Lỗ gần 470 tỷ sau kiểm toán, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu kem Tràng Tiền nói gì?
Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 của CTCP One Capital Hospitality (Mã: OCH) vừa công bố cho thấy nhiều số liệu chênh lệch nhiều so với báo cáo tự lập.
Cụ thể, doanh thu thuần tuy không thay đổi, nhưng giá vốn hàng bán tăng 35% so với báo cáo tự lập lên 405 tỷ đồng.
OCH cho biết sự chênh lệch này do công ty mẹ đã trích lập dự phòng tổn thất hàng tồn kho đối với dự án Sài Gòn Airport, dẫn đến chỉ tiêu giá vốn hợp nhất tăng trên 100 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Giá vốn này cao hơn cả doanh thu thuần nên doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận gộp âm gần 6 tỷ, trong khi báo cáo chưa kiểm toán có lãi 97 tỷ.
Bên cạnh chi phí tài chính sau kiểm toán tăng 68% thì chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng tới 2,5 lần lên 402 tỷ đồng do công ty phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Kết quả công ty lỗ sau thuế 468 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với số lỗ trước kiểm toán là 77 tỷ. Tổng lỗ lũy kế của công ty tính đến cuối năm 2021 nâng lên gần 830 tỷ đồng.
Kiểm toán cũng nhấn mạnh về ba vấn đề đối với trường hợp của OCH. Thứ nhất, công ty con của OCH là Công ty TNHH Sao Hôm Nha Trang đã bán khoản nợ phải thu của Tràng Tiền Nha Trang giá trị trên 8 tỷ đồng. Đồng thời OCH cũng bán khoản nợ của CTCP Du lịch và Xúc tiến Đầu tư cùng với CTCP Đầu tư Phát triển Bình An với giá trị lần lượt 1 tỷ và hơn 404 tỷ đồng.
Việc trích lập dự phòng phải thu khó đòi của các khoản nợ này được xác định căn cứ vào khả năng thu hồi từ việc bán nợ nêu trên.
Thứ ba, kiểm toán cũng lưu ý người đọc đến dự án Khách sạn Airport tại quận Tân Bình, TP HCM đang được thế chấp để bảo lãnh cho khoản vay của Công ty TNHH Pegasus Thăng Long với giá trị dự phòng (được xác định trên cơ sở số dư gốc) là hơn 218 tỷ tại ngày 31/12/2021.
Theo giải trình từ phía OCH, các khoản nợ phải thu khó đòi trên phát sinh trong giai đoạn 2012 - 2014. Tháng 6/2022 vừa qua, công ty mẹ và đơn vị thành viên đã đồng thuận bán các khoản nợ phải thu khó đòi nói trên.
Liên quan đến dự án khách sạn tại quận Tân Bình, OCH cho biết công ty với bên Pegasus Thăng Long có thỏa thuận hợp tác tại dự án Sài Gòn Airport Plaza. Sau đến đến năm 2014, OCH dùng tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai của Sài Gòn Airport Plaza để đảm bảo cho khoản vay của Pegasus tại Ngân hàng OceanBank. Sau khi đấu giá khoản nợ này, chủ mới đã có toàn quyền trở thành người thế quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ cả Pegasus đối với OceanBank.
Đến tháng 5/2022, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đưa ra quyết định của bản án phúc thẩm về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa OceanBank, chủ nợ mới, Pegasus và OCH là bên liên quan. OCH khẳng định thời gian tới sẽ tham gia vào các phiên tòa nếu có để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công ty trong vụ việc trên.
Báo cáo vẫn còn một số khoản công nợ chưa đủ cơ sở đánh giá trích lập dự phòng như ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020.
Do đó, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 tổ chức vào tháng 4 vừa qua, các cổ đông đã phê duyệt việc không thông qua báo cáo tài chính năm 2021 tự lập và thống nhất lựa chọn đơn vị kiểm toán để rà soát lại báo cáo nhằm đưa ra số liệu và ý kiến kiểm toán phản ánh đúng đắn nhất tình hình tài chính của công ty.
Vào đầu tháng 6, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định chuyển cổ phiếu OCH từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần do công ty chưa công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Mới đây, doanh nghiệp này văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đề nghị xem xét đưa cổ phiếu OCH ra khỏi diện hạn chế giao dịch trong thời gian sớm nhất khi đã công bố đầy đủ thông tin về báo cáo tài chính năm 2021đã kiểm toán, giải trình biến động kết quả kinh doanh.