|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông dân thu hẹp quy mô chăn nuôi bò, giá sữa phục hồi mạnh mẽ

15:05 | 18/08/2016
Chia sẻ
Để tiết kiệm chi phí sản xuất trong thời kỳ giá sữa toàn cầu lao dốc và giảm lượng sữa tồn kho, nông dân bắt đầu thu hẹp quy mô chăn nuôi bò, dẫn tới những lo ngại về nguồn cung sau này.

Chốt phiên đấu giá ngày 17/8, Giá sữa thương mại toàn cầu (GDT), cho biết mức giá trung bình của 9 sản phẩm có nguồn gốc từ Sữa của New Zealand, đạt 2.731 USD/tấn, tăng 12,7% so với phiên ngày 2/8. Đây là mức giá cao nhất kể từ ngày 20/10/2015.

Trong đó, giá sữa bột nguyên kem tăng 18,9% lên 2.695 USD/tấn, trong khi sữa bột tách kem tăng 3% lên 2.028 USD/tấn và bơ tăng 14,1% lên 3.274 USD/tấn.

Trong phiên đấu giá 2 tuần trước đó, chỉ số giá GDT cũng đã tăng 6,6%.

“Hai phiên tăng mạnh của giá sữa trong tháng 8 là sự ứng nghiệm cho dự báo trước đó của chúng tôi, rằng tình trạng nguồn cung sữa toàn cầu bị thắt chặt sẽ đẩy giá sữa phục hồi trong năm 2016. Chúng tôi tin rằng, giá sữa sẽ còn tăng mạnh về cuối năm khi nguồn cung giảm dần”, chuyên gia kinh tế Nathan Penny tại ngân hàng ASB (New Zealand).

Giá sữa phục hồi chủ yếu do lo ngại nguồn cung thiếu hụt về cuối năm. Hiện tại, sản lượng sữa của một số nước xuất khẩu chính đang giảm mạnh do nông dân buộc phải giết bò để tăng doanh thu và giảm chi phí sản xuất, bù lại những khoản lỗ họ phải chịu trong thời kỳ giá sữa lao dốc. Thậm chí, khẩu phần thức ăn bổ sung cho bò cũng bị cắt giảm để giảm bớt chi phí.

New Zealand – quốc gia xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới - cho biết, sản lượng sữa đã giảm 1,6% kể từ đầu năm nay cho tới cuối tháng 5. Tương tự, sản lượng sữa của Australia giảm 2% tính đến cuối tháng 6.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng hạ dự báo sản lượng sữa năm 2016 của nước này do số lượng bò trên cả nước giảm.Trong khi đó, sản lượng sữa của châu Âu dù tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn đầu năm, Ủy ban châu Âu cho biết.

Sau khi tăng gần 3 lần trong giai đoạn năm 2009 - 2014, giá sữa toàn cầu bắt đầu lao dốc và giảm mất một nửa vào đầu năm nay do nông dân đẩy mạnh sản xuất sữa để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến ở Trung Quốc và Trung Đông. Tuy nhiên, việc Nga ban lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ, Australia, Canada và Europe hồi tháng 8/2014 đã gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung.

Kim Dung