|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tăng xuất khẩu nông sản chính ngạch để nâng giá trị gia tăng

14:15 | 06/07/2019
Chia sẻ
Để có thể tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt cần chủ động đáp ứng các yêu cầu thị trường.

Trung Quốc từ lâu đã là thị trường lớn nhất của nông sản Việt xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt chủ yếu là xuất tiểu ngạch, qua trung gian, bị động về giá cả và tiêu thụ.

Hiện nay, phía Trung Quốc ngày càng siết chặt các quy định về an toàn thực phẩm với nông sản nhập khẩu, đồng thời khuyến khích xuất-nhập khẩu chính ngạch. Nhiều doanh nghiệp Việt đang nỗ lực gia tăng lượng nông sản xuất khẩu vào Trung Quốc bằng cách đáp ứng xu hướng tiêu dùng và từng bước chuyển sang xuất chính ngạch, bán online.

Tăng xuất khẩu nông sản chính ngạch để nâng giá trị gia tăng - Ảnh 1.

Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt các quy định về truy xuất nguồn gốc đối với nông sản Việt.

Công ty TNHH Tây Cát ở tỉnh Đồng Tháp chuyên sản xuất các loại bánh phồng làm từ trái cây có nhiều ở ĐBSCL như chuối, mít, xoài… Sản phẩm làm ra vừa bán ở thị trường nội địa vừa giới thiệu ra nước ngoài như một dạng đặc sản dễ vận chuyển theo du khách.

Gần đây, qua khảo sát tại các hội chợ thực phẩm ở Thái Lan, Trung Quốc, chủ doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng tiêu thụ thức ăn vặt ở nhiều nước trong khu vực và tiếp cận, tìm kiếm đối tác. Hiện lượng bánh phồng chuối doanh nghiệp này làm ra không đủ để xuất sang Trung Quốc, chưa nói gì đến bán cho các khách hàng khác ở Singapore hay Malaysia.

Theo bà Nguyễn Thị Các Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát, sản phẩm thu hút khách hàng bằng hình thức chế biến và tác dụng với sức khỏe.

"Khách hàng rất ngạc nhiên là tại sao chuối có thể làm như thế này. Và họ nghĩ là đây gọi là helthy-snack, một sản phẩm ăn vặt dinh dưỡng, khác với các loại bánh truyền thống đang có trên thị trường. Rồi họ hỏi chúng tôi về sản lượng và thời gian bảo quản", bà Thủy cho biết.

Với người tiêu dùng Trung Quốc, đồ ăn vặt không chỉ là lựa chọn bổ sung mà trở thành một thực phẩm chuyên biệt, được ưu tiên lựa chọn. Theo thống kê vài năm trở lại đây, ngành thực phẩm và đồ uống toàn cầu tăng trưởng bình quân 10%/năm, với xu hướng dùng thực phẩm khô ăn liền, tức đồ ăn vặt.

Năm 2018, chỉ riêng thị trường Trung Quốc tiêu thụ 17,49 triệu tấn thức ăn vặt và dự kiến năm 2019 này là 18,26 triệu tấn. Trong khi đó, sản xuất các thực phẩm ăn vặt như cá khô, bánh, mứt, trái cây sấy…là thế mạnh của doanh nghiệp Việt cả về nguồn nguyên liệu trong nước lẫn khả năng chế biến. Cho nên, doanh nghiệp Việt cần nằm bắt kịp thời xu hướng này.

Ông Ngô Đình Dũng, một chuyên gia thị trường cho biết, khuynh hướng thị trường thực phẩm là chế biến ra nhiều loại, nâng cấp sản phẩm dần lên. Làm cho sản phẩm rộng hơn, có thể sử dụng ở nhiều cách phối trộn khác nhau.

"Thực phẩm ăn chơi và tiện dụng càng ngày càng phong phú hơn, bán được nhiều hơn. Do đó, doanh nghiệp Việt phải thấy khuynh hướng thị trường để tìm cách làm cho sản phẩm của mình phong phú, đa dạng và tăng giá trị hơn", ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng với những xu hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc nông sản của Trung Quốc, doanh nghiệp cũng cần chú trọng xem xét một cách nghiêm túc và thay đổi cách thức đưa hàng vào thị trường này.

Tăng xuất khẩu nông sản chính ngạch để nâng giá trị gia tăng - Ảnh 2.

Doanh nghiệp Việt cần xem xét thay đổi cách thức đưa hàng vào thị trường Trung Quốc cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.

Từ trước đến nay, con đường vào thị trường Trung Quốc chủ yếu qua đường biên mậu, qua các đối tác, xuất khẩu tiểu ngạch khiến chi phí trung gian tăng và rủi ro nhiều. Hiện nay, doanh nghiệp nên hướng đến xuất khẩu chính ngạch, đưa hàng trực tiếp vào hệ thống siêu thị và sử dụng thương mại điện tử.

Công ty Vinamit có 20 năm xuất khẩu sản phẩm nông sản vào thị trường Trung Quốc và luôn tăng trưởng ở thị trường này. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit thì các doanh nghiệp nên chuẩn bị sản phẩm đạt đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng của Trung Quốc. Ban đầu, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nên xâm nhập thị trường này thông qua kênh cửa hàng, siêu thị, sau đó là làm thương mại điện tử, cung cấp hàng cho các kênh phân phối lớn bằng hình thức online.

"Các hệ thống lớn giờ đa số có kênh quốc tế. Ví dụ như Alibaba có thể mua trực tiếp sản phẩm của doanh nghiệp tại đây. Ngay cả những hệ thống như Walmart hay Carry cũng có xu hướng như vậy, mở rộng cánh cửa tiếp cận nguồn hàng tại các quốc gia", ông Viên cho hay.

Chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là điều mà các ngành chức năng của cả Việt Nam và Trung Quốc đều hướng các doanh nghiệp xuất- nhập khẩu thực hiện. Các cơ quan chức năng của Trung Quốc ngày càng yêu cầu ngặt nghèo về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói của nông sản nhập khẩu theo các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Ngay tại thị trường này, các sản phẩm nông sản Việt phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối với sản phẩm của các nước khác. Do đó, nông sản Việt buộc phải chú trọng đến xây dựng, đăng ký thương hiệu tại thị trường Trung Quốc để có thể tham gia vào hệ thống phân phối một cách bài bản, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ông Lê Thanh Hòa,  Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Trung Quốc đã có những có thay đổi căn bản, áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế chặt chẽ, không hời hợt như xưa nữa.

"Đối với tất cả sản phẩm nông sản, Trung Quốc đều yêu cầu đăng ký với cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, cấp mã số các vùng trồng, cơ sở đóng gói và sau đó cung cấp cho Tổng cục Hải quan của Trung Quốc. Các doanh nghiệp của chúng ta cũng cần phải nắm được yêu cầu về điều kiện vệ sinh của các cơ sở chế biến", ông Hòa cho biết thêm.

Nông sản Việt xuất khẩu ngày càng nhiều sang Trung Quốc với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 là 8,3 tỷ USD, chủ yếu là gạo, rau quả, cà phê, trà... Nhiều sản phẩm có thương hiệu được phân phối trên hệ thống siêu thị. Để có thể tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, doanh nghiệp Việt cần chủ động đáp ứng các yêu cầu thị trường.

Trước mắt, Việt Nam hiện mới có 8 loại trái cây được phép nhập chính ngạch sang Trung Quốc (xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long), cho nên doanh nghiệp cần tiếp tục kiến nghị để chính phủ và bộ ngành chức năng làm việc với phía Trung Quốc, tăng số mặt hàng được phép nhập khẩu chính ngạch, nhất là với các nông sản được tiêu thụ nhiều như khoai lang, dừa, bí ngô…

Minh Hạnh