Ông Đinh La Thăng bào chữa gì trước cáo buộc gây thiệt hại 543 tỷ đồng?
Sáng 11/3, bị cáo Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN) nêu quan điểm tranh luận với đại diện VKS trong vụ án thất thoát 543 tỷ đồng tại dự án Ethanol Phú Thọ. Bị cáo bị VKSND đề nghị mức án 12-13 năm tù.
Theo cáo buộc của VKS, bị cáo Thăng biết Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) không đủ năng lực thi công dự án Ethanol Phú Thọ do Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) là chủ đầu tư.
Tuy nhiên, bị cáo Thăng với vai trò chủ tịch HĐQT PVN và trưởng ban chỉ đạo dự án đã chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng giao thầu cho PVC.
Năm 2013, PVC phải dừng thi công do không đủ năng lực và dẫn tới thiệt hại 543 tỷ đồng cho PVB. Đây là số tiền lãi chủ đầu tư phải trả cho các ngân hàng.
Theo Tiền phong, ông Đinh La Thăng phản bác truy tố, nói không bao giờ có ý kiến buộc chỉ định thầu và đề nghị được hỏi các bị cáo khác. Chủ tọa không đồng ý trước đề nghị này do đã kết thúc phần hỏi, hiện đang ở phần tranh luận.
Ông Thăng nêu ý kiến, PVN được Chính phủ cho phép chỉ định thầu với những dự án PVN có trên 50% vốn nhưng tại PVB, các đơn vị của PVN chỉ có hơn 39% vốn nên không có quyền quyết định. Do đó, việc chỉ định thầu hay đấu thầu là trách nhiệm của Hội đồng quản trị PVB.
Đối với cáo buộc không biết rõ năng lực của liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T, bị cáo Thăng cho rằng chức năng của Chủ tịch HĐTV PVN chỉ trao đổi, chỉ đạo đối với những người đại diện phần vốn góp của tập đoàn các đơn vị thành viên.
Bị cáo phản bác và cho rằng VKS cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm hình sự khi PVB có sai phạm là không phù hợp. Bởi lẽ PVB không phải đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí.
Tiếp tục tranh luận, ông Thăng trình bày với vai trò là Chủ tịch PVN, bị cáo chỉ đạo thông qua các nghị quyết. Còn với tư cách Trưởng ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học, ông chỉ đạo chung và không làm thay công việc của chủ đầu tư dự án.
Theo báo Pháp luật TP HCM, về nguyên nhân dự án bị dừng thi công, ông Thăng phản đối quan điểm của cơ quan công tố khi cho rằng do nhà thầu thiếu năng lực. Bị cáo nói thực tế dự án Ethanol Phú Thọ có quy mô không lớn, không phức tạp so với các dự án mà PVN và PVC từng làm. “Nguyên nhân số 1 ở đây là tiền, không có tiền không làm được gì", bị cáo tự bào chữa.
Cựu chủ tịch PVN cũng không đồng tình với cách tính thiệt hại trong vụ án này. Theo bị cáo, ngân hàng cho chủ đầu tư vay thì phải thẩm định và có tài sản thế chấp, không thể tính số tiền lãi phải trả thành số tiền thiệt hại, phải xem xét ngân hàng cho vay có đúng không, có quy định nếu dừng thi công thì nhà thầu phải trả lãi thay hay không… Không thể yêu cầu bị cáo mà một số người khác chịu trách nhiệm về số tiền này.