|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ông chủ Trung Quốc đang túng quẫn, liệu có bán luôn Inter Milan?

06:19 | 02/03/2021
Chia sẻ
Suning Appliance, tập đoàn sở hữu Inter Milan đang phải đối mặt với áp lực thanh toán nợ trong ngắn hạn. Mới đây Suning Appliance đã quyết định đóng cửa một câu lạc bộ bóng đá ở Trung Quốc.
Ông chủ Trung Quốc đang túng quẫn, liệu có bán luôn Inter Milan? - Ảnh 1.

Các cầu thủ Inter Milan. (Ảnh: Getty Images).

Suning Appliance, tập đoàn Trung Quốc đang ngập trong núi nợ mới đây đã quyết định đóng cửa câu lạc bộ bóng đá quê nhà ở tỉnh Giang Tô. Động thái của Suning Appliance làm dấy lên lo ngại rằng nạn nhân tiếp theo trong cuộc khủng hoảng nợ nần của tập đoàn có thể là đội bóng đá lừng danh Italy Inter Milan.

Trong nỗ lực nhằm giảm bớt áp lực thanh toán nợ, tập đoàn bán lẻ đồ gia dụng Suning Appliance thông báo ngày 28/2 rằng hai doanh nghiệp nhà nước Shenzhen International Holdings và Shenzhen Kunpeng Equity Investment Management dự định mua lần lượt 8% và 15% cổ phần của Suning.com, trả tổng cộng 14,8 tỷ nhân dân tệ (2,3 tỷ USD).

Cuối tuần trước, Câu lạc bộ Bóng đá Giang Tô, thuộc sở hữu của Suning Appliance kể từ năm 2015, thông báo sẽ ngừng hoạt động mà không nói gì thêm. Cổ phiếu Suning.com, công ty chủ chốt của tập đoàn Suning Appliance có lúc tăng kịch trần 10% trong phiên giao dịch ngày 1/3, Bloomberg cho biết. 

Tin đội bóng Giang Tô phải ngừng hoạt động càng làm tăng thêm sự không chắc chắn về tương lai của Inter Milan. Suning Appliance mua 70% cổ phần của Inter Milan vào năm 2016 với giá 270 triệu euro (306 triệu USD vào thời điểm đó). 

Kể từ đó, tập đoàn bán lẻ Trung Quốc đã mở rộng đế chế bóng đá của mình, bao gồm cả thỏa thuận trị giá 650 triệu USD với đài truyền hình PPTV - một đơn vị của Suning Holdings - cho hợp đồng truyền hình ba năm với giải Ngoại hạng Anh.

Ông Warut Promboon, đối tác hãng nghiên cứu tín dụng Bondcritic cho biết: "Trong thời gian qua, các tập đoàn Trung Quốc tăng trưởng qua các vụ thâu tóm nhờ vào chi phí vay rẻ. Giờ đây khi quãng thời gian tốt đẹp đã qua, họ cần tái tập trung vào hoạt động cốt lõi".

"Điểm mấu chốt không phải là tinh giản hơn mà là tập trung vào điều tập đoàn làm tốt nhất. Trong trường hợp của Suning Appliance, trọng tâm của họ nên là kinh doanh bán lẻ chứ không phải là các đội bóng".

Hôm 28/2, Suning Appliance nói rằng sự tham gia của các cổ đông là doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp tập đoàn tập trung hơn nữa vào hoạt động bán lẻ. Các nhà phân tích kỳ vọng Suning Appliance sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi các lĩnh vực không trọng tâm. Không loại trừ khả năng tập đoàn sẽ bán bớt 70% cổ phần nắm giữ tại Inter Milan.

Khủng hoảng tiền mặt

Những quan ngại về sức khỏe tài chính của gã khổng lồ bán lẻ Suning Appliance gia tăng từ năm ngoái, khi các cuộc trò chuyện trên mạng về cuộc khủng hoảng tiền mặt gây áp lực cho trái phiếu do Suning.com phát hành. Suning Appliance khi đó khẳng định những thông tin lan truyền trên mạng này chỉ là "tin đồn".

Không chỉ Suning Appliance, nhiều tập đoàn Trung Quốc khác cũng đang rút chân khỏi những lĩnh vực không trọng yếu trong bối cảnh Bắc Kinh kiềm chế rủi ro tài chính.

Cả Suning.com và công ty mẹ đều đang đối mặt với áp lực lớn phải trả nợ trong ngắn hạn, China Chengxin International Rating cho biết. Theo báo cáo của Chengxin, lượng trái phiếu đến hạn trong năm nay của hai công ty lên đến 15,8 tỷ nhân dân tệ (2,5 tỷ USD) trong khi đang gặp khó về tái cấp vốn.

Giúp đỡ Evergrande

Rủi ro nợ của Suning Appliance cũng được chú ý nhiều hơn sau khi tập đoàn giúp China Evergrande Group tránh được tình trạng khủng hoảng thanh khoản. Suning Appliance đã quyết định không yêu cầu nhà phát triển bất động sản ngập trong nợ nần này hoàn trả khoản đầu tư chiến lược 20 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ USD).

Suning Appliance là nhà cung cấp của Evergrande, sự sụp đổ của Evergrande có thể gây ra hậu quả dây chuyền đến hãng bán lẻ này. 

Bloomberg dẫn lời ông Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong cho biết: "Các tập đoàn không thuộc sở hữu nhà nước sẽ tập trung nhiều hơn vào các hoạt động cốt lõi trong bối cảnh môi trường kinh doanh đầy thách thức, đồng thời cải thiện lợi nhuận và hiệu quả nhằm cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ toàn cầu".

Giang