|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nông nghiệp BAF dùng khoản đầu tư gần 140 tỷ để đảm bảo cho hai lô trái phiếu 900 tỷ đồng

14:33 | 22/02/2023
Chia sẻ
Trong 900 tỷ đồng trái phiếu mà BAF dự kiến phát hành cho IFC có 300 tỷ đồng là trái phiếu trơn và 600 tỷ đồng là trái phiếu chuyển đổi. BAF dùng toàn bộ vốn góp tại hai công ty con để đảm bảo nghĩa vụ thế chấp.

Ngày 20/2, HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF) đã ra nghị quyết cho phép Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tham gia đặt mua trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu trơn của công ty.

Theo đó, số trái phiếu BAF phát hành cho IFC có tổng giá trị 900 tỷ đồng, gồm 300 tỷ đồng trái phiếu trơn (trái phiếu không tài sản đảm bảo) và 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.

BAF sẽ dùng toàn bộ cổ phần phổ thông đang sở hữu tại CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh (Hải Đăng Tây Ninh) và vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Trang Trại Xanh 2 (Trang Trại Xanh 2) làm tài sản đảm bảo nghĩa vụ thế chấp của trái phiếu.

Tính tới ngày 31/12/2022, BAF đang sở hữu 98% vốn góp tại Trang Trại Xanh 2 và 99,4% cổ phần tại Hải Đăng Tây Ninh. Tổng giá trị đầu tư của BAF vào hai doanh nghiệp này là gần 139 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giá trị trái phiếu dự kiến phát hành.

Giá gốc phần vốn đầu tư của BAF vào hai doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với giá trị trái phiếu phát hành cho IFC. (Nguồn: Báo cáo tài chính tổng hợp của BAF). 

Cùng ngày, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng có thông báo chấp thuận phương án chào bán 600 tỷ trái phiếu riêng lẻ của công ty. Đồng thời, đồng ý tạm chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của BAF ở mức 39,13% theo đề nghị của doanh nghiệp, để đảm bảo việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu đáp ứng quy định.

Trước đó, tháng 8/2022, BAF đã huy động được 300 tỷ đồng từ một đợt chào bán trái phiếu ra công chúng. Đến tháng 11/2022, doanh nghiệp tái khởi động kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ trị giá 600 tỷ đồng.

Với kế hoạch này, BAF dự định phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC). Thời gian phát hành dự kiến trong quý IV/2022 hoặc quý I/2023. 

Trái phiếu có mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 7 năm với lãi suất cố định 5,25%/năm. Trong trường hợp mua lại trước hạn hoặc không chuyển đổi, nhà đầu tư sẽ được nhận thêm khoản lãi suất 5,25%/năm cho mỗi kỳ tính lãi, đồng thời lãi suất bổ sung được tính lãi kép ở mức 10,5%/năm.

Tỷ lệ chuyển đổi được tính bằng cách lấy mệnh giá trái phiếu chia cho giá chuyển đổi tại thời điểm thực hiện. Giá chuyển đổi sẽ tính đến các yếu tố tỷ giá VND/USD, tiền thu được từ phát hành cổ phiếu và chi trả cổ tức tính từ thời điểm phát hành trái phiếu đến thời điểm chuyển đổi.

Kỳ thanh toán lãi mỗi 6 tháng và khoản gốc sẽ được thanh toán vào ngày đáo hạn hoặc ngày mua lại trước hạn. BAF dự kiến dùng 600 tỷ đồng huy động được để tăng vốn điều lệ cho 5 công ty con nhằm đầu tư các dự án chăn nuôi heo, thời gian thực hiện từ quý IV/2022 đến quý III/2023. 

Kế hoạch sử dụng vốn từ phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ của BAF. (Nguồn: BAF). 

Về tình hình kinh doanh, quý IV/2022, BAF có doanh thu 2.158 tỷ đồng tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Song, giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp giảm 55%, xuống còn hơn 62 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 2,9%, giảm 7,5 điểm % so với cùng kỳ.

Trong kỳ, công ty ghi nhận chi phí lãi vay tăng vọt lên 24 tỷ đồng so với gần 2 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Chi phí bán hàng cũng tăng gấp gần 3 lần cùng kỳ lên 22,3 tỷ đồng.

Quý IV/2022, nhờ khoản lãi thanh lý, chuyển nhượng tài sản cố định nên doanh nghiệp có lãi ròng gần 7 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ.

Luỹ kế năm 2022, BAF ghi nhận doanh thu 7.047 tỷ đồng và lãi ròng 292 tỷ đồng, lần lượt, giảm 33% và 9% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp có chi phí lãi vay gấp gần 4 lần năm trước, ở mức 32 tỷ đồng do gia tăng tỷ lệ vay nợ trong năm.

Năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu 5.950 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 402 tỷ đồng. Như vậy, với lợi nhuận sau thuế 293 tỷ đồng, công ty đã vượt 18% mục tiêu doanh thu nhưng chỉ thực hiện được 73% chỉ tiêu lợi nhuận. 

Về tình hình tài chính tại cuối năm 2022, BAF có tổng tài sản 4.908 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Chỉ tiêu chiếm tỷ trọng chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn với 1.683 tỷ đồng, giảm 41% so với đầu năm và chiếm 34% tổng tài sản. Công ty không còn khoản đầu tư ngắn hạn vào chứng khoán, tổng tiền và tiền gửi ngắn hạn ở mức 151 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho doanh nghiệp ghi nhận 875 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm và chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, không có hàng hoá tồn kho.

Tại cuối năm 2022, công ty có 3.160 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 21% so với đầu năm. Dư nợ vay tài chính tăng lên mức 956 tỷ đồng, gấp 6 lần so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ vay trái phiếu là 288 tỷ đồng.

Trong năm, BAF đã thu từ đi vay 917 tỷ đồng và trả 124 tỷ đồng nợ gốc vay.

Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp tại cuối quý IV/2022 ghi nhận 1.748 tỷ đồng, gồm 304 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) là 1,8 lần.

Đăng Nguyên