|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Giá heo hơi duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, lợi nhuận nhiều ông lớn ngành chăn nuôi giảm sút

07:43 | 13/02/2023
Chia sẻ
Qua giai đoạn đỉnh cao của giá heo hơi, lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng dần đi xuống và cách xa so với kế hoạch kinh doanh.

Đã xuất hiện doanh nghiệp thua lỗ trong quý IV/2022

Chỉ trong vòng hai năm, thị trường heo hơi của Việt Nam đã chứng kiến nhiều cú trồi sụt lớn trong lịch sử. Sau khi lập đỉnh 100.000 đồng/kg vào giai đoạn tháng 5 - 6/2021, giá heo hơi liên tục giữ mặt bằng hơn 70.000 đồng/kg trong vòng 12 tháng liên tiếp. Giai đoạn này đã được coi như thời "vượng" của các ông lớn chăn nuôi.

(Số liệu tổng hợp, Biểu đồ: Phạm Mơ) 

Mới đây, Dabaco đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với doanh thu thuần 2.930 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021. Biên lãi gộp thu hẹp từ 12% xuống 5%, công ty ghi nhận lỗ sau thuế 79 tỷ đồng trong khi quý IV/2021 lãi gần 112 tỷ đồng.

Trong văn bản giải trình, Dabaco cho biết quý IV/2022, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá heo hơi giảm trong thời gian dài và nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng yếu khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm mạnh.

Tính chung năm 2022, tổng doanh thu của Dabaco đạt 12.269 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế ở mức150 tỷ đồng, giảm 82%. Với kết quả này, Dabaco mới hoàn thành được 54% chỉ tiêu doanh thu, 16% kế hoạch lợi nhuận năm. 

 (Phạm Mơ tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp) 

Tương tự như Dabaco, một ông lớn trong ngành chăn nuôi cũng ghi nhận lỗ trong quý IV/2022 là CTCP Masan MEATLife (Mã: MML). Công ty này cũng ghi nhận doanh thu thuần quý này đạt 1.553 tỷ đồng, giảm 58% so cùng kỳ năm 2021. Masan MEATLife lỗ sau thuế khoảng 170 tỷ đồng, trong khi quý IV/2021 lãi 883 tỷ.

Kết quả kinh doanh của Masan MEATLife giảm do công ty không còn doanh thu từ mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, chỉ tập trung vào mảng thịt mát. Masan MEATLife cho biết trên cơ sở so sánh tương đương, doanh thu của doanh nghiệp này vẫn tăng lần lượt 34,3% trong quý IV/2022 và 6,7% trong năm 2022 nhờ sản lượng thịt mát bán ra tăng.

Doanh số bán hàng cao nhờ vào chiến lược thu hẹp khoảng cách về giá giữa thịt mát MEATDeli và thịt tại chợ truyền thống từ mức 40% vào đầu năm 2022 xuống chỉ còn 20% từ tháng 5/2022. Nhờ đó, sản lượng thịt mát bán ra trong nửa cuối năm 2022 tăng 30% so với nửa đầu năm, biên lợi nhuận gộp mảng thịt heo có thương hiệu tăng từ âm 5,1% trong quý III/2022 lên 7,8% trong quý IV/2022.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Masan MEATLife đạt 4.785 tỷ đồng, giảm 75% so với năm 2021. Công ty lỗ sau thuế 234 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 1.254 tỷ. Với kết quả này, Masan MEATLife đã hoàn thành 96% mục tiêu doanh thu và không đạt được kế hoạch lợi nhuận.

 (Phạm Mơ tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp) 

Ra mắt sản phẩm “heo ăn chay” đúng thời điểm giá heo ở mức thấp, kết quả kinh doanh của CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) cũng không mấy khả quan.

Theo đó doanh thu thuần của doanh nghiệp này trong quý IV/2022 đạt 2.158 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn, chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp cùng tăng mạnh khiến công ty ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh khoảng 6 tỷ đồng.

Tuy nhiên nhờ khoản thu 42 tỷ đồng từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, BaF thoát lỗ trong quý này. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2022 khoảng 6,7 tỷ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong văn bản giải trình, công ty cho biết quý IV/2022, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn liên quan đến dịch bệnh và ảnh hưởng đứt gãy nguồn chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào từ diễn biến vĩ mô khó lường.

Giá bán heo trung bình trong quý này giảm so với năm trước, đồng thời giá thành nguyên vật liệu leo thang và các trại mới đi vào hoạt động nên chưa kịp đều đàn. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty.

Luỹ kế cả năm 2022, BaF ghi nhận doanh thu thuần 7.047 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 293 tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và 9% so với năm 2021. Với kết quả này, BaF đã vượt 18% mục tiêu doanh thu, song lợi nhuận sau thuế mới đạt 73% kế hoạch.

(Phạm Mơ tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp) 

Trong các doanh nghiệp chăn nuôi, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) là một trong số ít doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng dương.

Cụ thể trong quý IV/2022, HAGL ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.610 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó mảng heo đạt 676 tỷ đồng, tăng 488% và đóng góp 42% trong tổng doanh thu. Biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi 16%, trong khi biên lợi nhuận mảng trái cây là 53%.

Các chi phí tài chính cao nhưng nhờ khoản chi phí quản lý doanh nghiệp âm 265 tỷ quý IV do hoàn nhập dự phòng đã giúp HAGL không những thoát lỗ, mà còn lãi sau thuế 288 tỷ đồng, tăng 195% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung năm 2022, doanh thu thuần của HAGL đạt 5.081 tỷ đồng, tăng 142% so với 2021. Khoản hoàn nhập dự phòng 1.561 tỷ đồng tiếp tục giúp lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này gấp 9,2 lần năm 2021 với 1.181 tỷ đồng. Với kết quả này, HAGL đã vượt 5% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2022.

Giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt là điểm tựa cho doanh nghiệp trong năm 2023

Thông thường, Tết Nguyên đán là thời điểm kinh doanh sôi động nhất của các doanh nghiệp chăn nuôi, giá heo hơi cũng nhích lên khoảng 10-15%. Tuy nhiên điểm bất thường trong dịp Tết năm nay là nhu cầu tiêu thụ khá yếu, nguồn cung dồi dào khiến giá heo đi ngang, thậm chí giảm nhẹ.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Chưa năm nào, thị trường heo hơi dịp Tết Nguyên đán lại kém sôi động như năm nay. Sức tiêu thụ yếu, một số doanh nghiệp ghi nhận tình trạng ứ đọng một phần nhỏ đàn heo quá cân. So với mọi năm, giá heo hơi thời điểm này được xem là bất thường vì lịch sử hầu như không có hiện tượng ứ đọng, giá thấp như thế”.

Kết thúc kỳ nghỉ Tết 2023, giá heo hơi ba miền vẫn tiếp tục đi ngang so với cuối năm 2022, ở mức 51.000 – 53.000 đồng/kg. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng trong quý I/2023, mức tiêu thụ thịt nhiều khả năng không cao theo thông lệ hàng năm, do vậy giá heo dự báo vẫn ở mức thấp.

Còn theo quan điểm bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), với tổng đàn khoảng 28,6 triệu con trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, nguồn cung heo hơi khó có thể thiếu hụt trong năm 2023, giá heo hơi cũng sẽ không tăng đột biến, dao động 60.000 đồng/kg, nhích lên 10% so với mặt bằng năm 2022.

Tuy nhiên, điểm sáng trong các báo cáo của công ty chứng khoán là giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng hạ nhiệt. Đây được coi là điểm tựa giúp cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi.

Cụ thể trong báo cáo triển vọng ngành nông nghiệp, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng giá hàng hóa có khả năng giảm trong 2023 do lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực đã lắng xuống, các nước tăng nguồn cung, ngũ cốc của Ukraine cũng được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này. Bên cạnh đó, giá phân bón hạ nhiệt, góp phần thúc đẩy sản lượng thu hoạch nhờ tăng năng suất cây trồng.

Theo quan điểm của VNDirect, giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần vào năm 2023. 

Trong năm 2023, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm khi thu nhập thực tế tăng nhờ kế hoạch tăng lương cơ bản của chính phủ và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 84% trong quý II và 100% trong quý IV, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống.

Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đầu vào giảm và giá bán heo hơi tăng nhẹ, VNDirect nhận định biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ cải thiện trong năm 2023.

Phạm Mơ