|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông sản Việt trước 'vận hội' FTA thế hệ mới

14:33 | 30/06/2019
Chia sẻ
Ngày 30/6 tới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức được ký kết. Trước đó (14/1), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng bắt đầu có hiệu lực. Các FTA thế hệ mới này cùng nhiều FTA khác được nhìn nhận đã, đang và sẽ mở ra cơ hội bứt phá XK cho nông sản Việt.
Nông sản Việt trước 'vận hội'  FTA thế hệ mới - Ảnh 1.

Nông sản Việt còn nhiều cơ hội thúc đẩy XK nhờ các FTA. Ảnh: S.T.

“Rộng cửa” xuất khẩu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Không có giới hạn cho năng lực sản xuất nếu có thể tận dụng tối đa cơ hội về thị trường

Với vị thế là nước đứng đầu trong các sản phẩm nông sản XK, không có giới hạn cho năng lực sản xuất nếu Việt Nam có thể tận dụng tối đa cơ hội về thị trường và có được điều kiện để tái cơ cấu, đưa công nghệ vào tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hữu cơ và gắn với việc hình thành phát triển các chuỗi giá trị.

Các FTA chính là cơ hội để chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Chúng ta có 30 ngành hàng có giá trị XK trên 1 tỷ USD, trong số đó, nông nghiệp chiếm phần lớn. Dù vậy, nông nghiệp vẫn gặp trở ngại về chất lượng, năng lực cạnh tranh, công nghệ chế biến. Trong hội nhập, không phải tất cả đều là "bức tranh" màu hồng. Điều này đòi hỏi vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành trong việc xây dựng chính sách và thực thi pháp luật để đảm bảo hiệu quả cho người dân, cộng đồng DN.

Báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cho thấy: CPTPP, EU và các nước ASEAN khác là các thị trường XK lớn và tiềm năng của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, hiện chiếm 34,8% tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản (năm 2018) và tăng trưởng 5,4%/năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng XK rất nhanh tại thị trường CPTPP với tốc độ bình quân 7,2%/năm và 6,15% với EU trong cùng giai đoạn. Kim ngạch NK nông sản của Việt Nam từ CPTPP và EU cũng có xu hướng tăng liên tục, đạt 4,05 tỷ USD đối với CPTPP và 1,6 tỷ USD đối với EU năm 2017, tốc độ 9,5%/năm với CPTPP và 10%/năm với EU trong giai đoạn 2010-2017.

Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phân tích cụ thể về mặt thuế quan: Trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP, các nước thành viên cắt giảm trên 48% dòng thuế nông nghiệp về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực và đạt mức trên 60% sau 10 năm. Riêng Úc, New Zealand và Singapore thì hầu hết các dòng thuế nông sản về 0% ngay năm đầu tiên. Các nước đã có FTA với Việt Nam gồm Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN (AANZFTA, VJEPA, ATIGA, VKFTA), hầu hết các dòng thuế cũng sẽ giảm sâu về 0% trong thời gian ngắn.

Nhìn nhận cơ hội mở ra cho ngành nông nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Sau nhiều năm nỗ lực với sự tham gia 16 FTA, nền kinh tế của Việt Nam ngày càng thích ứng tốt với hội nhập. Đơn cử như năm 2018, XK nông sản của Việt Nam đạt kim ngạch 40 tỷ USD, vươn tới 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng với 2 FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Tổng GDP của các thị trường tham gia Hiệp định CPTPP và EVFTA chiếm hơn 35% GDP toàn cầu, tổng giao dịch thương mại khoảng 35% thương mại toàn cầu. Đây là thị trường vô cùng to lớn. Những ưu đãi về thuế quan có thể thúc đẩy đưa hàng nông sản của Việt Nam đến với nhiều thị trường hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang đánh giá: Cơ hội lớn nhất khi Việt Nam tham gia các FTA như CPTPP, EVFTA là cam kết về thuế có thể giúp mở rộng thị trường. Tham gia các FTA cũng giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài trong và ngoài khối vào nông nghiệp, đặc biệt vào công nghệ chế biến; nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam nhờ tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới của DN.

Vượt rào cản phi thuế quan

Cơ hội rộng mở đặt ra cho ngành nông nghiệp trước các FTA là điều đã được nói tới nhiều, song toàn ngành có tận dụng được cơ hội, thúc đẩy XK hay không lại là câu chuyện khác.

Nói như bà Trang thì, hàng hóa XNK muốn được hưởng ưu đãi về thuế, phi thuế hay hạn ngạch như theo cam kết thì cần phải đáp ứng được yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ. Những cam kết về nguồn gốc xuất xứ, hàng rào phi thuế quan có thể là rào cản nếu hàng hóa của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu.

TS. Trần Công Thắng-Phó Viện trưởng Ipsard phân tích thêm: Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã được thực thi. Tuy vậy, theo các chuyên gia, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA trước đây qua các năm còn thấp. Điển hình như năm 2018, tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong XK của các DN Việt Nam chỉ đạt 34% trong ASEAN và FTA ASEAN - Úc/New Zealand (AANZFTA); 29% trong FTA ASEAN – Trung Quốc (ACFTA); 67% trong FTA Việt Nam – Chi Lê (VCFTA).

“Trong thương mại, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam còn nhiều hạn chế như XK thô, phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc, cạnh tranh bằng giá thấp, chất lượng và hàm lượng chế biến thấp. Nhiều lô hàng XK bị trả lại hoặc tăng tần suất kiểm tra, bị áp thuế chống bán phá và thuế chống trợ cấp. Rõ ràng, khó đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ… là những thách thức không nhỏ khi Việt Nam gia nhập các FTA. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt là về chính sách và thể chế ”, TS. Trần Công Thắng nói.

Xung quanh vấn đề thách thức trong hội nhập kinh tế sâu rộng của ngành nông nghiệp, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: “Chúng ta phải cạnh tranh với những thị trường có thế mạnh về công nghệ, có những sản phẩm chất lượng cao. Rõ ràng, trong cuộc chơi này phải chấp nhận cạnh tranh như một phần tất yếu. Đối mặt không ít thách thức và rủi ro, không nỗ lực thì nông nghiệp Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội và mất ngay thị trường sân nhà”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Chính phủ, các bộ, ngành chức năng luôn quan tâm đến vấn đề giúp DN vượt qua rào cản phi thuế quan để định hướng cho DN, người dân chủ động thích ứng. “Việc nỗ lực vượt qua các rào cản trên tinh thần minh bạch, đồng bộ, phải tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng, phải coi thị trường 100 triệu dân trong nước như thị trường XK để cung cấp hàng hóa đạt chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn. Bởi nếu hàng của chúng ta đạt chuẩn, bán ở đâu cũng được. Bên cạnh đó, hiện nay Chính phủ cũng đang nỗ lực thực hiện Chính phủ kiến tạo, hành động. Các bộ, ngành, trong đó có Bộ NN&PTNT, đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cung cấp thông tin để người dân, DN nắm bắt thông tin, chủ động hội nhập”.

Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang: Mong muốn ngành chức năng có cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại

Bên cạnh những cơ hội vàng để mở rộng thị trường XK nông sản, giảm dần sơ chế và XK thô, thúc đẩy công nghiệp chế biến, nông nghiệp Bắc Giang vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do công nghiệp chế biến còn manh mún, nếu không muốn nói là sơ khai. Bên cạnh đó, năng lực quản trị của DN và hợp tác xã còn yếu, trong khi đó, thị trường tiêu thụ nông sản luôn luôn biến động.

Chúng tôi mong ngành chức năng có cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ DN chủ động xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định và cam kết quốc tế. Với riêng Bộ Công Thương, Bắc Giang đề nghị Bộ hỗ trợ các địa phương trong việc biên soạn tài liệu về FTA và Hiệp định CPTPP theo hướng đơn giản, dễ hiểu làm cẩm nang giới thiệu đến người dân, DN tại các địa phương thông qua nhiều hình thức nhằm tạo điều kiện để các DN tiếp cận thông tin về các hiệp định một cách nhanh và hiệu quả nhất.

Thanh Nguyễn