'Ông lớn' ngành bia Sabeco muốn nhảy vào ngành năng lượng tái tạo, đề xuất cổ tức 3.500 đồng/cp năm 2022
Theo Tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vừa được bổ sung, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) sẽ trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, năm 2022 và bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh.
Dự chi hơn 2.200 tỷ đồng trả cổ tức
Cụ thể, cho năm 2021, tỷ lệ cổ tức là 35% bằng tiền mặt. Sabeco đã thực hiện thanh toán số tiền 2.244 tỷ đồng qua hai đợt là tháng 3/2021 và tháng 1/2022.
Cho năm 2022, tỷ lệ dự kiến trình lên cổ đông cũng là 35% bằng tiền mặt (3.500 đồng/cp), tương ứng tổng số tiền cần trả là 2.244 tỷ đồng như năm ngoái.
Trong đó, Công ty TNHH Vietnam Beverage của tỷ phú Thái Lan là cổ đông lớn nhất của Sabeco khi sở hữu 53,59% vốn dự kiến sẽ nhận về khoảng 1.200 tỷ đồng, còn Bộ Công Thương dự kiến thu về hơn 807 tỷ đồng, tương ứng 36% vốn đang nắm giữ.
Trong hai năm gần đây, Sabeco kinh doanh không thuận lợi chủ yếu do dịch COVID-19 và quy định khắt khe hơn của Chính phủ đối với tiếp thị và quảng cáo bia,... Dẫu vậy, Sabeco đều đặn chi hàng nghìn tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt, dao động từ 30% - 50% mỗi năm.
Năm nay, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 34.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 4.581 tỷ đồng, lần lượt tăng 32% và 17% so với thực hiện năm 2021.
Doanh nghiệp cho biết ngành bia Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 và những quy định khắt khe của chính phủ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất bia cũng gặp những thách thức như giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, khan hiến hàng hóa, tắc nghẽn giao thông và cước phí vận tải hàng hóa cao đã đẩy giá hàng hóa lên cao. Hơn nữa, đồ uống có cồn tại Việt Nam đang phải chịu 3 loại thuế bao gồm thuế nhập khẩu (5 - 80%), thuế giá trị gia tăng (10%) và thuế tiêu thụ đặc biệt (50 – 60%).
Tham gia vào ngành năng lượng tái tạo
Trong tài liệu vừa bổ sung, Sabeco dự kiến bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh sản xuất điện, cụ thể là sản xuất điện gió, điện mặt trời và điện khác.
Việc tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo này diễn ra trong bối cảnh EVN hồi đầu tháng 4 đã có đề xuất Chính phủ và các bộ ngành cơ chế phát triển nhanh các nguồn điện tái tạo ở miền Bắc nhằm tránh nguy cơ thiếu điện do khu vực này chuẩn bị bước vào mùa nắng nóng cộng với dự báo tiêu thụ điện tăng mạnh như quy luật hàng năm.
Cụ thể EVN đề xuất để đến năm 2025 đưa vào vận hành thêm khoảng 5.500 MW các nguồn điện năng lượng tái tạo bao gồm 4.000 MW điện gió và khoảng 1.500 MW điện mặt trời kèm theo hệ thống lưu trữ phù hợp để đáp ứng nhu cầu công suất trong các giờ cao điểm tối.
Đồng thời, EVN cũng đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ (không bán lên lưới).