Ông Lê Quốc Vinh: Làm quảng cáo như Biti’s với ca sĩ Sơn Tùng M-TP sẽ không còn hiệu quả
Kẻ dùng trái phép hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo, kinh doanh có thể 'bóc lịch' tới 5 năm |
Quảng cáo Biti’s sử dụng hình ảnh ca sĩ Sơn Tùng M-TP |
“Truyền thông luôn biến hóa. Trên thế giới, mỗi ngày, mỗi giờ, người ta luôn nghĩ và tạo ra những phương thức truyền thông mới, giúp thị trường này luôn sôi động và đầy yếu tố bất ngờ”, ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê, mở đầu sự kiện VSMCamp & CSMOSummit 2018.
Theo ông Vinh, so với dấu mốc VSMCamp & CSMOSummit năm ngoái, thị trường truyền thông – quảng cáo tại Việt Nam đã có rất nhiều điểm đột biến.
Cụ thể, xu hướng phổ biến hóa và dịch chuyển từ nền tảng máy tính sang di động được thể hiện rõ nét ở lượt tìm kiếm, lượt xem video trực tuyến và lượt truy cập Mạng xã hội.
Trong đó, người dùng Việt Nam nhận thức quảng cáo về các sản phẩm / dịch vụ chủ yếu qua Internet, xếp sau là qua TV và Quảng cáo trong cửa hàng (In-store ads). Quảng cáo số cũng đang ngày càng trở nên thiết yếu trong các chiến lược branding.
Chi phí cho Quảng cáo số vẫn đang giữ được mức tăng trưởng ổn định và được dự đoán sẽ đạt mức 323,6 triệu USD vào năm 2020.
Chi phí cho quảng cáo ở Nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang là cao nhất, theo sau là Sức khỏe & Dược phẩm và đứng thứ 3 là Giải trí & Truyền thông. Trong khi đó, các nhà quảng cáo lại đặc biệt dành nhiều ngân sách vào video khi quảng cáo các sản phẩm trong lĩnh vực bán lẻ, F&B (ngành hàng ăn uống) và Sức khỏe.
Về phương thức truyền thông, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, cách mà người tiêu dùng tương tác với các mẫu quảng cáo, thông điệp truyền thông đang rất khác. Đó không đơn thuần là xem, đọc, hiểu, mà phải là cảm, nghĩ và thôi thúc mua hàng.
Trích dẫn lại câu nói của cố CEO Apple – Steve Jobs trước đây: “Cách tốt nhất để tạo ra giá trị mới trong thế kỉ 21 là kết hợp sự sáng tạo với công nghệ”, ông Vinh cho biết câu nói này tuy đã có từ lâu, nhưng tới nay vẫn giữ nguyên giá trị.
Theo Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê, những công nghệ thời thượng ngày nay như AI, AR, Big Data… đang góp phần tạo ra nền tảng truyền thông mới, áp dụng linh hoạt và hiệu quả vào hoạt động sale, marketing của doanh nghiệp.
Trong đó, dữ liệu người dùng được xem là yếu tố tiên quyết nắm giữ sự thành bại của những công nghệ này.
“Chắc hẳn các bạn vẫn chưa quên vụ bê bối Facebook - Cambridge Analytica, khi Mạng xã hội lớn nhất thế giới làm lộ dữ liệu hàng triệu người dùng. Tới khi sự việc xảy ra, người ta mới tá hỏa tìm hiểu dữ liệu là gì?”, ông Vinh nêu ví dụ.
Như cha đẻ Internet - Berners Lee từng nói: “Các trang web luôn tìm cách thu thập dữ liệu con người”. Điều này chứng tỏ, dữ liệu con người rất quan trọng. Do đó, thông qua những sự vụ như trên, người ta mới nhận ra dữ liệu là tài sản mà tất cả chúng ta cần bảo vệ.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, bản thân người tiêu dùng dù muốn hay không cũng rất khó bảo vệ dữ liệu của mình. Bởi khi chấp nhận tham gia vào thế giới số, chúng ta đã vô tình để lại “dấu chân” của mình ở khắp mọi nơi, từ việc gửi email, gọi điện thoại, tới mua hàng Alibaba.
Mà thông qua các “dấu chân” đó, nhà quảng cáo sẽ nghiên cứu và tổng hợp dữ liệu để vẽ lại chân dung chúng ta. Việc vẽ lại chân dung của người tiêu dùng rất quan trọng, bởi dù chung môi trường sống, nhưng đặc tính, cũng như hành vi của mỗi người là khác nhau.
“Cá nhân tôi đã từng trải nghiệm về công nghệ này, và nó khiến tôi thực sự bất ngờ. Như chuyện tôi có nhà ở Vinhome Central Park, hay chuyện tôi có quan tâm tới lĩnh vực xổ số, dù chưa nói với ai, nhưng các công ty nghiên cứu về dữ liệu lại biết điều này”, ông Vinh nói.
Theo đó, xu hướng hiện tại là các nhà quảng cáo sẽ tìm cách truyền thông tới từng con người với từng đặc điểm cụ thể, thay vì truyền thông cho các nhóm khách hàng như trước.
“Trên thế giới, người ta gọi đó là phương thức Micro-Influencers”, ông Vinh nhấn mạnh.
Khác với influencer (người có tầm ảnh hưởng rộng), thì micro-influencers (những người có tầm ảnh hưởng trong một nhóm rất nhỏ) là những cá nhân giống như chúng ta, đang công tác hoặc có một sở thích đặc biệt về một lĩnh vực nào đó. Họ có thói quen đăng những nội dung có liên quan đến sở thích hay chuyên môn của mình trên mạng xã hội.
Một ví dụ cụ thể để phân biệt giữa hai nhóm nay. Một influencer về lĩnh vực yoga có thể có hàng triệu follower và mở ra một vài yoga studio. Trong khi đó, một micro-influencers cũng trong lĩnh vực yoga đó chỉ có khoảng vài ngàn follower, và những video hướng dẫn tập yoga tại nhà, nhưng có lượng tương tác khá tích cực và đều đặn hơn influencer.
Điều này đồng nghĩa, so với influencer, micro-influencers có tầm ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ hơn influencer, với mức chi phí dễ chịu hơn.
Bên cạnh đó, do phần lớn các đồ dùng của người ảnh hưởng siêu nhỏ là tự mua và tự quyết định, nên họ tạo được sự tin tưởng rất lớn đối với những người theo dõi khi họ chia sẻ về một sản phẩm nào đó.
Rõ ràng, vấn đề không phải là nói cho càng nhiều người về sản phẩm, mà là nói được cho bao nhiêu người thật sự quan tâm đến sản phẩm, hay nói cách khác, chính là số lượng khách hàng thật sự tiềm năng.
Chính vì thế, micro-influencers hiện đang trở thành sự lựa chọn của nhiều nhãn hàng từ lớn đến nhỏ cho chiến lược marketing của mình.
Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê đưa dẫn chứng: “Trước kia, đúng là Biti’s đã từng rất thành công với hình ảnh ca sĩ Sơn Tùng M-TP, nhưng nếu cứ tiếp tục làm vậy, hiệu quả các chiến dịch sau này sẽ không còn cao nữa. Thay vào đó, phải là micro-influencers. Nghĩa là dùng hình ảnh của những cá nhân có tầm ảnh hưởng nhỏ hơn, nhưng phải thật nhiều và thật sự trực quan”.
Ông Vinh khẳng định, sử dụng micro-influencers đang là xu hướng chung của thị trường truyền thông, quảng cáo ở Châu Á. Do đó, đây sẽ là xu hướng chung của thị trường Việt Nam trong những năm tiếp theo.