Ông lớn thời trang nhanh Shein nộp hồ sơ IPO tại Mỹ
Shein, hãng thời trang nhanh trực tuyến của Trung Quốc được định giá hơn 60 tỷ USD, mới đây đã nộp hồ sơ đăng ký với các cơ quan quản lý tại Mỹ để thực hiện việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), hãng tin Reuters dẫn nguồn từ những nguồn tin thân cận với vấn đề này.
Nếu thương vụ IPO diễn ra thành công, hãng thời trang nhanh Shein có thể trở thành công ty đại chúng đến từ Trung Quốc có giá trị lớn nhất tại Mỹ, kể từ khi gã khổng lồ ngành gọi xe công nghệ Didi Global niêm yết tại Sàn giao dịch Chứng khoán New York vào năm 2021 với mức định giá 68 tỷ USD.
Didi sau đó đã bị hủy niêm yết khỏi Sàn giao dịch Chứng khoán New York trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh siết chặt quy định đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, liên quan tới các quy tắc bảo mật dữ liệu và chống độc quyền.
Shein đã bí mật gửi hồ sơ đăng ký IPO của mình với Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC), các nguồn tin cho biết. Các nguồn tin cũng nói thêm rằng thương vụ IPO của Shein tại Mỹ có thể diễn ra trước thời điểm cuối năm 2023.
Chia sẻ qua email, người phát ngôn của hãng thời trang nhanh Shein cho biết phía công ty “phủ nhận những tin đồn này”, đồng thời không đưa ra bình luận khi được yêu cầu cung cấp thêm thông tin chi tiết. Phía SEC cũng từ chối bình luận về vấn đề này.
Để thúc đẩy các kế hoạch IPO của mình, Shein đang “bỏ qua” những căng thẳng gia tăng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề như thương mại, công nghệ nhạy cảm, nhân quyền và địa chính trị.
Thương vụ IPO của Shein bị phản đối bởi một nhóm gồm khoảng 20 đại diện của lưỡng đảng Mỹ, những người đã yêu cầu phía SEC xác minh rằng công ty không “cưỡng bức lao động”, trước khi cho phép Shein được niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York.
Phía Shein cho biết họ tuân thủ các tiêu chuẩn và đáp ứng đầy đủ về mặt đạo đức trong việc tìm nguồn cung ứng, đồng thời bác bỏ cáo buộc rằng họ vận chuyển nguồn cung từ một khu vực nhạy cảm của Trung Quốc.
Các nhà lập pháp Mỹ cũng đang tìm cách hạn chế quyền miễn thuế "de minimis", được sử dụng rộng rãi bởi các nhà bán lẻ thương mại điện tử như Shein trong việc gửi đơn đặt hàng từ Trung Quốc đến Mỹ.
Một bản tóm tắt được các cơ quan chức năng tại Mỹ đưa ra vào hồi tháng 4 đã cáo buộc Shein lợi dụng quyền miễn trừ để trốn thuế, đồng thời nhập khẩu các mặt hàng được sản xuất bất hợp pháp.
Shein đã được định giá hơn 60 tỷ USD sau vòng gọi vốn tư nhân trị giá 2 tỷ USD vào tháng 3. General Atlantic, Mubadala, Tiger Global và Sequoia Capital China nằm trong số các nhà đầu tư đã rót vốn vào hãng thời trang nhanh.
Shein đã để mắt đến việc IPO tại Mỹ trong ít nhất ba năm, nhưng đã bị cản trở bởi những cơn gió ngược, bao gồm sự giám sát của Mỹ đối với các hoạt động tài chính – kế toán của các công ty Trung Quốc và biến động của thị trường do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 cũng như xung đột giữa Nga và Ukraine.
Người sáng lập công ty, Chris Xu, đã chuyển trụ sở chính của công ty từ Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô phía Đông Trung Quốc đến Singapore hơn một năm trước, một động thái giúp Shein lách các quy định mới nghiêm ngặt của Trung Quốc về việc niêm yết ở nước ngoài.
Shein đã từng bước trở thành một thế lực mới trong ngành thương mại điện tử nhờ sự kết hợp giữa kinh nghiệm chuỗi cung ứng, thiết kế quần áo dựa trên dữ liệu và các lỗ hổng về thuế ở Trung Quốc và Mỹ đã xuất hiện trong thời điểm hai quốc gia có nhiều căng thẳng về thương mại.
Mới nhất, gã khổng lồ ngành thời trang nhanh cho biết sẽ mở rộng dấu ấn của mình ở châu Âu và Mexico, bằng việc bán nhiều sản phẩm sản xuất tại địa phương hơn, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng vốn đang chỉ tập trung ở thị trường nội địa Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 4/2022, phía Shein cũng từng cân nhắc một vòng gọi vốn ở mức định giá khoảng 100 tỷ USD, các nguồn tin thân cận với vấn đề chia sẻ cùng Bloomberg.
Tháng 5/2021, Shein cũng cho biết công ty được định giá “nhiều tỷ USD” và chưa có kế hoạch thực hiện IPO trong ngắn hạn. Trong cùng năm, Shein đã vượt qua Amazon để trở thành ứng dụng mua sắm được tải về nhiều nhất từ các kho ứng dụng Mỹ.