OCH muốn xóa gần 853 tỷ đồng nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán, cần huy động 1.000 tỷ để xây dựng nhà máy kem và bánh
CTCP One Capital Hospitality (Mã: OCH) vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, thời gian lấy ý kiến dự kiến từ 20/10 đến 8/11/2022.
Đưa gần 853 tỷ đồng nợ khó đòi để theo dõi ngoại bảng
Theo báo cáo tài chính riêng được soát xét bởi Kiểm toán AFC, tại ngày 30/6, OCH có các khoản nợ phải thu khó đòi hơn 888 tỷ đồng, chiếm 66% là khoản phải thu ngắn hạn từ ông Hà Trọng Nam (hơn 586 tỷ), cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị của OCH.
Các khoản này đã tồn tại từ năm 2014 đến nay và không có biến động. OCH cho biết nợ khó đòi nói trên liên quan đến thời kỳ của các lãnh đạo cũ với tính pháp lý phức tạp, hầu hết nợ không có tài sản đảm bảo, khó có khả năng thu hồi, dù đã thực hiện nhiều biện pháp để thu hồi. Các khoản nợ trên đều được trích lập dự phòng 100% và không thu hồi được trong ba năm gần đây.
Hội đồng quản trị trình cổ đông đồng ý đưa các khoản nợ khó đòi này ra theo dõi ngoại bảng trên báo cáo tài chính năm 2022 với tổng số tiền gần 853 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh, đưa ra theo dõi ngoại bảng sẽ ghi nhận giảm các khoản phải thu trên đây và ghi nhận giảm tại khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, dự phòng phải thu dài hạn khó đòi tương ứng trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2022. Khoản công nợ được theo dõi ngoại bảng không ảnh hưởng đến việc thực hiện thu hồi công nợ và quyền lợi của công ty đối với các khoản này.
Chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu
OCH xin ý kiến cổ đông chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 51% thị giá cổ phiếu OCH hiện tại là 6.600 đồng/cổ phiếu. Giá trị sổ sách của cổ phiếu OCH tại ngày 30/6 là 6.160 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu phát hành thêm bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày kết thúc chào bán. Thời gian thực hiện trong năm 2022 và 2023, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
OCH cho biết, trong 1.000 tỷ đồng huy động được, công ty sẽ mua 49% cổ phần của CTCP Bất động sản Việt Bắc với giá trị đầu tư không vượt quá 332 tỷ. 330 tỷ đồng tiếp theo dùng để xây dựng nhà máy Givral do CTCP Bánh Givral làm chủ đầu tư. 138 tỷ đồng trong đó nhằm xây dựng nhà máy sản xuất kem cho CTCP Kem Tràng Tiền. 200 tỷ đồng còn lại nhằm bổ sung vốn lưu động thanh toán cho các nhà cung cấp.
Theo giới thiệu, CTCP Bất động sản Việt Bắc có địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội, đươc thành lập năm 2001 với vốn điều lệ hiện tại là 40,49 tỷ đồng. Nhà máy Givral đặt tại huyện Củ Chi, TP HCM, dự kiến có tổng mức đầu tư là 399,8 tỷ đồng, sản xuất các loại bánh với quy mô 3.800 tấn/năm; sản xuất kem quy mô 200 tấn/năm. Còn dự án nhà máy kem Tràng Tiền dự kiến đặt tại thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư 150 tỷ.
Muốn thoái vốn loạt công ty con
OCH cũng có tờ trình xin ý kiến chuyển nhượng toàn bộ hơn 5,1 triệu cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Tân Việt, hơn 16 triệu cổ phiếu của CTCP Viptour-Togi và 100% vốn của Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang cho CTCP Tập đoàn Đại Dương. Giá chuyển nhượng không thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư theo báo cáo tài chính riêng giữa niên độ đã được soát xét 2022.
Tại ngày 30/6, OCH nắm 51,42% vốn điều lệ của Tân Việt, tương ứng giá trị gốc là 109 tỷ và 79,26% vốn của Viptour-Togi, ứng với gần 247 tỷ đồng. Tại Sao Hôm Nha Trang, OCH đầu tư hơn 590 tỷ đồng. OCH phải trích lập dự phòng giá trị đầu tư ba công ty con nói trên tổng cộng 613 tỷ đồng.
Ngoài ra, OCH cũng muốn thoái toàn bộ vốn đầu tư tại dự án Starcity Airport (quận Tân Bình, TP HCM) cho Tập đoàn Đại Dương. Tại cuối quý II, OCH ghi nhận hơn 218 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho cho dự án này, đồng thời trích lập dự phòng hơn 102 tỷ.
OCH cũng xin cổ đông thông qua việc CTCP Lequidity Solutions mua cổ phiếu OCH từ cổ đông hiện hữu CTCP Tập đoàn Đại Dương. Hình thức giao dịch dự kiến là thỏa thuận, không cần phải chào mua công khai.