|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ông Trump sẽ 'mạnh tay' với Trung Quốc và Mexico đến mức nào?

21:02 | 25/12/2016
Chia sẻ
Trung Quốc và Mexico vừa được thông báo một lần nữa: Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump không ưng cách hai nước này giao dịch thương mại với Mỹ.

Ảnh: Shutterstock

Theo CNN, nhà kinh tế Peter Navarro, người được chỉ định dẫn dắt Hội đồng Thương mại Nhà Trắng mới của ông Donald Trump, vừa đạo diễn một bộ phim tài liệu có tựa đề: “Chết vì Trung Quốc: Nước Mỹ mất cơ sở sản xuất của mình như thế nào”.

Thêm vào đó, Bộ trưởng Thương mại được đề cử là tỉ phú đầu tư Wilbur Ross từng ủng hộ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì ông cho rằng thỏa thuận này sẽ cô lập Đại lục về mặt kinh tế.

“Trung Quốc có thể chịu một số khó khăn nếu TPP được chấp thuận”, ông Ross nói hồi tháng 8.2015. Ông Ross cũng cho biết việc đàm phán về một thỏa thuận thương mại mới với Mexico là ưu tiên ngày đầu tiên của đội ngũ của ông Trump. Ông Navarro và ông Ross là đồng tác giả một bài viết mà trong đó, họ gọi nước bạn là “kẻ lừa đảo thương mại lớn nhất thế giới”.

Tổng thống Mỹ đắc cử được cho là đang đem xem xét mức thuế 10% đánh lên tất cả hàng hóa nhập khẩu, hoặc thay đổi chính sách thuế để tạo ra sân chơi bình đẳng. Trung Quốc, Mexico là hai trong ba đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Vì vậy hiện có mối lo ngại cho rằng lập trường cứng rắn của ông Trump có thể châm ngòi một cuộc chiến thương mại.

Mỹ nhập khẩu rất nhiều mặt hàng hằng ngày. Các món hàng nhập khẩu hàng đầu từ Đại lục trong năm nay là điện thoại di động và máy tính xách tay, theo dữ liệu từ hãng theo dõi thương mại thế giới Panjiva.

Đối với Mexico, mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất là ô tô. Một số người đánh giá đội ngũ của ông Trump là những người theo chủ nghĩa bảo hộ, đặt ra rào cản với quốc gia khác để bảo vệ giới doanh nghiệp Mỹ.

Rất nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào chi tiết về động thái của chính quyền ông Trump. Chuyên gia Derek Scissors về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho hay: “Nếu họ đưa ra mức thuế quan 5% thì sẽ rất khác với khi áp thuế 35%”.

Ông Derek Scissors cũng cho rằng phản ứng từ Trung Quốc và Mexico sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu ông Trump sẽ có động thái cụ thể đối với những nước này hay chỉ đưa ra hành động chung cho tất cả các nước.

Cuối cùng thì những gì ông Trump muốn là doanh nghiệp Mỹ đem việc làm và sản xuất về lại nước nhà. Navarro và Ross có vẻ như đang xem xét ít nhất hai khả năng để thực hiện điều này: lựa chọn về thuế hoặc thuế quan. Hiện chưa rõ liệu hai chuyên gia bên cạnh ông Trump sẽ sử dụng cả hai lựa chọn, sử dụng chỉ một lựa chọn hay xem xét những cách làm khác. Dưới đây là giải thích cụ thể về hai cách làm trên.

Lựa chọn A: Áp thuế quan lên các nước khác

Nhóm chuyển giao của ông Trump đang xem xét ý tưởng áp thuế quan 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước, một nguồn tin tiết lộ với hãng tin CNN. Một số chuyên gia nói rằng mức thuế trên sẽ tăng giá hàng hóa ở Mỹ và đặt rủi ro lên những việc làm phụ thuộc vào thương mại.

Dù vậy, nhóm của ông Trump nhấn mạnh rằng họ dùng cách dọa áp thuế để đạt các thỏa thuận thương mại tốt hơn. Vì thế vẫn chưa chắc rằng việc áp thuế chỉ là lời đe dọa hay là hành động thực sự.

“Thuế quan không phải là trò chơi cuối cùng, nó là chiến lược, một chiến lược tái đàm phán các hiệp định thương mại. Thuế quan sẽ không đặt ra nguy cơ cho việc làm Mỹ”, ông Navarro nói.

Lựa chọn B: Sử dụng nhiều loại thuế để công bằng hóa thương mại

Một ý tưởng khác được ưu ái là thuế điều chỉnh biên giới (BAT, loại thuế khác thuế quan vốn chỉ ảnh hưởng đến hàng nhập khẩu). BAT ảnh hưởng đến cả hàng nhập lẫn xuất khẩu nhưng nó có thể phục vụ cùng mục đích là làm thương mại công bằng hơn cho Mỹ.

“Nếu bạn nghĩ về nó dưới góc nhìn chính sách và quan điểm khách quan, nó giải quyết rất nhiều vấn đề thương mại tương tự được đặt ra trong chiến dịch tranh cử”, Bill Methenitis, Giám đốc thương mại toàn cầu của hãng tư vấn EY cho biết.

Ở dạng đơn giản nhất, BAT khiến việc nhập khẩu hàng hóa của các công ty Mỹ trở nên tốn kém hơn, nhưng giúp việc xuất khẩu ít tốn kém hơn bằng việc điều chỉnh thuế.

Tuy nhiên, hàng nhập khẩu Mỹ nhiều hơn xuất khẩu nên BAT có thể khiến nhiều mặt hàng trên kệ của Walmart hay Best Buy đắt đỏ hơn. Những người ủng hộ cách làm này cược rằng chiến lược trên sẽ gia tăng giá trị đô la Mỹ vì doanh nghiệp ngoại sẽ mua thêm hàng Mỹ còn ở Mỹ bán ít hàng ngoại hơn.

USD mạnh lên ngược lại sẽ giúp việc mua sắm hàng hóa từ nước ngoài trở nên rẻ hơn và đây là yếu tố làm biến mất bất kỳ mức tăng giá nào đối với hàng trên kệ Walmart hay Best Buy. Trên lý thuyết, người tiêu dùng Mỹ sẽ không thấy sự khác biệt nào trong hóa đơn mua sắm của họ.

Song hẳn nhiên, USD được giao dịch trên thị trường tự do và không có điều gì đảm bảo rằng đồng tiền này sẽ đi theo hướng đó. Một số chuyên gia cho rằng BAT sẽ không được thông qua vì Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể phản đối nó.

Thu Thảo

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.