Ông Bùi Kiến Thành: Đổi nợ xấu thành cổ phần, quá lạ lùng
LTS: Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lấy ý kiến Dự thảo hướng dẫn việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng. Trong Dự thảo trên, có đề cập tới việc hoán đổi nợ xấu thành cổ phần của các doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã có những góp ý thẳng thắn về nội dung này. Báo Đất Việt xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Theo nguyên tắc, việc hoán đổi nợ thành cổ phần nằm trong phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp. Việc hoán đổi nợ thành cổ phần hoàn toàn phụ thuộc vào sự cân nhắc đầu tư của chủ nợ và trong nhiều trường hợp, ngay trong các thỏa thuận khi vay nợ, việc hoán đổi nợ thành cổ phần đã được đề cập đến.
Tôi lấy ví dụ trường hợp chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần. Khi đưa ra quyết định hoán đổi, người sở hữu trái phiếu có thể thấy đầu tư dưới dạng cổ đông ở doanh nghiệp sẽ có lợi hơn chỉ đơn thuần nhận lãi từ khoản trái phiếu đã mua; hoặc người sở hữu trái phiếu có những tính toán khác nhằm tới lợi ích lâu dài hơn.
Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, ngay khi phát hành và bán trái phiếu, đã phải có thỏa thuận người sở hữu trái phiếu được quyền lựa chọn chuyển hay không chuyển sang cổ phần.
Lý thuyết là vậy, bây giờ chúng ta sẽ bàn tới nội dung hoán đổi nợ xấu trong Dự thảo Hướng dẫn việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến.
Dự thảo đưa ra quy định, các tổ chức tín dụng được thực hiện hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần, nhưng phải đảm bảo các điều kiện: chỉ được thực hiện đối với nợ thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro; tổng mức góp vốn, mua cổ phần dưới mọi hình thức không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại, không vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính*.
Có thể thấy ngay, nợ được hoán đổi theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn nói trên là nợ xấu, thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro. Theo Thông tư 15/2010/TT-NHNN, nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn, phải trích lập dự phòng rủi ro 100%. Vì thế, cần thiết phải đặt ra các câu hỏi:
Câu hỏi 1: Tổ chức tín dụng dùng nguồn tiền nào để tạo ra nợ xấu?
Thoạt nghe về chuyện hoán đổi nợ xấu lấy cổ phần, dư luận có thể bị nhầm lẫn, tổ chức tín dụng không cần dùng tiền để thực hiện việc hoán đổi này. Họ chỉ lấy nợ đổi thành cổ phần hay nói cách khác, lấy tờ giấy này đổi thành một tờ giấy khác.
Nhưng nếu vậy, nguồn tiền (mà hiện đã biến thành nợ xấu), tổ chức tín dụng đã huy động từ đâu? Trong trường hợp, tổ chức tín dụng muốn thực hiện hoán đổi từ nợ xấu thành cổ phần, trách nhiệm trả lại khoản tiền (đã biến thành nợ xấu) cho các chủ tài khoản gửi tiền ở ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng sẽ được thực hiện như thế nào?
Dự thảo thông tư có đề cập, tổng mức góp vốn không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại, không vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính. Qua đó, người dân có thể hiểu, ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng chỉ được dùng tiền trong phạm vi vốn điều lệ và quỹ dự trữ, nghĩa là, dùng tiền của chính họ chứ không phải tiền huy động được của các cá nhân, tổ chức trong xã hội.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại nhỏ và trung bình có còn vốn điều lệ hay không? Theo số liệu vào tháng 9/2015, tổng vốn điều lệ của 36 ngân hàng thương mại tại thời điểm đó xấp xỉ 310.000 tỷ đồng, trong đó, nhóm 12 ngân hàng cuối bằng có tổng vốn điều lệ chỉ xấp xỉ vốn 40.000 tỷ. Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 cho biết, VAMC đã mua 241.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu cộng lại những khoản nợ xấu giao cho VAMC và lỗ lũy kế thì gần như chắc chắn, nợ xấu của các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ đã vượt quá vốn điều lệ.