|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Ông lớn mang theo hàng tỷ USD di cư về phía Nam

11:27 | 25/10/2021
Chia sẻ
Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi phục trở lại khi nhiều ông lớn công bố các kế hoạch mở bán, ra mắt hay triển khai các dự án để chạy nước rút những tháng cuối năm. Trong đó, một số doanh nghiệp có động thái "Nam tiến" để phát triển các dự án quy mô lớn.
Ông lớn mang theo hàng tỷ USD di cư về phía Nam - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Bắc công bố kế hoạch phát triển dự án lớn ở phía Nam. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Xu hướng Nam tiến của doanh nghiệp địa ốc đã diễn ra phổ biến trong những năm gần đây. Từ đầu năm đến nay, xu hướng này diễn ra mạnh mẽ hơn nhờ sự vào cuộc của các "ông lớn".

Mới đây, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 cơ bản được kiểm soát, một số doanh nghiệp lớn phía Bắc ngay lập tức công bố kế hoạch phát triển dự án ở phía Nam.

Đơn cử, Tập đoàn Tân Hoàng Minh của ông Đỗ Anh Dũng vừa giới thiệu "Tổ hợp quần thể du lịch không ngủ" tại Bãi Trường, Phú Quốc. Dự án được đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD), quy mô 34 ha, bao gồm hệ thống khách sạn 5 sao, 129 shophouse, 76 biệt thự và 15 tòa căn hộ khách sạn condotel (7.000 đến 8.000 căn),...

Trước đó, hồi đầu tháng 7, dự án này đã được Tân Hoàng Minh ra mắt. Từ khi công bố đến nay, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil - thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã huy động 1.250 tỷ đồng cho dự án.

Ngày 16/10 vừa qua, Tập đoàn FLC đã khởi động dự án FLC Gia Lai Golf Club & Luxury Resort - quần thể nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái ở Tây Nguyên. Lễ ra quân dự án với chủ đề "Đánh thức đại ngàn" diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Dự án được giới thiệu có vị trí cách trung tâm TP Pleiku 10 km, cách sân bay Pleiku 16 km, bao gồm các hạng mục: Khách sạn năm sao, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf 36 hố, khu động vật bán hoang dã, trường học liên cấp, bệnh viện đa khoa quốc tế lớn nhất Gia Lai, sân khấu nhạc nước diện tích 15.000 m2, bể bơi vô cực,...

Quy mô dự án khoảng 500 ha, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 (197 ha) khoảng 3.631 tỷ đồng.

Hay Tập đoàn Tân Á Đại Thành và Tập đoàn Daewoo E&C (Hàn Quốc) mới đây đã tổ chức Lễ ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư phát triển dự án Meyhomes Capital Phú Quốc. Dự án có quy mô 266 ha, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 94 căn shophouse và trục đường giao thông trung tâm dự án.

Đáng chú ý, ngay cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp vẫn tranh thủ xuống phía Nam tìm kiếm quỹ đất mới.

Chẳng hạn, CTCP Tập đoàn T&T hồi tháng 7 đã có văn bản gửi UBND TP Cần Thơ đề xuất ba dự án. Cụ thể, gồm: Khu đô thị hai bên đường Võ Văn Kiệt (Khu 3 - quy mô khoảng 219 ha); Thành phố khoa học ứng dụng công nghệ cao Cù Lao Phong Điền (khoảng 260 ha); Dự án đầu tư phát triển khu vực Cồn Sơn (khoảng 75 ha). UBND TP Cần Thơ ngày 21/9 đã có văn bản chấp thuận đề xuất trên.

Hay hồi tháng 4, doanh nghiệp này đã đến Đồng Tháp để đề xuất quy hoạch khu đô thị thương mại dịch vụ ven sông phía Đông với quy mô gần 173 ha tại TP Sa Đéc.

Đến tháng 5, T&T trúng thầu Khu đô thị mới khóm 5 (phường 1) quy mô 23 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang khảo sát, lập quy hoạch Khu hỗn hợp thương mại dịch vụ và tài chính Cao Lãnh (hơn 1 ha); Khu đô thị mới An Lạc 1 (gần 50 ha); Khu đô thị mới An Lạc 2 (hơn 44 ha); Khu công nghiệp công nghệ cao huyện Lấp Vò (250 ha); Khu đô thị Tân Mỹ (50 ha); Khu trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở Sa Đéc (1 ha) và Khu đô thị Hoà Thành, huyện Lai Vung (54 ha).

Một tập đoàn đa ngành khác là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) thời gian gần đây cũng "nhắm" đến thị trường phía Nam.

Tháng 5 vừa qua, Tập đoàn này được UBND tỉnh Cần Thơ chấp thuận khảo sát, nghiên cứu và đề xuất ba dự án gồm: Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy (452 ha); Khu đô thị thương mại - dịch vụ tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng (hơn 88 ha) và Khu đô thị thương mại - dịch vụ tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (hơn 6 ha).

Cũng tại Cần Thơ, Tập đoàn Sovico trước đó đã đề xuất đầu tư  loạt dự án như Khu đô thị mới (khoảng 948 ha) để kết nối cùng với dự án trung tâm logistics hàng không; dự án trung tâm logistics hàng không Cần Thơ tại quận Bình Thủy (khoảng 50 ha).

Tại khu vực Tây Nguyên, Tập đoàn Tân Á Đại Thành vừa qua đã trình bày phương án quy hoạch Khu đô thị trung tâm hành chính mới Ea Kar (Đắk Lắk) với diện tích khoảng 72 ha, thuộc thôn 9 xã Ea Đar, giáp với khu trung tâm hành chính mới của huyện.

Dự án bao gồm hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với Quốc lộ 26 và lấy cụm công trình trụ sở UBND, trung tâm thương mại và công viên cây xanh làm trung tâm,... Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.700 tỷ đồng.

Cũng tại Đắk Lắk, hồi đầu tháng 1, Tập đoàn T&T đã đề xuất đầu tư 5 dự án tại TP Buôn Ma Thuột gồm: Khu đô thị thương mại dịch vụ Ea Tam (51,6 ha); Tổ hợp khách sạn 5 sao, khu thương mại và nhà ở thương mại (42 ha); Dự án khu biệt thự Ea Kao (46,1 ha); Khu sân Golf hồ Ea KaoKao (76,7 ha) và Trung tâm văn hoá tỉnh Đắk Lắk.

Hay CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland (công ty con của Tập đoàn Ecopark) cũng đang tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị đường Nguyễn Hoàng và hồ Vạn Kiếp rộng 207 ha ở Lâm Đồng,...

Công Tâm

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.