|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump không thiếu biện pháp trừng phạt Hong Kong

21:24 | 01/06/2020
Chia sẻ
Mỹ có rất nhiều công cụ để trừng phạt Hong Kong vì vấn đề dự luật an ninh mới, từ lĩnh vực thương mại tới tài chính, ngân hàng, ...
Ông Trump có những biện pháp nào để trừng phạt Hong Kong? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump đến Nhà Trắng vào ngày 30/5. Ảnh: Bloomberg

Cam kết thu hồi đặc quyền thương mại của Hong Kong của ông Trump có vẻ như đã không gây được nhiều ấn tượng, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn vững vàng.

Theo Bloomberg, thông báo thu hồi đặc quyền thương mại của Hong Kong được ông Trump đưa ra hôm 29/5 không cung cấp bất kì thông tin gì về khung thời gian và những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Điều duy nhất người ta biết được là quyết định này sẽ ảnh hưởng đến gần như tất cả thỏa thuận giữa Mỹ và Hong Kong, chỉ trừ "rất ít ngoại lệ".

Theo Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992, tổng thống Mỹ có quyền chấm dứt đặc quyền thương mại của Hong Kong bất cứ lúc nào. Đạo luật bao gồm tất cả khía cạnh của mối quan hệ giữa Mỹ và Hong Kong, từ thương mại cho đến các qui tắc liên quan đến vận chuyển và đầu tư. 

Dù việc hủy bỏ Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong hoàn toàn sẽ đặt ra những câu hỏi pháp lí ảnh hưởng nghiêm trọng đến với thương mại toàn cầu, dưới đây là những biện pháp chính có thể ảnh hưởng đến thương mại mà các nhà phân tích đang theo dõi. 

Thuế quan

Ông Trump có thể áp thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu của Hong Kong bằng với mức thuế đánh vào hàng hóa và dịch vụ từ Trung Quốc đại lục. Nhưng tác động của biện pháp này là không đáng kể: Năm ngoái Hong Kong chỉ xuất khẩu 4,8 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ sang Mỹ, bằng khoảng 1% so với số sản phẩm Mỹ nhập từ Trung Quốc.

Dù Hong Kong là trung tâm trung chuyển lớn cho hàng hóa Trung Quốc, phần lớn số hàng hóa này vốn đã phải chịu mức thuế suất giống như Trung Quốc đại lục từ trước. 

Hơn nữa, Mỹ được hưởng thặng dư thương mại 23 tỉ USD với Hong Kong, nhiều hơn so với bất kì quốc gia nào. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ phải chịu thiệt hại nếu Hong Kong đáp trả bằng cách áp thuế cao lên hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Kiểm soát hàng xuất khẩu

Mỹ cho phép Hong Kong nhập khẩu một số hàng hóa nhạy cảm mà Trung Quốc bị cấm,  bao gồm một số công nghệ được sử dụng trong cả lĩnh vực tiêu dùng và quân sự, ví dụ như sợi carbon được sử dụng để chế tạo gậy golf và các bộ phận tên lửa.

Việc thu hồi các đặc quyền này sẽ khiến Hong Kong phải chịu kiểm soát xuất khẩu tương tự như Trung Quốc. Dù số hàng hóa cần giấy phép đặc biệt từ Mỹ chỉ chiếm 1,2% tổng  số hàng Hong Kong nhập khẩu trong năm 2018, các nhà xuất khẩu Mỹ có thể sẽ phải xử lí thêm một số giấy tờ liên quan đến những hàng hóa khác. 

"Các lệnh cấm xuất khẩu có thể có tác động trực tiếp đến cuộc đua công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc", các nhà kinh tế tại Natixis SA cho biết.

Trừng phạt cá nhân

Theo Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong, tổng thống Mỹ có quyền xử phạt những người phá hoại quyền tự do và tự trị ở Hong Kong. Cụ thể, Đạo luật này đề cập đến việc chặn tài sản và thu hồi thị thực đối với những người tổng thống Mỹ nêu tên.

Những người nằm trong diện bị ảnh hưởng bởi Đạo luật này bao gồm ông Hạ Bảo Long - Giám đốc Văn phòng phụ trách vấn đề Hong Kong và Macau; ông Lạc Huệ Ninh - trưởng Văn phòng liên lạc Bắc Kinh tại Hong Kong và bà Carrie Lam - Đặc khu trưởng Hong Kong.

Trừng phạt các ngân hàng

Các nhà lập pháp Mỹ đang nhanh chóng xúc tiến một dự luật sẽ xử phạt ngân hàng thực hiện giao dịch quan trọng với các thực thể Trung Quốc có liên quan đến việc hạn chế quyền tự do của Hong Kong.

Dự luật này có thể loại bỏ các ngân hàng đó khỏi hệ thống tài chính Mỹ thông qua các biện pháp như ngăn cấm giao dịch ngoại hối, cấm giao dịch với các ngân hàng và công dân Mỹ.

Bất kì đòn tấn công nào từ Mỹ trên mặt trận này đều có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng đối với vai trò là trung tâm tài chính quốc tế của Trung Quốc và Hong Kong.

Trừng phạt rộng rãi hơn

Ông Trump có thể sử dụng Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 để thực thi các biện pháp trừng phạt rộng lớn hơn nhiều đối với Trung Quốc. Đạo luật này trao cho tổng thống Mỹ quyền hạn để đối phó với bất kì mối đe dọa bất thường nào mà ông cho là có tính khẩn cấp quốc gia.

Ông Trump đã vài lần đe dọa sẽ sử dụng đạo luật này trong nhiệm kì của mình. Năm ngoái, ông đã nhắc đến đạo luật này khi dọa sẽ đánh thuế đối với hàng hóa Mexico như một cách để kiềm chế dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.

Tháng 8/2019, chính quyền Tổng thống Trump cũng nhắc rằng Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế trao cho ông Trump quyền hạn buộc các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc nếu ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên, vận dụng đạo luật này sẽ khiến rạn nứt giữa Mỹ - Trung Quốc càng trầm trọng, và đồng thời chấm dứt thỏa thuận thương mại giai đoạn một. 

Chấm dứt cơ chế neo tỉ giá của đô la Hong Kong vào USD

Một nội dung quan trọng của Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong là điều khoản cho phép đồng USD được "tự do trao đổi" với đô la Hong Kong.

Nếu muốn, ông Trump có thể chấm dứt cơ chế neo tỷ giá đồng đô la Hong Kong vào đồng USD ngay lập tức, theo Enodo Economics. Nhưng công ty này cũng thừa nhận kịch bản trên khó xảy ra.

Chỉ cần Mỹ nhắm đến việc loại trừ các ngân hàng Trung Quốc hoặc Hong Kong khỏi hệ thống thanh toán bù trừ bằng USD thôi cũng đã đủ để tạo ra ảnh hưởng lớn.

Một số viện kinh tế, bao gồm Oxford Economics cho rằng ít có khả năng cơ chế neo tỷ giá đồng đô la Hong Kong sẽ trở thành nạn nhân của sức ép chính trị. 

Oxford Economics lưu ý rằng dự trữ ngoại hối của Hong Kong lớn gấp đôi cơ sở tiền tệ của thành phố này. Trong trường hợp dòng vốn chảy ra, Cơ quan Tiền tệ Hong Kong có nhiều công cụ khác nhau để cấp thanh khoản cho hệ thống liên ngân hàng.

Giang