|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông dân Quảng Ngãi cũng đánh bạc với dưa hấu

15:35 | 15/05/2018
Chia sẻ
Cũng giống người trồng dưa hấu tỉnh Quảng Nam, hàng trăm hộ trồng dưa ở Quảng Ngãi đang “dở khóc, dở cười”, vì dưa hấu rớt giá, chỉ từ 1.000 – 1.300 đồng/kg…
nong dan quang ngai cung danh bac voi dua hau Nông dân xứ Quảng luẩn quẩn với bài toán 'giải cứu' dưa hấu
nong dan quang ngai cung danh bac voi dua hau Chung tay hỗ trợ tiêu thụ bí đỏ, dưa hấu tại Tp. Hồ Chí Minh

Hiện trên các cánh đồng dưa hấu các xã Bình Thanh Tây, Bình Thạnh, Bình Chương của huyện Bình Sơn, mặc dù đang mùa thu hoạch, nhưng không khí khá yên ắng và nỗi lo hiện rõ trên nét mặt người trồng dưa.

nong dan quang ngai cung danh bac voi dua hau

Hiện giá dưa bán tại ruộng là 1.000 - 1.300 đồng/kg

Theo những hộ nông dân, đầu vụ giá dưa hấu Hắc mỹ nhân 7.000 -8.000 đồng/kg, nhưng giờ cuối vụ giá xuống còn có 1.000 - 1.300 đồng/kg. Thường thì khi giá thấp, tư thương chỉ chọn những quả dưa đẹp, trái to nên bị loại gần 1/3 sản lượng.

Theo anh Phạm Quý, một hộ trồng dưa xã Bình Thanh Tây, với giá thu mua như hiện nay thì tiền bán dưa không đủ bù tiền mua giống, phân bón. Trong khi trồng dưa khá vất. Để có được quả dưa đạt chất lượng thì ngoài thời tiết, nông dân phải ăn ngủ gần 3 tháng ngoài ruộng.

Công lao động nhiều, chi phí đầu tư cũng lớn, chính vì vậy giá dưa 3.000 đồng/kg trở lên thì người trồng dưa mới hòa. Còn với giá dưa hiện tại, trung bình một sào dưa, lỗ gần chục triệu đồng, chưa tính công chăm sóc mấy tháng trời. Đó là đối với những hộ có đất, còn những hộ đi thuê đất thì 1 sào lỗ thêm chừng 1,2 triệu đồng.

Biết thị trường năm nào cũng bấp bênh, nhưng giá từ 5.000 -8.000/kg thì cây dưa hấu hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với lúa, rau, đậu... Vì vậy, người nông dân lại vẫn tiếp tục trồng dưa với hy vọng được giá sẽ "gỡ gạc” lại.

Bà Huỳnh Thị Nguyệt ở thôn An Quang, xã Bình Thanh Tây, than vãn: Từ năm này qua năm nọ, dưa đến kỳ thu hoạch thì thương lái mới tìm tới xem hàng và ngã giá. Chính điều này khiến chúng tôi rất bị động vì nếu lỡ thương lái quay lưng thì chẳng khác nào ngồi trên đống lửa. Để rồi cậy nhờ khắp nơi giải cứu dưa như nhiều năm qua.

Theo Phòng NN- PTNT huyện Bình Sơn, huyện cũng chỉ đạo nông dân nên trồng đậu, mè, bắp, không khuyến khích trồng dưa hấu. Tuy nhiên, người dân vẫn cứ trồng theo tâm lý may, rủi.

Tại Quảng Ngãi, dưa hấu đang chín chưa tiêu thụ được lên tới vài ngàn tấn. Huyện Bình Sơn có diện tích dưa lớn nhất tỉnh. Năm 2018, huyện này trồng 430 ha dưa Hắc mỹ nhân. Tính đến thời điểm này, toàn huyện còn 670 tấn dưa đang còn tồn đọng.

Ngoài Bình Sơn, thì các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, TP Quảng Ngãi vẫn còn hàng nghìn tấn dưa ứ đọng ngoài đồng. Hàng trăm điểm tập kết dưa đang chờ thương lái tới mua. Trong khi đó, các thương lái nói Trung Quốc không nhập dưa nữa, nên hạ giá dưa mua tại ruộng chỉ còn 1.000- 1.300 đồng/kg.

Năm nào cũng vậy, cứ đến giữa và cuối mùa thu hoạch dưa hấu, Quảng Ngãi lại nổi lên phong trào “giải cứu dưa hấu”. Đoàn thanh niên, công đoàn, cơ quan, trường học… ra sức kêu gọi mua dưa để giúp đỡ nông dân.

nong dan quang ngai cung danh bac voi dua hau

Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn cho biết, chính quyền cũng đã nhiều lần khuyến cáo nông dân nên trồng dưa và thu hoạch trước ngày 30/4. Vì sau thời gian này, thị trường Trung Quốc sẽ đóng cửa, gây khó khăn trong việc tiêu thụ. Tuy nhiên, người dân vẫn bỏ ngoài tai.

Đến thời điểm này đã có trên 1.000 tấn dưa hấu còn tồn ở Bình Sơn đã được tiêu thụ. “Hiện chúng tôi tiếp tục liên hệ với các tổ chức hỗ trợ tiêu thụ dưa còn tồn đọng trong dân. Giải cứu dưa không phải là giải pháp lâu dài, nhưng không thể đứng nhìn nông sản tồn đọng không tiêu thụ được”, bà Thư nói.

Cần bố trí lệch vụ với vụ dưa hấu bên Trung Quốc

Về mùa vụ, mùa dưa hấu tại Trung Quốc kéo dài từ cuối tháng 4 đến tháng 8, 9, lệch không nhiều so với mùa vụ thu hoạch dưa hấu của Việt Nam. Vì vậy, khi dưa hấu bên đó thu rộ thì ở Việt Nam cũng vào chính vụ, nên hạn chế nhập dưa của ta. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi lưu ý nông dân, nếu trồng dưa hấu xuất sang Trung Quốc thì nên trồng sao cho thu hoạch từ tháng 2- 4, lúc đó nhu cầu dưa hấu phía bạn rất lớn.

Còn ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: Qua khảo sát trồng và tiêu thụ dưa hấu tại Quảng Ngãi vẫn còn khó khăn, do quy mô sản xuất nhỏ, phân tán nên việc thu mua diễn ra tự phát, theo phong trào. Đôi khi xuất phát từ tín hiệu thu mua của các thương lái nước ngoài do sự thiếu hụt đột biến nguồn cung tạm thời, dẫn đến các hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất tràn lan, cung vượt cầu, tạo áp lực tiêu thụ dưa hấu vào 1 thời điểm.

Còn nhớ ngày 17/4, tại Quảng Ngãi, Bộ Công thương phối hợp UBND tỉnh tổ chức Hội nghị “Kết nối tiêu thụ dưa hấu và một số nông sản có thế mạnh tại Quảng Ngãi”. Hội nghị là diễn đàn để các DN, người sản xuất chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong trồng, tiêu thụ dưa hấu và một số nông sản; hỗ trợ bà con mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, ngay sau hội thảo thì tình cảnh dưa hấu ế thừa vẫn diễn ra, như một điệp khúc "muôn năm cũ"!

Hải Yến - PV

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.