|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nữ YouTuber mang mô hình học tiếng Trung bằng cảm xúc lên sóng Shark Tank và tay trắng ra về

19:31 | 12/12/2023
Chia sẻ
Chủ kênh YouTube Cầm Xu là Nguyễn Thanh Cầm bất ngờ xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam để gọi vốn. Cầm Xu là một kênh chuyên về tiếng Trung Quốc và từ nền tảng có được, Nguyễn Thanh Cầm đã mở ra đơn vị đào tạo tiếng Trung cho người đi làm.

Đến với Shark Tank Việt Nam, Cầm Xu muốn gọi đầu tư 5 tỷ đồng đổi lấy 6,5% cổ phần của chuỗi đào tạo tiếng Trung. Theo giới thiệu, Nguyễn Thanh Cầm đã nghiên cứu mà đúc kết ra phương pháp học tiếng Anh gọi là Emotional Chinese.

Để có được "công trình" này, Thanh Cầm cho biết cô đã tìm hiểu trên 50 bộ giáo trình của các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, học hơn 30 ứng dụng ngoại ngữ lớn nhất, tham gia chương trình kỹ thuật giảng dạy của Đại học Harvard và tự mình đi hết 31 tỉnh và vùng lãnh thổ của Trung Quốc. Phương pháp của Thanh Cầm đã được kiểm nghiệm bởi giảng viên, giáo viên của Viện Khổng Tử cũng như đại học tại Trung Quốc.

Phương pháp này được Thanh Cầm tổng hợp và phát triển dựa trên một số tiêu chí như sự đồng âm giữa tiếng Việt và tiếng Trung, học từ vựng qua ngữ cảnh, qua thơ, bài hát… nhằm kích thích sự hào hứng của học viên. Khách hàng mục tiêu của chuỗi đào tạo này là những người đã đi làm, có nhu cầu học tiếng Trung để giao dịch với đối tác, đi du lịch hoặc khám phá văn hóa Trung Quốc.

 Nguyễn Thanh Cầm, chủ kênh YouTube Cầm Xu. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Nguyễn Thanh Cầm chia sẻ trước COVID-19, các lớp dạy trực tiếp của Tiếng Trung Cầm Xu ghi nhận tỷ lệ lấp đầy khá tốt, các lớp học thường kín chỗ trước khi khai giảng một tháng. Nhưng khi đại dịch ập đến, việc chuyển đổi từ học trực tiếp sang trực tuyến khiến chuỗi đào tạo rơi vào tình trạng lao đao. Bài học lớn trên chặng đường kinh doanh khiến cô gái nhận ra mình còn yếu về quản trị nên Cầm Xu bắt đầu tập trung điều chỉnh lại hệ thống, quy trình, sản phẩm…

Hiện nay, tiếng Trung Cầm Xu có 4 trung tâm đào tạo, mỗi trung tâm có tổng cộng khoảng 60 chỗ ngồi, mức vốn đầu tư cho địa điểm rơi vào khoảng 400 triệu đồng và hồi vốn sau từ 3 – 4 tháng. Doanh thu năm 2022 của Tiếng Trung Cầm Xu đạt 10 tỷ đồng, lợi nhuận chiếm khoảng 11,3%. 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu đã đạt 10 tỷ đồng và lãi khoảng 14%.

Shark Tuệ Lâm là người rút đầu tiên. Nữ "cá mập" nhận định tiềm năng của thị trường tiếng Trung nằm ở quy mô toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia đã nói tốt tiếng Anh và muốn học thêm ngôn ngữ mới, trong khi thị trường Việt Nam còn quá bé. Shark Bình và Shark Erik cũng lần lượt rời khỏi thương vụ vì lý do trên.

Shark Hùng Anh cũng không đầu tư bởi không hiểu rõ về thị trường này. Đi cùng Shark Hùng Anh còn có Shark Minh Beta. Chủ tịch Beta Group đánh giá mô hình của Tiếng Trung Cầm Xu có tiềm năng không tệ. Tuy nhiên, ông cho rằng Cầm Xu đang chưa xác định được con đường cho mình.

“Nếu mà mình tập trung vào hướng phát triển chuỗi thì đấy là một con đường và phải rất là tập trung vào con đường đó. Còn nếu mình muốn phát triển một phương pháp học tối ưu hơn thì lại có một con đường đi khác hoàn toàn, bạn có thể bán bản quyền cho các trung tâm khác, có thể trở thành một chuyên gia”, Shark Minh phân tích và từ chối đầu tư.

Thùy Trang