|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thấy gì từ việc nhiều 'ông lớn' FDI Mỹ liên tục đến Việt Nam?

08:56 | 17/03/2024
Chia sẻ
Từ năm 2023 đến nay, các “ông lớn” từ Mỹ liên tục đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội và cam kết mở rộng đầu tư. Nếu nắm bắt được cơ hội, thì dòng vốn FDI này sẽ có sự thay đổi lớn cả về số lượng và chất lượng.

Kể từ khi thiết lập mối quan hệ ngoại giao năm 1995, trong kỳ vọng của Việt Nam, đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam sẽ là các dự án quy mô lớn, trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến, có tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, dù vẫn là một trong những nhà đầu tư “hàng đầu”, Mỹ vẫn chưa thể là nhà đầu tư FDI “số 1” tại Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/2, doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam hơn 1.340 dự án với tổng vốn trên 11,8 tỷ USD, đứng thứ 11 về giá trị đầu tư, sau các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia…

Loạt “đại bàng” Mỹ tới Việt Nam

Đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam chưa xứng với tiềm năng, song luôn có kỳ vọng rằng, sẽ có thêm những “đại bàng” Mỹ vào Việt Nam, sau Intel, Coco-Cola, hay AES, PepsiCo, rồi Boeing, FedEx, Ford… Kỳ vọng đó càng nhân lên khi 50 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ sẽ tới Việt Nam từ ngày 18 - 21/3 để nghiên cứu thị trường, mở rộng đầu tư. Đây là hoạt động thường niên do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tổ chức hàng năm. 

Chia sẻ về sự kiện này, ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành USABC cho rằng, Việt Nam và Mỹ có rất nhiều cam kết về tăng cường quan hệ kinh tế song phương sau khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ. Chính vì vậy, năm nay, USABC sẽ phá kỷ lục về số lượng các doanh  nghiệp Mỹ đến Việt Nam nhằm tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư và thương mại giữa hai bên.

Hiện, các doanh nghiệp Mỹ dành nhiều sự quan tâm đến Việt Nam ở ba lĩnh gồm công nghệ, năng lượng và chăm sóc sức khỏe. Cụ thể, trong lĩnh vực công nghệ, Mỹ có cam kết giúp Việt Nam phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn vốn là lĩnh vực khó, đòi hỏi nhiều yếu tố chẳng hạn lực lượng lao động có trình độ, sự sẵn sàng của những đối tác trong nước, nguồn năng lượng ổn định. Trong lĩnh vực công nghệ, Mỹ có cam kết giúp Việt Nam phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn. 

“Sở dĩ các doanh nghiệp Mỹ quan tâm mạnh mẽ đến Việt Nam, bởi Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có sự ổn định, cởi mở, luôn chào đón người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng thực hiện các bước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và sẵn sàng giải quyết những thách thức.”, ông Ted Osius đánh giá.

Năm ngoái, vào cuối tháng 3, Việt Nam cũng đã được đón rất nhiều ông lớn, như Boeing, SpaceX, Netflix, Pfizer, Visa và Citibank, các công ty Internet và điện toán đám mây Meta, Amazon… Nhiều doanh nghiệp như SpaceX, Coca-Cola, Pacifico Energy, ... sau đó đã đưa ra cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất và tăng đầu tư vào Việt Nam.

Tiếp đó, cuối tháng 11/2023, Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) gồm lãnh đạo Hiệp hội và 7 doanh nghiệp thành viên là những "ông lớn" trong ngành bán dẫn toàn cầu cũng có mặt tại Việt Nam lần thứ 3 trong năm 2023 để tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư. Các doanh nghiệp thành viên SIA cũng đã thông báo những kế hoạch đầu tư mới và dự định phát triển tại thị trường đầy tiềm năng này.

Hiện thực hóa các cam kết

Trước những thông tin tích cực này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, dù chưa có những con số cụ thể, song với những tuyên bố và cam kết về mục tiêu đầu tư dài hạn của các “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ cũng tạo ra kỳ vọng thu hút FDI từ Mỹ vào Việt Nam sẽ có sự thay đổi lớn trong năm 2024 cả về số lượng và chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). (Ảnh: N.N)

Biểu hiện, từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều đoàn của các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực công nghệ sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư và có nhiều cam kết đầu tư hay mở rộng vào Việt Nam.

Giữa năm 2023, Amkor mở cơ sở mới tại Bắc Ninh với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 500 triệu USD, Marvell tuyên bố sẽ thành lập trung tâm R&D lớn nhất thế giới tại TP HCM. Đầu tháng 12/2023, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Tập đoàn NVIDIA của Hoa Kỳ cũng xác định Việt Nam là thị trường quan trọng với khoản đầu tư khoảng 250 triệu USD. Gần đây nhất, cuối tháng 2/2024, công ty bán dẫn của Mỹ là Kine SIC Semi bày tỏ mong muốn đầu tư 200 triệu USD vào Bắc Ninh.  

“Nhiều người thống nhất đây là thời cơ tốt, còn tốt hơn năm 2008 khi Việt Nam gia nhập WTO với số vốn đăng ký lên hơn 60 tỷ USD. Nhưng lúc đó, Việt Nam chưa có sự chuẩn để tiếp nhận nguồn vốn lớn đó. Bây giờ là thời cơ mới, nếu nắm bắt được thì chắc chắn Việt Nam có bứt phá được từ đó có thể lan tỏa cho nền kinh tế.”, ông Toàn tin tưởng.

Đồng tình với quan điểm này, theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, dù là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam chỉ chiếm dưới 3% tổng vốn đầu tư năm 2023. Do đó, việc nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ từ năm 2023 là dấu ấn lịch sử trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, từ đó nâng vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Mỹ đã và đang giá tiềm năng, lợi thế và cơ hội khi đầu tư, làm ăn ở Việt Nam.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn khá phức tạp, Việt Nam vẫn là điểm đến rất đáng quan tâm của doanh nghiệp Mỹ nhờ những yếu tố thuận lợi truyền thống như tự do, kết nối, mở cửa, hội nhập; kết hợp với các lợi thế so sánh vốn có như nguồn nhân lực dồi dào, ổn định chính trị kinh tế; đặc biệt Việt Nam đã và đang bắt kịp xu thế sản xuất xanh, chuyển đổi số cho quá trình sản xuất kinh doanh”, ông Thành nhìn nhận.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương. (Ảnh: N.N) 

Tuy vậy, để những những cam kết này không chỉ nằm trên văn bản mà phải thể hiện qua những dự án đầu tư cụ thể, ông Thành cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực mới có thể thực hiện hóa được các cơ hội này.

“Không chỉ đơn thuần là cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục đầu tư, Chính phủ cùng các bộ ngành địa phương cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ổn định nguồn điện lưới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ sở nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn đủ lớn, trong đó có sự tham gia của các quỹ đầu tư… mới xây dựng và hình thành hệ sinh thái ổn định và bền vững, từ đó thu hút được dòng vốn FDI trên thế giới nói chung và từ Mỹ nói riêng”, ông Thành nêu rõ.  

Nguyễn Ngọc