|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những ‘thợ săn’ vẫn miệt mài tìm đất

09:21 | 28/09/2021
Chia sẻ
Mặc cho dịch bệnh đang làm ngưng trệ việc triển khai, mở bán dự án,..., nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn tranh thủ tìm kiếm quỹ đất mới.

Doanh nghiệp vẫn âm thầm gom đất giữa dịch

Những ‘thợ săn’ vẫn miệt mài tìm đất - Ảnh 1.

Bất chấp dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn tranh thủ tìm kiếm quỹ đất mới. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 kéo dài lâu hơn dự kiến đã tác động mạnh đến nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nói riêng.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức sau hơn một năm rưỡi chống chọi với dịch COVID-19 bùng phát, thậm chí nguồn lực của một số doanh nghiệp bị bào mòn, có nguy cơ phá sản,...

Tuy nhiên, sau khi trải qua liên tiếp các đợt dịch, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã chủ động hơn và có những bài toán riêng trong việc duy trì dòng tiền. Nhiều "ông lớn" vẫn tranh thủ tìm kiếm quỹ đất mới để chuẩn bị cho chiến lược dài hơi sau khi dịch được kiểm soát.

Đơn cử, Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) mới đây đã có có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Hạ Long xem xét cho phép đơn vị được nghiên cứu quy hoạch, đầu tư dự án Công viên rừng Hạ Long tại khu vực phía Bắc Quốc lộ 18A tại các phường Hà Khẩu, Đại Yên với quy mô khoảng 650 ha.

Khu vực được đề xuất làm Công viên rừng Hạ Long nằm đối diện với một dự án mà doanh nghiệp đang làm chủ đầu tư. Tập đoàn này đề xuất khởi công thực hiện dự án trong năm 2022 và hoàn thành trong năm 2023.

Một tập đoàn đa ngành khác là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) thời gian gần đây cũng liên tục đề xuất các dự án mới.

Tại Quảng Ngãi, từ tháng 7 đến nay, các thành viên thuộc Tập đoàn này đã đề xuất làm loạt dự án như Dự án nhà xưởng, kho bãi hàng hóa và sản xuất vật liệu xây dựng (gần 13 ha); Dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép Hòa Phát Dung Quất (hơn 21.000 tỷ đồng); đầu tư xây dựng các khu tái định cư khoảng 2.000 lô trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất.

Tại Cần Thơ, trong tháng 5, Tập đoàn này được chấp thuận khảo sát, nghiên cứu và đề xuất ba dự án gồm: Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy (452 ha); Khu đô thị thương mại - dịch vụ tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng (hơn 88 ha) và Khu đô thị thương mại - dịch vụ tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (hơn 6 ha).

Tập đoàn FLC (Mã: FLC) cũng không nằm ngoài cuộc khi vừa có công đề xuất giới thiệu địa điểm, ranh giới, hiện trạng sử dụng đất để nghiên cứu các dự án khu đô thị, khu du lịch sinh thái, sân golf, khu vui chơi giải trí ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam).

Tại Hậu Giang, hồi tháng 7, FLC được chấp thuận nghiên cứu, tiếp cận Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu đô thị mới 927 với quy mô khoảng gần 490 ha. Dự án nằm tại địa bàn xã Đông Phú, xã Phú Hữu và thị trấn Mái Dầm.

Trước đó, hồi tháng 5, Tập đoàn này đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang báo cáo phương án quy hoạch hai khu đô thị tại TP Vị Thanh. Cụ thể, gồm: Khu đô thị mới kết hợp công viên cây xanh Vị Thanh phường V (khoảng 185 ha); Khu đô thị mới Nam Vị Thanh, phường V, TP Vị Thanh và huyện Vị Thủy (khoảng 170 ha).

Cũng trong tháng 5, tại Bạc Liêu, FLC được chấp thuận đầu tư thực hiện ba dự án gồm: Nhà ở mật độ cao Hiệp Thành - Vĩnh Trạch Đông, nhà ở kết hợp quảng trường Vĩnh Trạch Đông và nhà ở kết hợp công viên cây xanh Vĩnh Trạch Đông.

CTCP Tập đoàn T&T hồi tháng 7 vừa qua đã có văn bản gửi UBND TP Cần Thơ đề xuất ba dự án. Cụ thể, gồm: Khu đô thị hai bên đường Võ Văn Kiệt (Khu 3 - quy mô khoảng 219 ha); Thành phố khoa học ứng dụng công nghệ cao Cù Lao Phong Điền (khoảng 260 ha); Dự án đầu tư phát triển khu vực Cồn Sơn (khoảng 75 ha).  UBND TP Cần Thơ ngày 21/9 đã có văn bản chấp thuận đề xuất trên.

Tại Thanh Hóa, hồi tháng 8, Tập đoàn này đã có công văn đề nghị được tài trợ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới Đông Cương tại TP Thanh Hóa.

Tại Cà Mau, hồi tháng 5, T&T trúng thầu Khu đô thị mới khóm 5 (phường 1) quy mô 23 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Hay hồi tháng 4, doanh nghiệp này đã đến Đồng Tháp để đề xuất quy hoạch khu đô thị thương mại dịch vụ ven sông phía Đông với quy mô gần 173 ha tại TP Sa Đéc.

Ngoài ra, T&T đang khảo sát, lập quy hoạch Khu hỗn hợp thương mại dịch vụ và tài chính Cao Lãnh (hơn 1 ha); Khu đô thị mới An Lạc 1 (gần 50 ha); Khu đô thị mới An Lạc 2 (hơn 44 ha); Khu công nghiệp công nghệ cao huyện Lấp Vò (250 ha); Khu đô thị Tân Mỹ (50 ha); Khu trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở Sa Đéc (1 ha) và Khu đô thị Hoà Thành, huyện Lai Vung (54 ha).

Tập đoàn Sovico hồi tháng 7 đã có công văn gửi UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất đầu tư quy mô 1.000 ha tại Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hữu Lũng (huyện Hữu Lũng).

Trước đó, tháng 3/2021, doanh nghiệ này đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xin phép bay Hà Nội - Lạng Sơn bằng trực thăng để phục vụ di chuyển và khảo sát dự án tại địa phương này.

Tại Lạng Sơn, Sovico cũng đang tham gia hồi sinh dự án Khách sạn - Sân golf Hoàng Đồng.

Trước đó, Tập đoàn này đã đến Cần Thơ để đề xuất đầu tư dự án Trung tâm logistics hàng không Cần Thơ tại quận Bình Thủy với quy mô khoảng 50 ha; Khu đô thị mới để kết nối cùng với dự án trung tâm logistics hàng không (khoảng 948 ha),...

CTCP Tập đoàn BRG hồi tháng 7 vừa qua đã đến Thái Nguyên đề xuất thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh như xây dựng khu đô thị dịch vụ thương mại, khu nghỉ dưỡng và sân golf, khu nhà ở cao tầng, thấp tầng, khu nhà ở hỗn hợp, khu đô thị sinh thái trên địa bàn TP Thái Nguyên và thị xã Phổ Yên.

Cũng trong tháng 7, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã: HPX) đã đến Điện Biên để xuất đầu tư 4 dự án tại TP Điện Biên Phủ.

Các dự án này bao gồm Khu đô thị sân bay Mường (hơn 23nha); Khu nhà ở trung tâm hành chính mới (gần 7 ha); Khu đô thị phía Tây Bắc thành phố (hơn 48 ha); KĐT mới Him Lam (khoảng 12 ha).

Hay như nhóm doanh nghiệp liên quan đến TNG Holdings Việt Nam thời gian gần đây vẫn ầm thầm gom quỹ đất tại khắp các tỉnh thành trên cả nước thông qua hình thức đấu thầu,...

Ồ ạt huy động vốn

Song song với việc mở rộng quỹ đất, nhiều doanh nghiệp cũng lên kế hoạch huy động vốn chuẩn bị cho giai đoạn sau dịch thông qua chào bán cổ phiếu, trái phiếu,...

Đơn cử, CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) có kế hoạch phát hành 60 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mục đích mở rộng quỹ đất thông qua việc chi 200 tỷ đồng để góp vốn vào công ty con, qua đó nhận chuyển nhượng dự án PG Hải Phòng và đầu tư dự án Akari.

Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG) cũng có kế hoạch khởi công hàng loạt dự án trong quý IV như: Khu nhà ở Lam Hạ Center Point (Hà Nam); Khu phức hợp Cap Saint Jacques giai đoạn 2 (Vũng Tàu); Khu đô thị du lịch Long Tân (Đồng Nai); Khách sạn Vị Thanh (Hậu Giang);…

Trong đó, doanh nghiệp đang làm việc với một số tổ chức tín dụng để chuẩn bị nguồn vốn triển khai dự án.

Trước đó vào cuối tháng 5, DIC Corp cho biết sẽ chào bán riêng lẻ 75 triệu cp với giá 20.000 đồng/cp, tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng để đầu tư Khu đô thị Bắc Vũng Bàu.

Dự kiến trong năm nay, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) sẽ phát hành riêng lẻ 200 triệu cp để phát triển, mở rộng quỹ đất, bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động của công ty.

HĐQT CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land, Mã: CRE) mới đây đã thông qua kế hoạch chào bán hơn 91 triệu cp cho cổ đông hiện hữu.

Công ty sẽ dùng 400 tỷ nhận chuyển nhượng một phần các sản phẩm bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án Hợp tác xã Thành Công; 400 tỷ đồng để trả nợ vay cho các hợp đồng nhận chuyển nhượng sản phẩm bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai của Khu đô thị Hoàng Văn Thụ; gần 112 tỷ đồng còn lại để trả nợ vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp như Hưng Thịnh Land, Tân Hoàng Minh, nhóm TNG Holdings Vietnam,… cũng tích cực lên kế hoạch phát hành trái phiếu để phát triển dự án.

Hà Lê