|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông sản vào Trung Quốc sụt giảm: cần giải pháp mạnh

16:43 | 11/07/2019
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm nhẹ trong những tháng đầu năm 2019. Điều đáng chú ý là một số mặt hàng nông sản bắt đầu sụt giảm so với trước, đặc biệt là kim ngạch mặt hàng gạo bị sụt giảm rất mạnh. Một số chuyên gia đã lý giải về nguyên nhân của sự biến động này.
Nông sản vào Trung Quốc sụt giảm: cần giải pháp mạnh - Ảnh 1.

Trong năm tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu lúa gạo sang Trung Quốc đã giảm đến 75% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Trung Chánh

“Cú sốc” mặt hàng gạo

Báo cáo của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa năm tháng đầu năm cho thấy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 13,6 tỉ đô la Mỹ, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm 2018. 

Trong đó, với nhóm hàng nông-thủy sản thì “tâm điểm” đổ dồn về ngành gạo khi đây là loại mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất.

Trong tám mặt hàng nông-thủy sản chủ lực được xuất khẩu sang Trung Quốc, gồm rau củ, gạo, khoai mì (sắn), cao su, thủy sản, hạt điều, cà phê và trà (chè), thì có bốn mặt hàng kim ngạch sụt giảm là khoai mì, thủy sản, cà phê và gạo. 

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu lúa gạo chỉ đạt 111 triệu đô la Mỹ, giảm đến 75% so với cùng kỳ.

Ông Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, nhận định việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sụt giảm có phần do sự điều chỉnh chính sách của Trung Quốc, từ chỗ mua bán biên mậu sang chính ngạch. 

Theo ông, đã từng có nhiều cuộc họp đề nghị hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch, thậm chí kiến nghị không xuất khẩu biên mậu. Trước đây do quen với mua bán biên mậu vốn khá dễ dãi về thủ tục cũng như về chất lượng sản phẩm, nên khi chuyển sang chính ngạch đã vấp phải khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho biết hiện thị trường Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hóa đơn chứng từ của các sản phẩm nhập khẩu. 

“Đây là nguyên nhân quan trọng nhất khiến xuất khẩu nông sản của Việt Nam giảm, đặc biệt là với lúa gạo”, ông nhấn mạnh.

Từ năm 2019, gạo Việt Nam muốn xuất khẩu sang quốc gia này phải đảm bảo các quy định như thời gian xông trùng phải đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của Trung Quốc kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và phải được cơ quan kiểm nghiệm của Trung Quốc đóng dấu. 

Đó là chưa kể đến việc tăng thuế cũng như kiểm soát số lượng thương nhân được phép xuất khẩu gạo vào Trung Quốc. Đây được xem là những nguyên nhân khiến gạo vào Trung Quốc giảm mạnh.

Điều chỉnh để phù hợp thị trường

Mặc dù xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang gặp khó, nhưng theo ông Lê Đăng Doanh, vẫn phải tiếp tục tranh thủ thị trường này vì đây là thị trường đông dân nhất và sát bên Việt Nam. 

Ông cho rằng khó khăn đối với xuất khẩu trong sáu tháng đầu năm 2019 sẽ là “bài học” để Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh hơn nữa.

Cũng theo ông Doanh, VCCI nên mở các khóa học ngắn hạn để phổ biến chi tiết các quy định của thị trường Trung Quốc; những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sang Trung Quốc cần thông thạo tiếng Trung và thiết lập mối quan hệ làm ăn với thương nhân Trung Quốc.

Trong khi đó, theo ông Võ Hùng Dũng, doanh nghiệp cần điều chỉnh cách thức làm ăn. Ông nhận xét, Trung Quốc trước đây cho nhập tiểu ngạch nên việc đưa hàng hóa với khối lượng lớn đi theo đường này rất dễ. 

Nhưng khi họ thay đổi chính sách, lượng hàng xuất khẩu sẽ giảm, vì vậy phần sản xuất trong nước cũng cần điều chỉnh theo cho phù hợp. Ông Dũng cũng cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Công Thương cần làm việc với các bên liên quan để có sự điều chỉnh hợp lý.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, cho rằng những yêu cầu về chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm là đòi hỏi cơ bản, tất yếu của tất cả các thị trường nhập khẩu, chứ không riêng Trung Quốc. 

“Một khi Việt Nam đã gia nhập thương mại thế giới, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thì cần chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, những yêu cầu của khách hàng đưa ra”, ông Thành cho biết và nhấn mạnh rằng đây là chuyện chắc chắn phải làm, không chỉ ngành gạo mà các ngành khác cũng vậy.

Trong giai đoạn giá nông sản thế giới đang trong xu hướng giảm chung, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tuy tăng 2,2% giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ 2018 nhưng nhóm nông lâm thủy sản chính lại giảm tới 9,2% về giá trị. Điều này khiến ngành nông nghiệp khá chật vật trong việc đảm bảo tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Trung Chánh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.