|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nông dân phải chuyên nghiệp mới có nguồn cầu về tích tụ và tập trung đất đai

08:00 | 25/10/2019
Chia sẻ
Khi ruộng đất trở thành tài sản bảo hiểm của xã hội hoặc tài sản tiết kiệm sẽ khó hình thành thị trường đất nông nghiệp.

Tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa Thu 2019 với chủ đề “Chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập Quốc tế”, PGS.TS. Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT II tại TP HCM cho rằng, khi Việt Nam chưa có thế hệ nông dân chuyên nghiệp sẽ không thể có nguồn cầu về tích tụ, tập trung đất đai, từ đó khó tạo nên những trang trại gia đình quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. 

Chính vì vậy, việc cấp thiết là phải đào tạo ra một thế hệ nông dân mới, không thể để như thế hệ nông dân như hiện nay.

Hơn nữa, công nghiệp, dịch vụ hiện nay phải biến nông dân thành thị dân bền vững, để họ sẵn sàng bán hoặc cho thuê ruộng đất. Thực tế hiện nay, các khu công nghiệp đang từng ngày mọc lên tại nhiều địa phương, nhưng người lao động chỉ có thể làm việc trong các khu này đến 35 – 40 tuổi là sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài sa thải. 

Khi đó, những người lao động này lại nghĩ đến việc quay về làm ruộng đất, vì thế khi ruộng đất không còn là tư liệu sản xuất mà lại trở thành tài sản bảo hiểm của xã hội cũng như tài sản tiết kiệm. Đất đai để dành sẽ khó hình thành thị trường đất nông nghiệp.

Nông dân phải chuyên nghiệp mới có nguồn cầu về tích tụ và tập trung đất đai - Ảnh 1.

PGS.TS. Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT II tại TP HCM

Theo PGS.TS. Vũ Trọng Khải, trong khi khung pháp lý về đất đai chưa sửa được vì vướng Hiến pháp sử dụng đất đai của toàn dân, thì ít nhất Điều 62 trong Luật Đất đai phải bỏ đi bởi quy định các cấp chính quyền có quyền thu hồi đất của người dân và đền bù theo khung giá của nhà nước 5 năm định giá/lần tại mỗi tỉnh, thành.

“Đây chính là nguyên nhân sâu xa của những hiện tượng tiêu cực về đất đai hiện nay. Quyền sử dụng đất đai trong Luật ghi rất rõ có quyền cho thuê, quyền thừa kế, góp vốn bằng đất nhưng chỉ cần Điều 62 với quy định Nhà nước có quyền thu hồi đất vô hình đã phủ nhận tất cả các quyền khác đã được quy định trong Luật”, PGS.TS. Vũ Trọng Khải cho biết.

Hạn điền có cần thiết hay không?

Chỉ ra thực trạng việc sử dụng đất nông nghiệp hiện nay, trang trại gia đình vẫn là lực lượng sản xuất hàng hóa chủ yếu, chỉ sử dụng sức lao động gia đình, PGS.TS. Vũ Trọng Khải cho rằng mô hình này không thể gia tăng vô tội vạ quy mô đất đai vì thế quy định hạn điền hay không hạn điền đều không có ý nghĩa.

Mặt khác, trong khi một số tư tưởng cho rằng, để nông dân tích tụ ruộng đất, làm ăn lớn sẽ đối diện với nguy cơ bần cùng hóa, nhưng những dự án công nghiệp hay đô thị, chỉ cần chủ đầu tư lập dự án trình chính quyền có thẩm quyền quyết định là có cơ hội sử dụng đất. 

“Tại sao khi thu hồi đất lại không sợ nông dân mất đất, không sợ người dân mất kế sinh nhai, không sợ nông dân bần cùng hóa? Đây là mâu thuẫn cần được hóa giải trong thời gian sớm nhất”, PGS.TS. Vũ Trọng Khải nhận định.

Đối với đất nông nghiệp có quy định thời hạn sử dụng, PGS.TS. Vũ Trọng Khải cho rằng, quy định này cũng không cần thiết, bởi đơn cử như quy định nhà nước cho nông dân thuê đất 50 năm, sau 50 năm nếu chia lại ruộng đất rất dễ xảy ra xáo trộn. 

“Trong điều kiện hiện nay, Nhà nước chỉ thu hồi đất khi người sử dụng vi phạm Luật Đất đai, người sử dụng đất không bảo vệ môi trường hoặc sử dụng đất trái mục đích, nếu đặt vấn đề thời hạn sử dụng đất sẽ là không có ý nghĩa”, PGS.TS. Vũ Trọng Khải chỉ rõ.

Nông dân phải chuyên nghiệp mới có nguồn cầu về tích tụ và tập trung đất đai - Ảnh 2.

Đất đai để dành sẽ khó hình thành thị trường đất nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Thực tế khi chưa thay đổi căn bản Luật Đất đai, PGS.TS. Vũ Trọng Khải mong muốn Nhà nước giải quyết ngay 3 việc: Một là, phải đào tạo ra một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để họ có nguồn cầu về tích tụ và tập trung đất đai. 

Hai là, biến nông dân thành thị dân bền vững, làm sao số nông dân chỉ chiếm 10% dân số khi đó sẽ có nguồn cung về đất đai. Ba là, khung pháp lý của đất đai phải theo thị trường, không coi đất đai là phương tiện giải quyết những vấn đề an sinh xã hội mà nên coi đất đai là hàng hóa.

“Quyền sử dụng đất đai cũng là hàng hóa được trao đổi theo nguyên tắc thuận mua vừa bán, khi đó mới giải quyết được bài toán nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu có để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng”, PGS.TS. Vũ Trọng Khải đề xuất.

Chuyển đổi cây trồng không nhất thiết phải xin phép

Nhìn vào một số bất cập trong việc đổi cây trồng canh tác trên đất lúa hiện nay, PGS.TS. Vũ Trọng Khải cho rằng, nếu nhìn vào hiệu quả của việc sản xuất lúa trên 1ha diện tích thì không cao như những cây trồng khác, nhưng nếu 1 hộ nông dân có từ 10 – 15ha lúa thì lợi nhuận tính theo đồng vốn lại rất cao.

Trong khi sản xuất lúa ở Việt Nam vẫn theo truyền thống “cha truyền con nối” nên người nông dân đã coi đó như phong tục, là việc làm quen thuộc nên rất khó thực hiện việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang những cây trồng khác. Do đó, người nông dân cần phải được đào tạo lại, có hướng dẫn và có những doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho sản phẩm của người dân.

Một điều bất cập khác theo PGS.TS. Vũ Trọng Khải cần phải đề cập, đó là quy định muốn chuyển đổi 10ha đất lúa sang trồng cây trồng khác phải xin phép chính quyền cấp tỉnh. 

Trong khi theo quy định nhà nước quản lý mục đích sử dụng đất, không quản lý việc ai sử dụng đất nên đây là những quy định có sự mâu thuẫn cần phải được tương thích lẫn nhau. 

“Trong cùng một diện tích đất đai phải được phép chuyển đổi lẫn nhau, chuyển đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp đương nhiên phải xin phép, nhưng đất nông nghiệp chuyển từ cây trồng này sang cây trồng khác thì không cần thiết”, PGS.TS. Vũ Trọng Khải đề nghị.

Đề cập đến vấn đề an ninh lương thực, PGS.TS. Vũ Trọng Khải nhìn nhận, Việt Nam hiện nay vẫn tập trung quan tâm đến an ninh lương thực, nhưng không nghĩ đến an ninh dinh dưỡng và an ninh thực phẩm trong khi con người ngày càng ăn lương thực ít đi và ăn thức ăn dinh dưỡng nhiều hơn để đảm bảo nhu cầu

Và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực cũng cần phải nhìn vào đặc điểm của cây lúa hiện nay tại Việt Nam, chỉ cần 100 ngày là đã có 1 vụ lúa trong khi trải khắp từ Bắc – Nam là những mùa vụ khác nhau, cho nên nếu có vấn đề gì chỉ cần dự trữ 3 tháng mà không cần dự trữ trong thời gian quá dài như hiện nay.

Nguyễn Quỳnh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.