanh, chúng tôi cũng muốn sản của mình mang lại giá trị nhiều nhất cho cộng đồng xã hội. Vì vậy, chúng tôi đã chọn Việt Nam để tìm hiểu và đầu tư”, ông Alex Levi khẳng định.