Sau khi Nhà nước thoái vốn, Cấp nước sông Đà rủng rỉnh bỏ túi hàng trăm tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm
Kinh tế tăng trưởng, tốc độ đô thị hoá gia tăng, công nghiệp phát triển sẽ kéo theo nhu cầu về nước sạch gia tăng tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nước. Theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán HSC, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) của ngành nước giai đoạn năm 2017-2020 cho công nghiệp là 43% và cho tiêu dùng là 36%.
Nhìn thấy sự hấp dẫn của ngành kinh doanh thiết yếu này, nhiều nhà đầu tư lớn những năm gần đây đã tích cực đầu tư vào lĩnh vực này thông qua thâu tóm, sáp nhập (M&A) các đơn vị do nhà nước thành lập trước đây. Điển hình trong số đó là Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Cấp nước Sông Đà - Viwasupco), nhà cung cấp nước từ nguồn nước sông Đà.
Viwasupco tiền thân là đơn vị thực hiện dự án Nhà máy nước sạch Sông Đà trực thuộc Tổng công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) được thành lập vào tháng 3/2009.
Giai đoạn I của dự án Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông có công suất cấp nước 300.000 m3 nước/ngày đêm được đưa vào khai thác năm 2011 hiện đã hết công suất.
Lợi nhuận Viwasupco tăng mạnh sau khi cổ đông nhà nước thoái vốn (Nguồn: DVSC)
Theo báo cáo kết quả kinh doanh những năm gần đây cho thấy, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh nước sạch của Viwasupco đang ngày càng sinh sôi nảy nở. 6 tháng 2019, lợi của Viwasupco tiếp tục tăng mạnh.
Cụ thể, doanh thu 6 tháng của Viwasupco đạt 264 tỉ đồng, tăng 22%; lợi nhuận gộp đạt đến 150 tỉ đồng, tăng 27%. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của đơn vị này lên đến 70%, tức cứ 100 đồng doanh thu thì công ty thu về 70 đồng lợi nhuận gộp.
Sau khi trừ các chi phí vận hành, lãi vay, thuế, Viwasupco đạt đến 127 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 31% so với cùng kì năm trước. Tỷ suất lợi nhuận ròng lên đến 48%, tăng 3,14% điểm phần trăm so với cùng kì năm ngoái.
Biên lợi nhuận các DN cấp nước như Viwasupco trong nhóm cao nhất thị trường hiện nay (nguồn: DVSC)
Có thể nói, tỉ suất sinh lợi của Viwasupco nằm ở mức "trong mơ" với nhiều doanh nghiệp, kể các các đơn vị hàng đầu trong ngành cấp nước hiện nay ít có đơn vị nào có được mức sinh lợi cao như đơn vị Cấp nước từ Sông Đà, ngoại trừ một doanh nghiệp tại Phía Nam là TDM Water – đơn vị cấp nước có mối quan hệ thân thiết với Biwase.
Dù có lợi nhuận rất cao, nhưng bản thân doanh nghiệp này cũng rất nhiều lần xảy ra sự cố ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Không chỉ trường hợp cung cấp nước "có mùi lạ" mới đây, Viwasupco không còn là cái tên xa lạ của người dân các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm với hoàng loạt sự cố vỡ đường ống, ảnh hưởng đến đời sống hàng vạn người dân Thủ đô.
Sau khi Vinaconex thoái vốn năm 2017, hai cổ đông mới xuất hiện tại Viwasupco hiện nay là Công ty TNHH MTV Năng Lượng Gelex nắm 45,3 triệu cổ phần, tương ứng 60,46% cổ phần; CTCP Cơ điện lạnh (REE) sở hữu 26,96%, tương ứng 35,95%; các cổ đông còn lại chỉ nắm chưa đầy 4% cổ phần.
Trong khi REE là doanh nghiệp đã có thâm niên thâu tóm các doanh nghiệp ngành hạ tầng điện, nước như nước sạch như BOO nước Thủ Đức, cấp nước Tân Hiệp, Cấp nước Nhà Bè, Cấp nước Trung An, cấp nước Gia Định,…thì Gelex đang là cái tên mới nổi trong những năm gần đây trong lĩnh vực M&A.
Tuy nhiên, theo như những gì đang diễn ra tại Viwasupco đang cho thấy những tín hiệu "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" của hai cổ đông lớn nói trên trong việc triển khai giai đoạn II dự án xây dựng đường ống tải nước sạch cấp nước cho Thủ đô, nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm dự kiến hoàn thành năm 2020.
Theo biên bản lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản hồi giữa tháng 8 nhằm mục đích thông qua phê duyệt vật liệu chính cho tuyến ống số 2, đoạn từ nhà máy đến điều tiết Tây Mỗ được, Viwasupco đã phát ra tổng cộng 139 phiếu nhưng chỉ có 5 phiếu được lấy ý kiến thông qua, đại điện cho 45,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 61% cổ đông tham dự (cổ đông Gelex). Trong khi phía REE không có bất cứ phản hồi nào về vấn đề này.
Đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, nói cách khác kiếm tiền bằng việc phụng sự cộng đồng đang là chủ đề được giới doanh nhân, Chính phủ nhắc đến rất nhiều trong ngày tôn vinh doanh nhân Việt vừa qua. Làm sao để cân đối hài hoà giữa mục tiêu lợi nhuận và lợi ích xã hội là vấn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.
Trong đó, việc doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thông qua hình thức thâu tóm nhưng dùng vốn vay quá lớn cũng là một vấn đề có thể sẽ gây áp lực thu hồi vốn nhanh. Bởi khi tiêu tốn chi phí nhiều hơn cho việc đầu tư, bao gồm cả chi phí đầu tư mua sắm thiết bị và chi phí vốn thì áp lực kiếm lợi nhuận sẽ càng lớn hơn. Tất nhiên, phần thiệt đó sẽ được đẩy sang cho người dân lãnh đủ.