Ông Trump tiếp tục trừng phạt quan chức Trung Quốc, báo hiệu hai tháng cuối nhiệm kì nhiều sóng gió
Theo Bloomberg, mới đây Mỹ đã trừng phạt thêm 4 quan chức Trung Quốc bị cáo buộc làm suy yếu nền tự trị của Hong Kong. Động thái này cho thấy ông Trump vẫn sẵn sàng ra đòn với Trung Quốc ngay cả khi ông Biden đã chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống.
Hôm 9/11, Mỹ thông báo trừng phạt ba quan chức ở Hong Kong đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi đạo luật an ninh quốc gia, bao gồm: Li Jiangzhou, Phó giám đốc Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia được thành lập theo luật mới; Edwina Lau, người đứng đầu Bộ phận An ninh Quốc gia của Lực lượng Cảnh sát Hong Kong và Steve Li Kwai-Wah, chỉ huy cấp cao.
Chính quyền ông Trump cũng nhắm vào Deng Zhonghua, Phó giám đốc Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Ma Cao ở Bắc Kinh – một trong những cơ quan chính của Trung Quốc nhằm giám sát Hong Kong.
Tất cả 4 người trên đều bị cấm đến Mỹ và bị phong tỏa mọi tài sản tại Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Những hành động này nhấn mạnh quyết tâm của Mỹ trong việc truy cứu trách nhiệm của những kẻ chủ chốt gây tổn hại tới quyền tự do của người dân Hong Kong và làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong".
Chưa dừng lại
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án các lệnh trừng phạt vào ngày 10/11. Trước đó, Trung Quốc đã "ăn miếng trả miếng" với Mỹ bằng cách nhắm vào vài thượng nghị sĩ, nhưng vẫn né tránh các quan chức cấp cao của Nhà Trắng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu trong cuộc họp báo: "Chúng tôi kêu gọi Mỹ ngay lập tức ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong, lập tức rút lại các biện pháp trừng phạt và không tiếp tục đi vào con đường sai lầm".
Trước đó, Washington đã trừng phạt 10 quan chức Trung Quốc bao gồm Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam. Cho đến giữa tháng 12, chính quyền ông Trump có quyền nêu tên và xử phạt bất kì ngân hàng nào làm ăn với những quan chức có tên trong danh sách trừng phạt. Hành động này có thể khiến quan hệ Mỹ-Trung rạn nứt hơn nữa trước khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1 năm sau.
Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng chính quyền ông Trump có thể tung thêm nhiều hành động chống Trung Quốc liên quan đến Hong Kong và các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
"Tôi dự đoán Mỹ sẽ có thêm động thái chống Trung Quốc trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Phe Trump có sẵn danh sách những gì họ muốn làm nhằm biến những thay đổi trong mối quan hệ Mỹ-Trung thành không thể cứu vãn được".
Ông Biden sẽ làm gì?
Trên đường tranh cử, ông Biden đã tăng cường chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền và luật an ninh Hong Kong. Nhưng ông né tránh nói cụ thể ông sẽ làm gì khác với Tổng thống Trump về các vấn đề như an ninh dữ liệu, Huawei và lệnh trừng phạt ở Hong Kong và Tân Cương.
Chính quyền ông Trump đã áp đặt những biện pháp cứng rắn lên Hong Kong, bao gồm lệnh hành pháp chấm dứt các ưu đãi thành phố này được hưởng và đình chỉ hiệp ước dẫn độ giữa hai bên.
Bắc Kinh chưa liên lạc chính thức với ông Biden sau cuộc bầu cử. Ông Uông Văn Bân từ chối trả lời liệu Trung Quốc có coi ông Biden là người thắng cử hay không.
Việc Hong Kong bắt giữ các chính khách đối lập và một phóng viên điều tra bạo lực của cảnh sát đã mang lại cái cớ để Mỹ mạnh tay hơn.
Bloomberg dẫn lời giáo sư Jean-Pierre Cabestan tại Đại học Baptist Hong Kong cho biết: "Tôi không nghĩ rằng chính quyền Trump sẽ kiềm chế không đưa ra thêm bất kì động thái chống Trung Quốc nào".
"Một tổng thống mới đắc cử như Biden sẽ khó mà chỉ trích một động thái như vậy, đặc biệt là về vấn đề nhân quyền".