|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Mỗi ngày Vietravel 'đẩy một chiếc Camry xuống sông', sẽ phải chi rất nhiều tiền để tái hoạt động

07:27 | 04/10/2021
Chia sẻ
Đây là trải lòng của vị Chủ tịch Vietravel khi cả ngành hàng không và du lịch của công ty phải ở trong thế "nằm im bất động" vì sự càn quét của dịch COVID-19.
Đau đớn nhất của Vietravel: Mỗi ngày đẩy một chiếc xe Camry xuống sông - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel trong Lễ kỷ niệm thành lập 25 năm công ty chụp 20/12/2020. (Ảnh tư liệu: Minh Hằng).

Kết thúc năm COVID-19 thứ nhất, ngành du lịch hàng không được kỳ vọng sẽ lấy lại một phần đã mất. Tuy nhiên dự báo lại khác xa thực tế. Ngành du lịch chỉ hoạt động được trong tháng 2 3 và 4, từ đó rơi vào trạng thái đóng băng bởi làn sóng COVID-19 thứ tư.

Đối với doanh nghiệp lớn hơn, tổn thất cũng lớn hơn. Trong ngành hàng không, có doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 17.000 tỷ đồng và còn phải chịu âm vốn chủ sở hữu hàng nghìn tỷ.

Còn tại CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), riêng trong ba tháng đầu năm nay đã phải ghi nhận khoản lỗ sau thuế 73 tỷ đồng, trong khi cả năm ngoái lỗ gần trăm tỷ. Cả ngành hàng không và du lịch của công ty chỉ hoạt động được những tháng đầu năm rồi sau đó trong trạng thái buộc phải "im hơi lặng tiếng".

Chưa kể, cuối năm ngoái Vietravel đã đánh cược mở hãng hàng không Vietravel Airlines với kỳ vọng lúc bấy giờ là ngành sẽ khởi sắc.

Đau đớn nhất của Vietravel: Mỗi ngày đẩy một chiếc xe Camry xuống sông - Ảnh 2.

Tại sự kiện Vietnam CEO Forum với chủ đề "Đâu là trận cuối?", các diễn giả là những nhà lãnh đạo các doanh nghiệp lớn đã chia sẻ về những "cơn bão" do chính COVID-19 mang lại.

Nói về thực tại của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel bày tỏ: "Có lẽ, đau đớn nhất của ngành du lịch chính là cơ sở vật chất. Riêng với Vietravel, điều này đồng nghĩa với việc trong một tuần sẽ đẩy 7 chiếc Rover xuống sông hay mỗi ngày mất đi một chiếc Camry". Tình trạng chung bây giờ của ngành là "hàng chục máy bay, tất cả nằm im trên đường băng, gây ra tổn thất tài chính vô cùng lớn".

Chưa kể, theo ông Kỳ, ngành hàng không là ngành sử dụng lao động chất lượng cao. Qua đợt dịch này, lượng nhân sự sẽ bị sứt mẻ, dễ rời đi, các máy bay cũng không phải muốn là đem ra bay liền được vì còn phải đáp ứng quy định về an toàn bay. Cộng hưởng lại, doanh nghiệp sẽ phải chi rất nhiều tiền để "restart" (khởi động lại).

Chính vì điều này, Chủ tịch Vietravel thừa nhận, COVID-19 đã thực sự để lại "di chứng", kéo lùi ngành hàng không du lịch về những năm 2007, 2008.

COVID-19 đã thực sự để lại "di chứng", kéo lùi ngành hàng không du lịch về những năm 2007, 2008.

Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ thừa nhận

Dẫu vậy, vị lãnh đạo vẫn khuyên các doanh nghiệp khác cần "kiên nhẫn". Kiên nhẫn với "bình oxy", với "vắc xin chống virus". Chính xác hơn, kiên nhẫn và bình tĩnh lựa chọn phương thức giúp công ty trụ vững qua mùa dịch, bao gồm phương án tái cấu trúc doanh nghiệp. Dù biết "bớt mỡ sẽ chạy nhanh hơn", nhưng cũng phải biết cân nhắc để biết đâu là "biện pháp để tiêu mỡ nhanh nhất", ông Nguyễn Quốc Kỳ giải bày.

Theo nhận định của vị lãnh đạo, tình hình du lịch từ nay đến cuối năm còn khó khăn nữa, dự báo ngành du lịch Việt Nam có khả năng mất hết năm nay và chỉ có thể khởi động lại từ đầu năm tới. Ông Kỳ đánh giá doanh thu năm nay của công ty không chắc nổi 10% con số năm 2019.

Minh Hằng