Lỗ hổng pháp lý khiến nhiều kẻ ngang nhiên lợi dụng người nổi tiếng để lừa người tiêu dùng
Mới đây, nghệ sỹ Minh Vượng đã lên tiếng trên Facebook cá nhân về việc một hãng thuốc giả mạo hình ảnh của chị nhằm trục lợi bất chính.
Nghệ sỹ Minh Vượng cho biết, chị bị tiểu đường 10 năm nay nhưng do kháng thuốc viên nên chị phải tiêm insulin ngày 4 mũi. Nhiều năm trở lại đây, chị đoạn tuyệt với thuốc viên trong duy trì lượng đường huyết ổn định.
Chính vì thế, khi đọc quảng cáo của viên DK-Betics với hình ảnh của Minh Vượng và chia sẻ của chị về tác dụng tích cực mà loại thuốc này mang lại trong điều trị tiểu đường, nghệ sỹ hài cảm thấy vô cùng bức xúc. Theo Minh Vượng, hãng thuốc đã tự ý lấy hình ảnh của chị và tự bịa ra những lời "vàng ngọc" mà không hỏi ý kiến của chị.
"Vì sức khoẻ của cộng đồng nên Minh Vượng có trách nhiệm thông báo để mọi người cẩn trọng không mua kẻo bị lừa đảo", An ninh Thủ đô trích thông báo của nghệ sỹ Minh Vượng trên Facebook cá nhân.
Nhiều người nổi tiếng bị lợi dụng
Khá nhiều người nổi tiếng - như nhà báo Lại Văn Sâm, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên Hoàng Dũng - lâm vào tình cảnh giống Minh Vượng. Bất chấp sự bức xúc và những lời phản đối công khai của họ, hiện tượng lợi dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo vẫn tiếp diễn trong thời gian gần đây.
Nghệ sĩ ưu tú Minh Vượng cảnh báo mọi người sau khi thấy một doanh nghiệp sử dụng trái phép hình ảnh của chị để quảng cáo thuốc DK-Betics. Ảnh: Báo Giao thông |
Thực tế cho thấy khi thực hiện hành vi mạo danh người nổi tiếng, nhiều thương nhân không thể lường trước mức độ nghiêm trọng của hành vi mà họ gây ra. Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - giám Đốc- Công ty Luật TGS, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - nói rằng Điều 32 trong Bộ luật Dân sự năm năm 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của bản thân và người hay tổ chức khác chỉ có thể sử dụng hình ảnh của cá nhân nếu người đó đồng ý.
"Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn trích dẫn nội dung của Điều 32.
Luật sư Tuấn nói thêm rằng những cá nhân đăng hình ảnh của người khác trên trang mạng xã hội như Facebook bị xử phạt từ 10 tới 20 triệu đồng theo điểm e, điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013.
Tuy nhiên, theo luật sư Tuấn, để đảm bảo pháp luật được thực thi đúng và thỏa đáng, những nghệ sĩ, ngôi sao, những người là nạn nhân của hành vi tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân phải là những người lên tiếng tự bảo vệ bản thân. Thông thường khi gặp phải chuyện tương tự, vì tính chất sự việc không quá lớn, không ảnh hưởng quá nhiều nên đa số các nghệ sĩ thường bỏ qua, hoặc cùng lắm họ lên tiếng trên các trang báo, các trang mạng xã hội. Bởi vậy, vấn nạn ấy không thể chấm dứt và các cá nhân, tổ chức kinh doanh vẫn có thể tái phạm.
"Khi gặp phải trường hợp như vậy, các nghệ sĩ, ngôi sao phải mạnh tay tố cáo hành vi vi phạm trên tới các cơ quan có thẩm quyền, để đảm bảo hình ảnh của họ trước công chúng", luật sư Tuấn bình luận.
Đồng quan điểm với luật sư Tuấn, song Nguyễn Sỹ Anh, người sáng lập Công ty Tư vấn Luật và Quản lý doanh nghiệp L&P, nhận định Việt Nam đang thiếu những công cụ pháp lý để đấu tranh với nạn sử dụng hình ảnh, mạo danh người khác để kinh doanh.
"Họ không biết các cơ chế pháp luật bảo vệ họ hoặc không được tư vấn cụ thể từ những người hiểu biết pháp luật. Nhiều người không muốn mất thời gian, công sức và tiền để kiện tụng. Ngoài ra, nếu thiệt hại không lớn, họ cũng không muốn kiện", luật sư Sỹ Anh bình luận.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Sỹ Anh nhận định chúng ta cần có cơ chế giám sát của nhà nước, người tiêu dùng đối với hành vi giả mạo, lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo, kinhh doanh. Ảnh: Nhạc Dương |
Sỹ Anh cho rằng hiện tượng mạo danh, sử dụng trái phép hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo đang diễn ra một cách ngang nhiên vì hệ thống luật pháp của nước ta mới chỉ quy định về xử lý vi phạm, chứ chưa có cơ chế giám sát, quản lý, ngăn chặn vi phạm xảy ra.
"Hành vi sai phạm diễn ra lẻ tẻ, manh mún nên các cơ quan chức năng khó xử lý. Ngoài ra, hành vi lại thuộc sự quản lý của nhiều cơ quan như Bộ Công an, Cục Thương mại Điện tử (thuộc Bộ Công thương), Hiệp hội Người tiêu dùng nên cần khoảng thời gian lớn để giải quyết", vị luật sư nhận định.
Việt Nam cũng chưa có cơ chế "nóng" để vô hiệu hóa hành vi sai trái ngay khi nó phát sinh. Vì thế, nếu nạn nhân chưa gửi đơn kiện tới cơ quan chức năng hoặc không thể chứng minh thiệt hại, vi phạm vẫn diễn ra hoặc bị ngăn chặn rất muộn.
"Đến khi tòa án hay cơ quan chức năng vào cuộc, kẻ vi phạm đã thu khoản lời lớn, còn người tiêu dùng tiếp nhận thông tin, sản phẩm, dịch vụ sai sự thật trong thời gian khá dài", Sỹ Anh bình luận.
Vị luật sư trẻ khuyên các nạn nhân lập vi bằng khi phát hiện sai phạm để làm chứng cứ khởi kiện và đòi bồi thường thiệt hại. Đương nhiên, họ cũng nên áp dụng các biện pháp khẩn cấp - như yêu cầu kẻ vi phạm xóa nội dung quảng cáo, xin lỗi công khai - để chặn hành vi sai phạm.
"Công cụ cần thiết nhất trong nỗ lực đấu tranh với hiện tượng lợi dụng, giả mạo người nổi tiếng để quảng cáo, kinh doanh là cơ chế giám sát của nhà nước, người tiêu dùng và các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng", Sỹ Anh nhấn mạnh.
Chuyện công ty tăng doanh số 4 lần nhờ tiếp thị qua người nổi tiếng
Bằng việc lựa chọn kỹ lưỡng những người có ảnh hưởng lớn trên Instagram, một công ty đồ trang sức đã tăng gấp 4 lần ... |