|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Ông Phạm Sỹ Liêm: Quy hoạch treo làm khổ doanh nghiệp lẫn người dân

07:51 | 14/12/2017
Chia sẻ
"Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng" diễn ra sáng 13/12 ghi nhận nhiều đóng góp của chuyên gia trong ngành xây dựng.
ong pham sy liem quy hoach treo lam kho doanh nghiep lan nguoi dan Những khu đô thị 'treo': Ì ạch điều chỉnh quy hoạch
ong pham sy liem quy hoach treo lam kho doanh nghiep lan nguoi dan Nhiều dự án tại TPHCM đã treo quá lâu
ong pham sy liem quy hoach treo lam kho doanh nghiep lan nguoi dan

Quy hoạch treo làm khổ doanh nghiệp và dân. (Ảnh minh hoạ)

Quy hoạch treo làm khổ doanh nghiệp và dân

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, cho hay, trong quá trình xây dựng có khâu cấp giấy phép, nhưng lại không có khâu kiểm tra xem việc thực hiện ra sao, có đúng giấy phép được cấp không.

Đây là căn nguyên dẫn đến tình trạng vi phạm giấy phép xảy ra rất phổ biến. Khi báo chí phát hiện ra thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, chứ không phát hiện ra.

Ông Liêm lấy ví dụ, ở một số quốc gia, muốn xây thêm 1 tầng thì nộp thêm tiền. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì vi phạm pháp luật trong xây dựng chịu mức phạt vẫn còn rẻ.

Đề cập đến chương trình cải tạo chung cư cũ, ông Phạm Sỹ Liêm nêu câu hỏi: Tại sao phải bắt buộc là doanh nghiệp làm mà không phải là các chủ sở hữu tự đứng ra? "Đã thuê thì doanh nghiệp phải có lãi mới làm, còn tự mình làm thì rẻ được tới 20%".

Theo ông Liêm, người dân không biết làm thì có thể đi thuê dịch vụ tư vấn, rồi tư vấn sẽ đi thuê nhà thầu… "Không việc gì phải mời doanh nghiệp. Doanh nghiệp có cải tạo chung cư cũ cũng phải đi vay ngân hàng. Vậy các chủ sở hữu chung cư cũ cũng có quyền lập hợp tác xã và đi vay ngân hàng để cải tạo chung cư. Cái này chúng ta phải tạo khung pháp luật cho người dân", ông Liêm đề xuất.

Một vấn đề nữa ông Liêm cũng nêu lên là Bộ Xây dựng cần khắc phục quy hoạch treo - một vấn nạn làm khổ cả doanh nghiệp lẫn người dân.

"Cứ quy hoạch mà không xây dựng, treo ở đấy, ai cũng không được đụng vào. Cái này nguy hiểm. Dân đã kêu, báo chí cũng nêu rất nhiều", ông nói.

"Đa số công trình quảng cáo đều vi phạm"

Cũng tại hội thảo, ông Trần Hùng, Hiệp hội Quảng cáo cho hay, các doanh nghiệp quảng cáo hiện cũng chịu tác động không nhỏ bởi những quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch.

Hiện, hoạt động quảng cáo ngoài trời gặp bế tắc. Việc xin cấp phép xây dựng các công trình quảng cáo liên quan đến nhiều luật, quy định của nhiều ngành. Do đó, hiện hầu hết các công trình quảng cáo khó làm theo đúng luật, đa số đều vi phạm.

"Nhưng người ta vẫn làm, bôi trơn và sẵn sàng chịu xử phạt. Ở Hà Nội, Tp.HCM 4 năm nay vẫn không có quy hoạch quảng cáo. Tuy nhiên, chính quyền yêu cầu dừng lại, bao giờ có quy hoạch mới được làm tiếp. Nói như vậy thì không khác gì bắt người ta nhịn cơm", ông Hùng nhấn mạnh.

Ông cũng góp ý một số quy định hiện nay còn bất cập và không khả thi như yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất mới được làm quảng cáo. Trong khi đó, khu đất doanh nghiệp mua để cắm biển quảng cáo thì chỉ có chục mét, chính quyền địa phương đôi khi cũng không đồng ý chuyển đổi.

Ngoài ra, tình trạng chồng chéo vẫn xảy ra trong cấp giấy phép. Khi xin giấy phép thì ngành xây dựng yêu cầu phải có chấp thuận ở ngành văn hóa. Điều đó cũng như 'con gà và quả trứng', không biết cái gì có trước. Trong khi các địa phương thì hầu hết chỉ biết thực hiện máy móc theo luật.

Vị này cũng dẫn chứng Luật quảng cáo hiện quy định 8 loại giấy phép, trong đó riêng giấy phép từ ngành xây dựng chiếm 5 loại. Tuy nhiên, theo ông mỗi loại giấy phép trong số này lại có tới 20 loại giấy phép con. Trong khi văn bản hướng dẫn hoạt động quảng cáo quá nhiều liên quan đến cả ngành xây dựng, văn hóa, giao thông...

Chỉ ra những bất cập đó, vị này kiến nghị việc sửa đổi các Luật nên điều chỉnh theo hướng dồn các quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo vào một điều, một khoản của bộ luật cho doanh nghiệp dễ thực hiện.

Ông cũng cho rằng, trong thời gian chờ quy hoạch quảng cáo thì trước mắt cần có một số văn bản, hướng dẫn thêm để doanh nghiệp tiếp tục được phép triển khai, tránh tình trạng làm chui.

Kiều Linh