|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì sao Nhà nước giữ lại cổ phần tại công ty rượu bia, nhưng sẵn sàng bán đi toàn bộ vốn tại những công ty dịch vụ công ích thiết yếu như Nước sạch Sông Đà cho tư nhân?

08:03 | 18/10/2019
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, không phải lĩnh vực nào Nhà nước cũng chuyển hết cho tư nhân. Đặc biệt là một ngành độc quyền tự nhiên như ngành nước, sản phẩm tối cần thiết cho cuộc sống của con người, đòi hỏi bảo đảm cấp nước an toàn, chất lượng vệ sinh là vô cùng quan trọng.
AP5K5673

Người dân Thủ đô vật lộn với cảnh thiếu nước sinh hoạt (Ảnh: Báo tin tức)

Những ngày gần đây, đời sống hàng trăm nghìn người dân Thủ đô đảo lộn bởi sự kiện Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco), đơn vị cung cấp 300.000 m3 nước/ngày đêm cho chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông, bán nước nhiễm độc cho người dân sử dụng.

Sự việc không chỉ khiến người dân thiếu nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, nó còn để lại nhiều bức xúc cùng nỗi lo về sức khoẻ bị ảnh hưởng bởi nguồn nước bị nhiễm độc trước đó vài ngày nhưng vẫn được đơn vị cung cấp là Viwasupco bán cho khách hàng và phải đến khi người dân và báo chí phát hiện, doanh nghiệp mới đưa ra thông báo cảnh báo.  

Trách nhiệm của các bên đang được cơ quan điều tra tiến hành làm rõ. Trong đó, Zing trích lời các luật sư đưa ra quan điểm rằng, từ những thông tin đã phản ánh thì cơ quan điều tra khởi tố vụ án để điều tra là cần thiết và nên xem xét thêm hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Vì sao giữ lại 36% cổ phần tại Sabeco nhưng bán 100% vốn công ty cấp nước?

Xét ở một góc độ khác, sự việc xảy ra vừa qua cũng cho thấy những vấn đề tồn tại trong quản lí nhà nước có thể ảnh hưởng lâu dài đến đời sống dân sinh: Vì sao Nhà nước thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Viwasupco giao cho tư nhân toàn quyền kiểm soát?

Còn nhớ, tại buổi họp báo Chính phủ thường kì diễn ra chiều ngày 2/10 mới đây, liên quan đến một số tin đồn cho rằng Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã thuộc về tay các ông chủ Trung Quốc, đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: "Thông tin trên hoàn toàn không đúng sự thật".

Đồng thời, đại diện Bộ Công Thương cũng đưa thêm thông điệp quan trọng khác hàm ý rằng: Nhà nước đang giữ lại 36% cổ phần tại Sabeco nhằm nắm quyền phủ quyết các quyết sách của Công ty trong trường hợp cổ đông lớn Sabeco đưa ra những chủ trương về phát triển sản phẩm, quản trị và các vấn đề khác không phù hợp với Nhà nước Việt Nam.

Vấn đề ở đây là nhà nước xem việc giữ lại 36% vốn tại một doanh nghiệp kinh doanh rượu bia, sản phẩm không phải là thiết yếu đối với người dân là quan trọng. Nhưng vì sao, một doanh nghiệp dịch vụ công ích như cung cấp nước sạch -  sản phẩm đặc biệt quan trọng thiết yếu đối với người dân thì lại bán hết cho tư nhân 100% như trường hợp của Công ty nước sạch Sông Đà?

Trong khi, bản thân Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 cũng cho phép việc đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đối với lĩnh vực cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội. Thì việc nhà nước thoái vốn 100% tại công ty cấp nước rõ ràng đã cho thấy sự mâu thuẫn.

Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng 2019 của Công ty Nước sạch Sông Đà công bố cho thấy suất sinh lời rất lớn của công ty này; biên lợi nhuận gộp lên tới 70%; biên lợi nhuận ròng gần 50%, tức công ty bán 2 đồng lãi 1 đồng; và phần lãi này của doanh nghiệp được lấy từ tiền túi của người dân".

Không phải lĩnh vực nào cũng chuyển hết cho tư nhân!

Hiện nay, Chính phủ đang thúc đẩy hoạt động thoái vốn, cổ phần hoá (CPH) của các doanh nghiệp Nhà nước. Đó là một chủ trương đúng đắn nằm trong xu thế xã hội hoá đầu tư, nhằm tăng hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực trạng cổ phần hoá DNNN hiện cũng là vấn đề nóng bỏng với nhiều bất cập đang được Chính phủ hết mực quan tâm. Trong đó, không ít trường hợp cổ phần hoá gây thất thoát tài sản nhà nước lớn khiến nhiều quan chức đối mặt với trách nhiệm pháp lí.

Riêng đối với công tác CPH và thoái vốn của các DN cấp nước cũng đã cho thấy việc CPH, thoái vốn Nhà nước của ngành cấp nước còn có những bất cập liên quan mật thiết đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước vừa xày ra tại Thủ đô.

Theo Báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát tháng 10/2017 của Hội Cấp thoát nước Việt Nam tại 48 doanh nghiệp cấp nước đã CPH, những năm qua, Nhà nước có rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nỗ lực đẩy mạnh CPH, thoái vốn Nhà nước nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến việc hướng dẫn hoạt động của các doanh nghiệp sau CPH.

Đặc biệt là thiếu hướng dẫn cách thức quản trị doanh nghiệp sau CPH; thiếu cơ chế kiểm soát, cơ chế ràng buộc đối với những Công ty mà Nhà nước đã thoái vốn 100% những doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối nên đã tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung, đe dọa chủ trương cấp nước an toàn, đảm bảo chất lượng và vệ sinh nước sạch; đe dọa việc giữ gìn, tôn vinh thương hiệu của doanh nghiệp.

Vấn đề này cũng được các chuyên gia đặc biệt quan tâm và đưa ra cảnh báo từ trước. "Do là một ngành độc quyền tự nhiên, sản phẩm tối cần thiết cho cuộc sống của con người, đòi hỏi bảo đảm cấp nước an toàn, chất lượng vệ sinh là vô cùng quan trọng, vì vậy đề nghị Nhà nước vẫn giữ cổ phần ở lĩnh vực này khoảng 30-35%, không nên thoái vốn 100%", ông  Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam kiến nghị tại Hội nghị thường niên Hội Cấp thoát nước Việt Nam ngày vào tháng 3/2019.

Nói thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhấn mạnh rằng: "Không phải lĩnh vực nào nhà nước cũng chuyển hết cho tư nhân! Đặc biệt là ngành nước, bởi xét cho cùng, cấp nước cho Thủ đô tất nhiên là một loại hình dịch vụ công. 

Dịch vụ này thường phải do công ty công ích thực hiện. Tuy nhiên, phong trào cổ phần hóa và xã hội hóa như "trăm hoa đua nở" mà quên tính chất dịch vụ công và xã hội hóa...

Vào năm 2000, tôi không chỉ thẩm định mà còn tham gia lập phương án giá nước cho các dự án đầu tư nhà máy nước và cấp nước sạnh thành phố. Lúc đó các phương án vay phải tính mức lợi nhuận sao cho giá nước không được đội lên cao quá." TS. Hiển cho hay.

Về cách tính giá nước, TS. Đinh Thế Hiển cho hay là tính giá thành cộng với lãi vay hỗ trợ và lợi nhuận định mức cho Tổng công ty cấp nước Thành phố. Vào năm 2000, lợi nhuận định mức vào năm 5%; còn hiện nay, các dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ công thường lấy tỉ suất lợi nhuận khoảng 12% để trình duyệt.

"Ấy vậy mà công ty nước dạng độc quyền này lại có lợi nhuận lên đến 30- 50%/vốn thì quá ghê gớm và thấy sai tính chất kinh doanh loại hình này", TS Hiển đánh giá.

Huy Nguyên