|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ông Andy Hồ: Nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam

12:18 | 13/09/2016
Chia sẻ
"Dù trong thử thách hay thuận lợi thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Andy Hồ khẳng định.

20 năm kể từ ngày thị trường chứng khoán đươc thành lập, đã có nhiều người mới đến, nhưng cũng không ít những sự ra đi. Trong khoảng thời gian đó, nhà đầu tư nước tổ chức nước ngoài đã khắc những dấu ấn đậm nét trên con đường phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Họ là những người đã giúp đưa dòng vốn và các thông lệ kinh doanh quốc tế vào các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, giúp hoạt động của thị trường ngày càng minh bạch và thị trường chứng khoán phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Tham gia vào thị trường sớm nhất, hoạt động sôi nổi nhất không ai khác chính là những cái tên như Dragon Capital hay VinaCapital…Họ là những nhà quản lý quỹ đầu tư nước ngoài nhiều kinh nghiệm nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

NDH đã có cuộc trao đổi với ông Andy Hồ - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư, tập đoàn VinaCapital để nghe ông chia sẻ một số thông tin và góc nhìn về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt.

tin nhap 20160913121449

Ông Andy Hồ - Giám đốc điều hành VinaCapital

Thưa Ông Andy Hồ, VinaCapital hiện đang là một trong những quỹ đầu tư hoạt động sớm nhất tại thị trường Việt Nam. Vì sao VinaCapital chọn gắn bó với thị trường này?

Chúng tôi đã lựa chọn gắn bó với Việt Nam trong suốt 13 năm qua do nhìn thấy ở đất nước này sự chuyển mình mạnh mẽ để hội nhập kinh tế toàn cầu. Hầu như lĩnh vực kinh doanh nào cũng tràn đầy cơ hội cho dòng vốn đầu tư quốc tế cả trực tiếp và gián tiếp tham gia phát triển nền kinh tế. Trong đó, vốn đầu tư gián tiếp sẽ giúp các doanh nghiệp tốt của Việt Nam phát triển lên tầng cao hơn, qua đó giúp thị trường chứng khoán mở rộng quy mô, nâng cao sức hấp dẫn, từ đó lại thu thút thêm dòng vốn đầu tư tài chính trong một chu trình tương hỗ để đưa thị trường vốn của Việt Nam phát triển ngày càng chuyên nghiệp, các công ty và nền kinh tế Việt Nam có thêm nguồn lực để tăng trưởng vững mạnh, bền lâu.

Trong quỹ đạo ấy, VinaCapital đóng vai trò người kết nối doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư tài chính toàn cầu, giúp doanh nghiệp tiếp cận không chỉ dòng tiền mà còn là các thông lệ quốc tế trong quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, để với sự hỗ trợ của chúng tôi, các công ty Việt Nam sẽ phát triển và tự tin đưa Việt Nam tiến ra thế giới.

Ông đánh giá như thế nào sự phát triển chung của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm qua, nhất là sức hấp dẫn của TTCK VN trong mắt các nhà đầu tư quốc tế?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua giai đoạn thử thách và hồi phục ấn tượng từ năm 2012 đến nay, với VN Index tăng hơn 100% từ mức thấp nhất 336 điểm vào tháng 1/2012 đến gần 675 điểm vào cuối tháng 8/2016. Đồng thời các chương trình cải tổ nhiều lĩnh vực kinh tế trong giai đoạn này đã giúp tái tạo các nền tảng cho việc phát triển bền vững, và chúng tôi lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm sắp tới.

Điều tôi chắc chắn là dù trong thử thách hay thuận lợi thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Định giá của thị trường Việt Nam hiện nay khoảng 16x, dù có cao hơn trước nhưng vẫn hấp dẫn hơn so với mức trung bình của các thị trường châu Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cũng khả quan. Trong các buổi gặp gỡ giữa VinaCapital và nhà đầu tư quốc tế trong năm nay, chúng tôi đã nhận rất nhiều câu hỏi về việc làm sao để họ tham gia thuận lợi nhất vào các công ty Việt Nam cả niêm yết và chuẩn bị cổ phần hóa…

Lãi suất hạ thấp tại nhiều thị trường phát triển có hút được dòng vốn về các thị trường mới nổi như Việt Nam không, thưa Ông?

Việc lãi suất hạ thấp tại một số thị trường trên thế giới cũng giúp các thị trường mới nổi dễ thu hút vốn đầu tư quốc tế hơn, nhưng Việt Nam phải tăng cường cạnh tranh với các thị trường trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia. Chúng tôi tin rằng Việt Nam có lợi thế riêng để thu hút nhà đầu tư như đã đề cập, hơn nữa còn được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ trong việc giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô và thực hiện một loạt các chính sách giúp môi trường kinh doanh phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quốc tế tiếp cận sâu rộng hơn vào cộng đồng doanh nghiệp.

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng hàng hóa trên thị trường hiện nay?

Trước hết, chất lượng hàng hóa đã có nhiều cải thiện và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong những năm sắp tới. Dù nhà nước vẫn đang nắm giữ phần lớn cổ phần ở các doanh nghiệp tại thời điểm IPO song xu hướng nhường quyền kiểm soát các công ty cho khối tư nhân là rất rõ nét và đang được Chính phủ tích cực ủng hộ, tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục tham gia chương trình này. Một số doanh nghiệp như Mobifone và Vietjet đã có kế hoạch cổ phần hóa, các doanh nghiệp đã IPO như ACV đang định hướng sớm niêm yết, và các doanh nghiệp trên sàn đang đẩy mạnh nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, như Vinamilk vừa qua đã quyết định nới đến 100%.

Theo Ông thì rủi ro lớn nhất ảnh hưởng đến giá trị tài sản của quỹ là gì thưa Ông ?

Tất nhiên, đầu tư luôn song hành cùng rủi ro. Giá trị tài sản của nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng hoặc bởi các bất ổn vĩ mô tác động lên toàn bộ thị trường, hoặc các doanh nghiệp họ chọn lựa không giữ được thế mạnh ban đầu và buông lỏng quản lý. Với rủi ro vĩ mô, tôi nghĩ không riêng nhà đầu tư nào tránh được mà chỉ có thể quan sát thận trọng và thích nghi phần nào bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư. Với rủi ro ở cấp độ công ty, VinaCapital luôn áp dụng nhiều tiêu chí chặt chẽ khi chọn lựa doanh nghiệp với kỳ vọng rằng họ sẽ phát triển tốt và đúng hướng… Tuy nhiên không có gì là hoàn hảo, với chúng tôi khoảng 80% các công ty trong danh mục phát triển tốt đã là thành công.

Quỹ VOF được quản lý bởi Vinacapital là một quỹ đầu tư đóng, VinaCapital có phương án để duy trì hoạt động của quỹ này tại Việt Nam khi đến hạn đóng quỹ hay không ? Chẳng hạn như chuyển sang mô hình quỹ mở?

Đối với các quỹ đầu tư đi hết chu kỳ hoạt động, việc thanh lý hay chuyển đổi hình thức để tiếp tục tồn tại thì còn tùy vào hiệu quả đạt được cũng như mô hình nào là thích hợp nhất với chiến lược đầu tư của quỹ.

VOF đang hoạt động rất tốt với mô hình quỹ đóng, với lợi thế các cổ đông cam kết đầu tư dài hạn, cho phép chúng tôi thực hiện tốt chiến lược đầu tư vào các công ty tư nhân và niêm yết với thời gian trung bình 3-5 năm. Việc VOF chuyển niêm yết lên sàn giao dịch chính của TTCK London từ tháng 3/2016 giúp chúng tôi tiếp cận thêm nhiều nhà đầu tư tiềm năng ở một trong những sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu thế giới. Tính đến cuối tháng 8/2016, NAV của VOF đạt hơn 850 triệu USD, tăng 22% từ đầu năm. Quỹ luôn mang lại lợi nhuận khả quan với rủi ro hợp lý cho các cổ đông và chúng tôi tin là tin là sẽ thuyết phục được các nhà đầu tư về tương lai lâu dài của VOF.

Nếu các nhà đầu tư quốc tế mong muốn tham gia quỹ mở, chúng tôi có Forum One - VCG Partners Vietnam Fund (VVF), quỹ đang quản lý hơn 75 triệu USD tổng giá trị tài sản và có quy mô lớn nhất trong các quỹ UCITs hoạt động tại Việt Nam hiện nay.

Hiện nay mô hình quỹ đầu tư đang dần chuyển sang hình thức quỹ mở và ETF nhiều hơn, Ông có nhận định gì về điều này?

Đúng là ETFs là loại hình quỹ giàu tiềm năng và chúng tôi cũng cân nhắc… tuy nhiên theo quan sát thì thị trường Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, khiến hoạt động của các quỹ ETF hiện tại chưa thuận lợi lắm và chỉ có mức tăng trưởng khiêm tốn so với Vn Index trong các năm gần đây.

Mặt khác, chúng tôi đánh giá cao mô hình quỹ mở nội địa, nhất là để chuyên đầu tư cổ phiếu. VinaWealth đang quản lý 2 quỹ mở nội địa nằm trong nhóm hoạt động tốt nhất thị trường, với mức tăng trưởng NAV của VFF đạt 7.1% và VEOF đạt 16.9% từ đầu năm 2016.

Khó khăn trong phát triển quỹ mở là việc huy động dòng tiền trong nước đang rất chậm. Ông nhìn thấy triển vọng nào cho việc này trong thời gian tới?

Đúng là các quỹ mở còn gặp nhiều khó khăn để huy động nguồn vốn. Hiện nay phần lớn người dân vẫn chọn đầu tư địa ốc, vàng hay gửi tiền ngân hàng nhưng ít khi lường trước việc thanh khoản kém hay khó bảo toàn giá trị tài sản khi lạm phát, trong khi các nhà đầu tư tổ chức vẫn chưa mặn mà với việc đầu tư thông qua quỹ mở.

Song, tôi hy vọng tình hình sẽ tốt dần lên trong 3-5 năm tới khi các quỹ như VEOF và VFF trở nên quen thuộc hơn với công chúng nhờ vào hiệu quả đầu tư ổn định, chính sách tham gia linh hoạt và chiến lược quảng bá đúng đắn. Bên cạnh đó, triển vọng hình thành quỹ hưu trí, với phạm vi đầu tư đa dạng và giàu tiềm năng thu hút nhà đầu tư, cũng là một điều đáng mong chờ đối với các nhà quản lý quỹ nội địa.

Xin cám ơn Ông!

Theo Huy Nguyên

Người đồng hành

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.