Nóng hổi 'cuộc chơi' chứng quyền – Covered warrant
Bên ngoài hành lang của cuộc hội thảo do Công ty Chứng khoán SSI tổ chức, rôm rả những câu chuyện của các nhà đầu tư (NĐT), các nhà môi giới đang bàn tán về chủ đề nóng hổi lúc này. trong khi một số nhà đầu tư còn khá mơ hồ, một số thì khác đang suy tính cho những kế hoạch của mình: Làm sao để dành được phần thưởng lớn trong 'game' chơi mới mang tên covered warrant (CW)?
Sức nóng của đòn bẩy
Theo giới thiệu của Chứng khoán SSI, CW dự kiến chính thức được triển khai ngày 28/6 tới đây. Bước đầu, các công ty chứng khoán chỉ triển khai CW trên một vài mã cổ phiếu trong 26 mã đủ điều kiện. Chẳng hạn Chứng khoán SSI cũng dự kiến sẽ chỉ phát hành CW cho 4 mã cổ phiếu MWG, FPT, HPG và MBB, CTCK BSC cũng dự kiến phát hành CW cổ phiếu MWG. Các kỳ hạn phổ biến ở mức 3 tháng, dài hơn là 6 tháng.
CW sau khi được phát hành sẽ niêm yết trên sàn HOSE và giao dịch như một cổ phiếu cơ sở. Nói dễ hiểu hơn thì CW gần giống như một cổ phiếu giá rẻ trên thị trường cơ sở. Điểm khác biệt lớn nhất là biên độ giao động giá rất lớn, trên 50%/ngày so với 7% như hiện nay. Cùng với tính đòn bẩy cao đã lôi luốn giới đầu tư vốn thích mạo hiểm như Việt Nam.
CW thực sự đã tạo sự phấn khích cho các nhà đầu tư chờ đợi trong bối cảnh thị trường cơ sở đang trong giai đoạn lình xình do những lo ngại xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như cơ hội kiếm lời hạn chế khi tăng trưởng lợi nhuận của các DN trên sàn đã chững lại.
Hội thảo CW do SSI tổ chức thu hút nhiều nhà đầu tư tham dự (Ảnh: SSI)
Với tính chất đòn bẩy, khả năng sinh lời cao, dễ dàng mua bán, biết rõ mức lỗ tối đa và không chịu rủi ro Call margin, sản phẩm này rất thích hợp với những nhà đầu tư lướt sóng.
Cho đến khi cuộc hội thảo kết thúc, anh N.A.Kiệt, một NĐT hơn chục năm kinh nghiệm trên thị trường cũng thì thầm với người viết: "Rõ ràng, đây là một cuộc chơi mạo hiểm, nhưng chúng ta có thể sẽ có cơ hội thắng lớn nếu dự báo đúng".
Chỉ điểm chiến thuật kiếm lời
"Thực tế trên thế giới, phần lớn các NĐT thực hiện giao dịch chứng quyền trước ngày đáo hạn", ông Nguyễn Anh Sơn, Phòng cấu trúc sản phẩm CTCK BSC cho biết tại buổi giới thiệu sản phẩm CW ngày 5/6. Do vậy, các nhà đầu tư sẽ luôn cân nhắc chọn thời điểm và mức giá CW phù hợp với chiến lược đầu tư tổng thể của mình.
Vậy các nhà đầu tư nên mua chứng quyền vào lúc nào? Một số có thể đăng ký mua ngay tại thời điểm IPO chứng quyền. Song, nhà đầu tư cũng có thể mạo hiểm bắt đáy bằng cách mua CW (hạn chế lỗ) khi giá cổ phiếu cơ sở giảm, đến khi thị trường hồi phục sẽ có lợi nhuận lớn. Ngoài ra, có thể đón đầu kết quả kinh doanh tăng trưởng hoặc doanh nghiệp sắp sửa có các tin tức hỗ trợ như M&A,…
Ông Sơn chia sẻ, cách thức lựa chọn chứng quyền trước hết phải tìm hiểu về doanh nghiệp, xem các báo cáo tài chính, công ty có tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận theo quý, năm không? Doanh nghiệp có những thông tin tích cực hay không? Bước tiếp theo là xác định thời gian mua, mức giá mua CW, và giá thực hiện dựa vào phân tích và kỳ vọng lợi nhuận của mỗi NĐT.
Nhà đầu tư có thể sử dụng bảng tính BlackSchole tại HOSE để tính giá chứng quyền (Ảnh cắt trên Website HOSE)
Dựa vào các nghiên cứu của mình, ông Nguyễn Duy Linh, Giám đốc Môi giới Khách hàng Cá nhân Chứng khoán SSI đã chia sẻ về chiến lược đầu tư quyền mua CW đến các NĐT như: đầu tư thay thế/ hiện thực lợi nhuận (Cash extraction); đa dạng hoá danh mục (Diversifing) hoặc đầu tư chênh lệch giá CW.
Với chiến lược đầu tư thay thế, ông Linh cho biết, giả sử NĐT muốn hiện thực hoá lợi nhuận với danh mục hiện tại và dùng lợi nhuận kiếm được cho một mục đích khác. Họ có thể bán danh mục hiện tại để thực hện hoá lợi nhuận, huy nhiên, họ cũng không muốn mất đi cơ hội tăng tiếp cổ phần.
Chẳng hạn NĐT đang nắm giữ 10.000 cp HPG trị giá 330 triệu (mua 25, giá thị trường 33, đang lời 80 triệu). NĐT muốn dành tiền cho mục đích khác những vẫn kỳ vọng cổ phiếu HPG sẽ tăng sẽ lập tức thực hiện hoá lợi nhuận bằng cách bán ra 10.000 cổ phiếu HPG với giá 33.000 đồng/cp và mua 10.000 CW HPG kỳ hạn 6 tháng giá thực hiện 34.000 đồng, chi phí bỏ ra là 30 triệu đồng (giá chứng quyền là 3.000 đồng/cp). Khi đó, nhà đầu tư đã hiện thực hoá 80 triệu lợi nhuận, có thể dùng 300 triệu còn lại cho mục đích khác.
Một ví dụ về quyền mua CW do SSI phát hành
"Được ăn cả ngã về không"
Mặc dù hấp dẫn với các NĐT lướt sóng, thế nhưng đến nay vẫn có những quan điểm cho rằng, CW vẫn là sản phẩm chỉ thông dụng ở một số nước Châu Á bởi đây là cuộc chơi được ăn cả ngả về không. NĐT sẽ rất dễ cuốn vào cuộc chơi với vị thế "sát ván" hơn là theo cách nghĩ thông thường – giới hạn lỗ trên một khối lượng cổ phiếu tương đương trên thị trường sơ cấp.
Một trong những yếu tố khiến NĐT quan ngại nhiều nhất là khi chứng quyền đáo hạn ở trạng thái có lãi, công ty chứng khoán phải thanh toán cho nhà đầu tư. Cuộc chơi này nói theo cách nào đó cũng vẫn có sự mâu thuẫn lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư. Cũng vì vậy, NĐT có mặt ở các cuộc hội thảo về CW cũng bày tỏ sự thất thế của mình khi mua quyền chọn.
"Cửa thắng" của họ là bao nhiêu khi các nhà phát hành nắm quá nhiều lợi thế về kho hàng và các chiến thuật tạo lập trên thị trường, thậm chí họ cũng có thể tiếp cận thông tin doanh nghiệp dễ dàng hơn?
"Ngay cả chỉ số VN30 còn có biểu hiện bị thao túng đến ngày đáo hạn HĐTL, vậy thì với các cổ phiếu đơn lẻ có dễ bị thao túng hơn không", một nhà đầu tư đặt vấn đề.
Nói về các lo ngại liệu có việc tự doanh CTCK "tác động" đến giá cổ phiếu cơ sở để có lợi cho việc phát hành chứng quyền, đại diện BSC cho rằng với khối lượng giao dịch mỗi phiên của các cổ phiếu cơ sở phát hành chứng quyền rất lớn nên rất khó để một CTCK có thể thao túng giá. Ngoài ra, để tránh hiện tượng đẩy giá vào ngày đáo hạn, HOSE cũng đã quy định mức giá cổ phiếu cơ sở sẽ được xác định là bình quân của 5 phiên liền trước ngày đáo hạn.
Còn theo ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc giao dịch phái sinh CTCK SSI cho biết, nhà đầu tư cần nắm rõ thông tin trước khi quyết định mua chứng quyền. Bên cạnh các tiêu chí về uy tính và khả năng tài chính của tổ chức phát hành, NĐT cũng nên chọn lựa những tổ chức có lượng khách hàng cá nhân càng lớn thì thì thanh khoản của CW khi niêm yết càng cao, và do đó chênh lệch giữa giá mua và giá bán càng thấp, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư.
"Nhìn một cách bao quát, CW là do CTCK phát hành ra để bán, thu tiền phí giao dịch CW và hưởng lợi phần nào đó khi CW không có lợi. Tuy nhiên, nếu muốn bán được thì phải bán sản phẩm tốt cho các NĐT, chứ nếu họ cứ tung sản phẩm ra để "thịt" NĐT thì lần sau ai dám chơi nữa.
Nên ở góc độ đó, mình không nghĩ CTCK thiết kế sản phẩm này để "thịt" NĐT. Dù gì đi nữa, đây cũng là một sân chơi mới hứa hẹn sẽ hấp dẫn bởi những đặc tính của nó. Mỗi NĐT sẽ phải xác định rõ vị thế của mình, có quyền mua hay không mua. Quan trọng là mình đoán đúng sẽ có lời lớn, nếu sai thì chấp nhận thua", nhà đầu tư N.A.Kiệt nêu quan điểm.