|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Đặng Văn Thành nắm 'bùa phép' gì để 'thao túng' thị trường mía đường?

08:00 | 06/10/2016
Chia sẻ
Mặc dù đã rút lui khỏi lĩnh vực ngân hàng, nhưng doanh nhân Đặng Văn Thành vẫn khiến người ta phải nhắc đến với việc thao túng thị trường mía đường trong nước và tiến tới thâm nhập thị trường mía đường thế giới.

Tham vọng thâu tóm

Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) do ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch đã có kế hoạch đưa công ty con là CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Singapore trong vòng 5 năm tới. Mục tiêu cuả TTC là huy động khoảng 600 triệu USD từ thị trường chứng khoán quốc tế thông qua việc niêm yết SBT.

TTC cũng cho biết SBT sẽ sáp nhập với một công ty mía đường khác để tạo thành công ty mía đường lớn nhất tại Việt Nam, thị trường trước đó đã có nhiều dự đoán về khả năng sáp nhập trong tương lại giữa SBT và CTCP Đường Biên Hòa (BHS).

Hiện tại SBT sở hữu 100% Mía đường Thành Thành Công Gia Lai, 30,54% cổ phần Mía đường Nước Trong và 39,23% Mía đường Tây Ninh. Trong khi đó, BHS sở hữu 100% Mía đường Biên Hòa – Ninh Hoa, 94,51% cổ phần tại Mía đường Phan Rang, 26,49% cổ phần tại Mía đường Tây Ninh và 13,08% cổ phần tại Mía đường Sơn Dương.

Gần đây, TTC đã mua lại mảng mía đường của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), bao gồm cả nhà máy đường với công suất ép 1.050.000 tấn mía mỗi năm và vùng trồng mía 6.000 ha cạnh nhà máy đường. Sau khi sáp nhập SBT và BHS, nhà máy đường tại Lào có thể thuộc về công ty sau khi đã sáp nhập.

Hiện tại, TTC dẫn đầu đầu tư vào ngành mía đường ở Việt Nam với tổng thị phần khoảng 30%. Bên ngoài Việt Nam, TTC sở hữu 8.000 ha diện tích trồng mía tại Campuchia, dự kiến sẽ tăng diện tích trồng mía lên 20.000 ha. Nếu công ty thực tế đã mua lại mảng mía đường của HAG tại Lào, khi đó diện tích trồng mía tại đây là 6.000 ha. Việc mở rộng sang Lào và Campuchia giúp giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm đường TTC so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, thị trường cung cấp phần lớn lượng đường nhập lậu vào Việt Nam. Đáng chú ý, chi phí sản xuất đường tại Lào thấp hơn khoảng 30% so với ở Việt Nam.

Có thể thấy tham vọng gia nhập thị trường thế giới của doanh nhân Đặng Văn Thành và Tập đoàn Thành Thành Công thông qua quyết tâm thâu tóm thị trường mía đường tại Lào và Campuchia, cộng với việc đặt kế hoạch niêm yết SBT trên sàn chứng khoán Singapore. Để chuẩn bị cho lộ trình này, SBT đã thành lập một công ty con, là TSU Investment Pte. Ltd tại Singapore vào năm 2015 với tổng vốn đầu tư 12 triệu USD. Gần đây, SBT đã chấm dứt hoạt động của Thành Thành Công Gia Lai tại Singapore và sáp nhập vào TSU. Ngay cả ái nữ của gia đình họ Đặng là Phó Chủ tịch TTC, bà Đặng Huỳnh Ức My cũng đã chuyển qua Singapore để chỉ đạo công tác niêm yết tại đây.

ong dang van thanh nam bua phep gi de thao tung thi truong mia duong

Doanh nhân Đặng Văn Thành đang âm thầm thâu tóm thị trường mía đường Việt Nam và khu vực.

Kế hoạch có khả thi?

Tuy nhiên, để một doanh nghiệp Việt Nam niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài là điều vô cùng khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế đã có những doanh nghiệp đánh tiếng niêm yết cổ phiếu tại những thị trường chứng khoán quốc tế, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc… đánh bóng tên tuổi.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, thực tế đến nay chưa có một doanh nghiệp nào của Việt Nam chính thức niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài, và cũng chưa có một cơ chế giữa các cơ quan quản lý cho phép doanh nghiệp thực hiện niêm yết hay không.

Theo tìm hiểu của PV Infonet, điều kiện đển tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore là khó khăn hơn ở Việt Nam. Xét về những yêu cầu về tài chính, sàn chứng khoán Singapore yêu cầu một trong những điều kiện sau đây đối với các công ty muốn niêm yết trên sàn: Lợi nhuận trước thuế tối thiểu là 30 triệu USD cho năm tài chính gần nhất và đã hoạt động trong ít nhất 3 năm;

Có lợi nhuận trong năm tài chính gần nhất, đã hoạt động ít nhất 3 năm và có vốn hóa thị trường không ít hơn 150 triệu USD dựa trên giá phát hành và vốn cổ phần sau chào bán;

Có doanh thu hoạt động trong năm tài chính hoàn tất gần nhất và vốn hóa thị trường không thấp hơn 300 triệu USD dựa trên giá phát hành và vốn cổ phần sau chào bán.

Ngoài ra, về chuẩn mực kế toán, trong trường hợp niêm yết lần đầu, báo cáo tài chính nộp trong hồ sơ xin niêm yết lần đầu và báo cáo tài chính thường kỳ công bố trong tương lai sẽ phải lập theo chuẩn mực kế toán của Singapore (FRS) hoặc theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), hay nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi tại Mỹ (US GAAP). Trong trường hợp niêm yết không phải lần đầu, báo cáo tài chính nộp trong hồ sơ xin niêm yết và báo cáo tài chính thường kỳ công bố trong tương lai chỉ cần phù hợp với FRS, IFRS hoặc US GAAP.

Trước đây đã có một số doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam đề cập đến kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài như VNM, GMD, KDC, FPT và PVD. Tuy nhiên cho đến nay chưa có doanh nghiệp nào tiến hành niêm yết ở nước ngoài. Những khó khăn gặp phải trong quá trình xin niêm yết ở nước ngoài phát sinh ở nhiều cấp độ gồm:

Việc niêm yết ở nước ngoài đòi hỏi giữa các Sở GDCK phải có cơ chế tương thích, đây là trở ngại lớn trước đây và đã cản trở ngay từ đầu việc niêm yết ở nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam; việc niêm yết trên SGX là quá trình tiêu tốn nhiều thời gian, do đó chi phí sẽ không hề thấp do cần đến nhiều luật sư, đơn vị tư vấn…

Năm 2007, HNX và HSX đã ký Biên bản ghi nhớ với Sàn giao dịch chứng khoán Singapo, tuy nhiên, về cơ bản mới chỉ là một thỏa thuận về trao đổi thông tin. Đến hiện tại, chưa có bất kỳ hướng dẫn/quy định cụ thể hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch niêm yết ở Singapore, cũng không có bất kỳ kế hoạch nào cho việc xây dựng những hướng dẫn/quy định này ở thời điểm hiện tại. Mặc dù theo quy định hiện hành của Việt Nam (Nghị định 58) vẫn có những hướng dẫn chung cho các công ty Việt Nam về quá trình thực hiện niêm yết ở nước ngoài. Và UBCK cũng cho biết nếu muốn niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài, một công ty cần trình hồ sơ để UBCK phê duyệt.

Theo Hiền Anh