Làm gì để nông sản Việt cạnh tranh tốt hơn tại thị trường châu Âu?
Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang đứng tốp đầu thế giới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, EU là một thị trường khó tính, đòi hỏi những quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu rất cao. Vì vậy, một khi các mặt hàng nông sản của Việt Nam không vượt qua được điều kiện trên thì cơ hội tăng mạnh xuất khẩu tại thị trường EU sẽ là bài toán xa vời.
Giá nông sản còn bấp bênh
Từ năm 2000 đến nay, nhiều loại nông sản Việt Nam được xếp hạng top 10 trên thế giới. Đơn cử như gạo đứng thứ 2 thế giới, hạt tiêu và hạt điều đứng đầu thế giới về sản lượng… Bên cạnh đó, sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Một con số đáng mừng là ngoài Trung Quốc, hiện EU đang là thị trường tiêu thụ hàng nông, thủy sản của Việt Nam rất lớn với tỷ trọng là 15,4%, vượt cả Mỹ (13,8%).
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong những năm gần đây, giá trị xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam liên tục biến động.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đã sụt giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2018, ước đạt 12,4 tỷ USD.
Những mặt hàng sụt giảm mạnh là càphê giảm 10,6% về lượng và 21,1% về kim ngạch. Ngoài ra, gạo giảm 2,9% về lượng và 17,6% về kim ngạch, trong khi xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 17,7% về lượng và 13,9% về kim ngạch…
Đây không phải là hiện tượng cá biệt, bởi lâu nay việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn hết sức nan giải.
Theo nhìn nhận của ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, điểm yếu lớn nhất của nông sản Việt Nam chính là tỷ lệ xuất khẩu thô còn cao, nhiều ngành hàng có chất lượng và số lượng các chuỗi giá trị nông sản còn thấp.
Hơn thế, nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và An toàn vệ sinh thực phẩm.
“Thực tế đó đang cản trở sự gia tăng về số lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới, nhất là các thị trường lớn, yêu cầu chất lượng cao,” Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, do vướng nhiều quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, thời gian qua đã có một số mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam bị đối tác nhập khẩu trả lại hoặc gia tăng tần suất kiểm tra do chưa đáp ứng các quy định SPS/TBT (về kiểm dịch động thực vật và hàng rào kỹ thuật đối với Thương mại).
“Hiệp định EVFTA sẽ khiến các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế,” ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay.
- Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, thủy sản 6 tháng đầu năm 2019:
Không để nông dân bị bỏ lại phía sau
Theo quy định, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sẽ giảm về 0%, kể cả các mặt hàng nông sản chế biến.
Đơn cử, EU sẽ xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…
Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%.
Tuy vậy, để tận dụng được các lợi thế trên thì ngành nông nghiệp phải vượt qua các rào cản hiện nay bằng cách tổ chức lại sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thai Binh Seed cho rằng, từ hệ thống chế biến, bảo quản nông sản phải đồng bộ để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt.
Một vấn đề nữa, để xuất khẩu và tiêu thụ thành công, cần chú trọng liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp (bên cạnh sự liên kết giữa Nhà nước-Nhà buôn-Nhà khoa học và Nhà nông) nhằm thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu cũng như tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp này cũng mong muốn có một sự thay đổi về cơ chế chính sách theo hướng ổn định, hiệu quả và minh bạch.
“Chính phủ cần phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu quốc gia một cách đồng bộ và vững mạnh,” ông Trần Mạnh Báo khuyến nghị.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, hàng nông sản của các nước châu Âu sẽ có điều kiện thâm nhập vào Việt Nam, làm cho nông sản trong nước bị cạnh tranh, thậm chí mất thị phần.
Trong khi đó, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong dự báo, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do quy mô nhỏ lẻ, giá thành cao, chưa đạt yêu cầu an toàn thực phẩm…
Vì vậy, để có một sự chuẩn bị tốt, theo ông, trong lĩnh vực nông nghiệp cần từng bước chuyển dần quy mô kinh tế nông hộ sang kinh tế hợp tác và thực hiện liên kết sản xuất đa chiều cũng như liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm đáp ứng các yêu cầu cao của hội nhập kinh tế quốc tế.
“Nhà nước cần nâng cao chất lượng quy hoạch, làm tốt công tác dự báo thị trường nông sản thế giới… cũng như đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt là các khâu chăm sóc, thu hoạch nhằm giảm giá thành sản xuất,” chuyên gia này nói.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định lại lưu ý hơn đến kinh tế quy mô hộ gia đình. Ông cho rằng Nhà nước cần tạo cơ chế hình thành và phát triển các hợp tác xã kiểu mới đồng thời huy động sự tham gia của hộ sản xuất và nông dân, tạo cơ chế đất đai, nâng cao năng lực lập kế hoạch sản xuất và quản trị của lãnh đạo hợp tác xã…
Tất cả những yếu tố trên khi cộng hưởng sẽ là những điều kiện tiên quyết giúp ngành nông nghiệp Việt Nam có thêm sức bật, khẳng định vị thế trên trường quốc tế và quan trọng hơn là giúp không để nông dân, người sản xuất nhỏ bị bỏ lại trong quá trình hội nhập.
- Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói về hiệp định EVFTA:
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/