|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Biden lộ vẻ yếu đuối khi nhẹ tay trừng phạt Nga và Arab Saudi

08:43 | 03/03/2021
Chia sẻ
Hai lần trong tuần vừa rồi, Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga và Arab Saudi với cáo buộc vi phạm nhân quyền. Cả hai lần, những người chỉ trích đều nói rằng Tổng thống Joe Biden đã quá nhẹ tay.
Ông Biden bị chê yếu đuối vì trừng phạt Nga và Arab Saudi nhẹ tay - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Bloomberg).

Thị trường tài chính và các nhóm vận động quyền lợi đều không ấn tượng trước lệnh trừng phạt của Mỹ ngày 2/3 nhắm vào các quan chức hành pháp cấp cao của Nga xoay quanh vụ bắt giữ ông Alexey Navalny. 

Những lời chỉ trích tương tự cũng nổi lên khi ông Biden từ chối trừng phạt Thái tử Arab Saudi sau khi công bố báo cáo tình báo cáo buộc vị thái tử này ra lệnh sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post.

Tuần trước, các nhà lập pháp lưỡng đảng cũng chỉ trích chính quyền Biden vì không trừng phạt các thực thể Đức có liên quan tới việc xây dựng đường ống gas Nord Steram 2 từ Nga, Bloomberg cho biết. 

Phe chỉ trích cho rằng ông Biden đã định ra chiến lược sai lầm trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ. Họ nói sau khi cáo buộc người tiền nhiệm Donald Trump yếu đuối, ông Biden đã không hành động đúng với lời của mình trước những lãnh đạo quốc gia như Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Phe chỉ trích cho rằng Mỹ có thể trừng phạt các lãnh đạo cấp cao nhất hay nợ quốc gia của Nga, đồng thời phê phán ông Biden vì từ chối trừng phạt Thái tử Mohammed.

Ông James Carafano, Giám đốc khoa nghiên cứu chính sách ngoại giao của Heritage Foundation phàn nàn: "Chính quyền Biden trách cứ Trump vì yếu đuối trước Nga, tuyên bố sẽ cứng rắn hơn nhưng rốt cuộc cũng chỉ làm y hệt. Câu hỏi là: Biden sẽ đưa ra động thái gì có sức nặng thực sự?"

Các biện pháp trừng phạt Nga mà Mỹ công bố ngày 2/3 bao gồm hạn chế đi lại và đóng băng tài sản. Nhưng động thái này không có tác động lớn vì những nhân vật bị nhắm đến nhiều khả năng sẽ không đến Mỹ và không có tài sản ở ngân hàng Mỹ.

Lệnh trừng phạt Arab Saudi cũng vậy. Sau khi công bố báo cáo nói rằng Thái tử Mohammed phê chuẩn kế hoạch sát hại nhà báo Khashoggi, ông Biden từ chối nhắm trực tiếp vào ông ta.

Cách tiếp cận của ông Biden là sự thất vọng đối với những người tin rằng Thái tử Arab Saudi đáng phải chịu sự trừng phạt trực tiếp vì vai trò trong vụ sát hại ông Khashoggi và cả người ủng hộ ông Navalny.

Hôm 2/3, đồng ruble Nga đã tăng trở lại sau khi có thông tin rõ ràng rằng phạm vi trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu khá hẹp.

Trước khi Mỹ ra thông báo về các biện pháp cụ thể, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố Moscow sẽ đáp trả tương xứng bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ, tờ Interfax đưa tin. 

Đến ngày 2/3, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin cho rằng nhìn chung các biện pháp trừng phạt của Mỹ “không đạt được mục đích”. 

CNN dẫn lời ông Peskov trao đổi với các phóng viên: “Đối với những quốc gia tiếp tục  hành động trừng phạt Nga, có lẽ đã đến lúc nghĩ lại liệu chúng có đạt được bất kỳ mục tiêu nào không hay chỉ khiến quan hệ song phương xấu đi, và chính sách kiểu này có hiệu quả hay không”. 

“Câu trả lời rất rõ ràng: Chính sách trừng phạt Nga không đạt được mục đích như mong muốn”.

Nhà Trắng phản pháo

Chính quyền Biden phản bác rằng những lời chỉ trích là không có cơ sở. Trong cuộc điện thoại với giới truyền thông hôm 2/3, một quan chức cấp cao mô tả lệnh trừng phạt vào Nga xoay quanh vụ bắt giữ và đầu độc ông Navalny chỉ là bước đầu.

Vị này ám chỉ rằng Mỹ sẽ tiếp tục có thêm các động thái xoay quanh ba vấn đề: Sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ, vụ tấn công mạng SolarWinds nhắm vào chính phủ cùng hàng trăm doanh nghiệp Mỹ và báo cáo rằng Nga treo thưởng giết lính Mỹ ở Afghanistan.

Các quan chức Nhà Trắng cũng nhấn mạnh cách Mỹ phối hợp với những nước khác và chỉ ra rằng bằng cách hợp tác với quốc tế, hành động của Mỹ sẽ có sức mạnh và hiệu quả, đẩy mục tiêu vào thế bị cô lập, cho dù đó là Nga, Trung Quốc hay Iran.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố: "Thông báo chúng tôi đưa ra ngày hôm nay phù hợp với hành động của EU. Lệnh trừng phạt Nga ngày 2/3 không có ý nghĩa là viên đạn bạc hay dấu chấm hết cho mối quan hệ khó khăn với Nga".

Theo Bloomberg, sự tập trung của Mỹ vào việc hợp tác với đồng minh diễn ra sau khi ông Biden nhiều lần chỉ trích ông Trump vì hành động tự tiện theo chiến lược "Nước Mỹ trên hết".

Ông John Hughes, cựu quan chức chính sách trừng phạt tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Chính quyền Biden cảm thấy cần khôi phục uy tín của Mỹ với đồng minh, do đó các hành động của họ bị hạn chế vì châu Âu sẽ không bao giờ mạnh tay như những gì Mỹ muốn".

Thay vào đó, chính quyền Biden đang thử cách tiếp cận bêu tên và chỉ trích trong lúc nỗ lực cô lập các quốc gia mà Mỹ cho là kẻ sai. Quyết định công khai báo cáo liên quan tới Thái tử Arab Saudi là ví dụ điển hình. Việc công bố đánh giá của tình báo Mỹ rằng cơ quan an ninh Nga đã tiến hành vụ đầu độc ông Navalny cũng nằm trong chiến lược này.

Ông Hughes nhận định: "Chính quyền Biden muốn mọi người nói rằng: 'Đây là những kẻ xấu', điều này cho Mỹ thẩm quyền đạo đức để kêu gọi đồng minh hành động thêm. Chính quyền Biden đang thực sự cố gắng để tìm ra lệnh trừng phạt trong lĩnh vực nào sẽ mang lại hiệu quả và làm cách nào để vận dụng chúng cho mục đích đối ngoại thực tế".

Những vấn đề trên đang được tranh luận trong quá trình đánh giá lại chính sách trừng phạt giữa những cáo buộc rằng chính quyền Trump áp trừng phạt quá nhiều mà không có một chiến lược hỗ trợ tổng thể.

Ông Kenneth Pollack, học giả Viện American Enterprise đánh giá cách tiếp cận mới của chính quyền Biden đối với Arab Saudi: "Biden đã gửi đi thông điệp rằng những gì hoàng gia Arab Saudi làm là không thể chấp nhận được. Mỹ đang tìm cách buộc Arab Saudi nhận ra rằng nhân quyền là điều quan trọng và họ sẽ phải trả giá, nhưng Mỹ cũng không muốn phá hủy quan hệ hai bên".

Giang

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.