|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nữ hoàng cá tra Vĩnh Hoàn rót vốn vào startup sản xuất thịt tôm nhân tạo tại Singapore, tham vọng cung cấp sản phẩm cho 10 tỷ người

15:42 | 22/07/2021
Chia sẻ
Ngoài Vĩnh Hoàn, thương vụ gọi vốn của Shiok Meats còn có sự góp mặt của Woowa Brothers Asia Holdings - cha đẻ của ứng dụng Baemin và CJ CheilJedang Corporation.
Vĩnh Hoàn rót vốn vào startup sản xuất thịt tôm nhân tạo tại Singapore - Ảnh 1.

Sản phẩm thịt tôm do Shiok Meats sản xuất. (Ảnh minh họa: Shiok Meats).

Ngày 21/7, Shiok Meats, công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất thịt tôm từ các tế bào được nuôi trong phòng thí nghiệm cho biết đã hoàn tất màn gọi vốn từ các công ty hàng đầu trong ngành thực phẩm Hàn Quốc là Woowa Brothers Asia Holdings và CJ CheilJedang Corporation. Ngoài ra thương vụ còn có sự góp mặt của CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC)

Bên cạnh đó, vòng gọi vốn này nhận được đầu tư từ IRONGREY (công ty gia đình tại Hàn Quốc chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ), Big Idea Ventures, Twynam Investments, Henry Soesanto, The Alexander Payne Living Trust,... Tính đến hiện tại tổng số vốn Shiok Meats đã huy động lên tới 30 triệu USD.

Tiến sĩ Sandhya Sriram, Giám đốc điều hành kiêm Đồng sáng lập của Shiok Meats cho biết, 12 - 18 tháng tiếp theo là thời gian quan trọng đối với công ty. Số tiền huy động được sẽ dùng để thúc đẩy các hoạt động R&D cũng như xây dựng một cơ sở sản xuất hiện đại ở Singapore.

Theo giới thiệu, Shiok Meats được thành lập từ năm 2018. Đây là công ty sản xuất thịt và hải sản dựa trên tế bào đầu tiên ở Đông Nam Á và là công ty sản xuất thịt động vật giáp xác (tôm, tôm hùm, cua, tôm càng) đầu tiên trên thế giới theo hướng bền vững, lành mạnh, không độc hại. 

Hiện Shiok Meats có hơn 30 nhà khoa học, kỹ sư, kỹ sư công nghệ thực phẩm và các  chuyên gia kinh doanh. Công ty dự định ra mắt tại Singapore muộn nhất vào năm 2023.

Mục tiêu của Shiok Meats trong tương lai sẽ đưa công nghệ sản xuất thịt hải sản từ các tế bào trở thành công nghệ hàng đầu trong ngành thực phẩm toàn cầu. Vào năm 2050, công ty đặt tham vọng cung cấp sản phẩm cho 10 tỷ người trên thế giới.

Minh Hằng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.