|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nới room, cửa sẽ mở cho những ai thực sự muốn?

07:47 | 15/10/2016
Chia sẻ
DMC, CII đều là những doanh nghiệp gặp vướng mắc trong lĩnh vực hoạt động nhưng được mở room sau khi có điều chỉnh giấy phép kinh doanh.

DMC, CII đều là những doanh nghiệp gặp vướng mắc trong lĩnh vực hoạt động nhưng được mở room sau khi có điều chỉnh giấy phép kinh doanh.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) và các Sở GDCK.

Để thu hút thì đường vào phải thông thoáng, tức rào cản giới hạn room ngoại cần được dỡ bỏ và đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường. Tính đến nay đã có nhiều Nghị định, Thông tư được ra đời để phục vụ cho việc tăng room ngoại. Như Nghị định số 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/09/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP; Thông tư số 123/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài; danh mục điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được cập nhật trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài và mới đây nhất là bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh được công bố để lấy ý kiến. Tất cả đều thể hiện sự rốt ráo của nhà cầm quyền trong việc nới room ngoại cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Như vậy, tính đến hiện tại để thông suốt hoàn toàn việc mở room ngoại vẫn còn phải đang chờ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi mà Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đang trong tình trạng dự thảo lấy ý kiến.

Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều trường hợp lĩnh vực kinh doanh có vướng mắc nhưng sau điều chỉnh và cam kết thì đã được mở room ngoại. Ví dụ như trường hợp của Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (HOSE: DMC) hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, một lĩnh vực những tưởng sẽ khó lòng mở room nhưng lại vừa nhận được quyết định của UBCK cho phép nâng room lên 100%. Để trở thành đơn vị tiên phong trong ngành dược niêm yết nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100%, DMC đã thực hiện điều chỉnh ngành nghề kinh doanh rõ nghĩa hơn về nguồn gốc sản phẩm phân phối.

Cụ thể, sau trường hợp của CTCP Hóa – Dược Phẩm Mekophar (MKP), các cấp Bộ thống nhất quan điểm rằng doanh nghiệp chỉ phân phối dược phẩm do mình sản xuất thì dù có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng không trái cam kết tại WTO và Thông tư 34. Theo đó, DMC đã điều chỉnh giấy phép đăng ký kinh doanh - đối với mặt hàng thuốc Công ty chỉ bán buôn các sản phẩm tự sản xuất, đồng thời rút bớt ngành nghề kinh doanh bất động sản thay bằng kho bãi và lưu giữ hàng hóa.

Hay Vinamilk (HOSE: VNM) dù kinh doanh chính trong ngành hàng tiêu dùng nhưng cũng có đăng ký kinh doanh cả lĩnh vực bất động sản - ngành nghề được xem là thuộc diện giới hạn room. Tuy nhiên, đơn vị dễ dàng được mở room ngoại 100% bởi lĩnh vực kinh doanh bất động sản của VNM là đã được điều chỉnh thành quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê, thuộc một trong những hình thức kinh doanh bất động sản mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh. Đây cũng là một điểm đáng lưu ý cho những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi tính đường mở room ngoại, được quy định tại Khoản 3, Điều 11, Luật kinh doanh BĐS có hiệu lực từ giữa năm 2015.

Theo khoản 3, Điều 11 luật kinh doanh BĐS có hiệu lực từ giữa năm 2015 quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh bất động sản dưới các hình thức gồm:

Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại

Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Đối với đất được Nhà nước giao thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Đối với đất thuê trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để kinh doanh theo đúng mục đích sử dụng đất.

Cách đây khoảng hai tháng, tại buổi họp mặt nhà đầu tư của một doanh nghiệp niêm yết, ông Nguyễn Sơn - Nguyên Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường (UBCK) cũng cho biết, có những trường hợp doanh nghiệp tự tìm hiểu và cho rằng lĩnh vực kinh doanh của mình thuộc diện không được nới room nhưng thật ra chưa đúng, còn những điều khoản chi tiết có thể doanh nghiệp đã bỏ qua. Ví dụ như lĩnh vực kinh doanh bất động sản chưa được quy định rõ room trong Nghị định 118 hướng dẫn Luật đầu tư nên bị áp room 49% nhưng theo tra cứu của UBCK đối với Luật kinh doanh BĐS mới có hiệu lực giữa năm 2015 thì vẫn có những quy định riêng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu doanh nghiệp tuân thủ các quy định Khoản 3, Điều 11, Luật kinh doanh BĐS có hiệu lực từ giữa năm 2015 được phép tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì vẫn được mở room.

Một trường hợp đặc biệt khác, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) mới đây cho biết đã gửi hồ sơ đến UBCK để đăng ký tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 70% ngay sau bỏ các chức năng kinh doanh bất động sản và khai thác - xử lý - cung cấp nước làm ảnh hưởng tới khả năng mở room, dự kiến ngày 20/10 tới đây sẽ chính thức được tăng room ngoại. Cũng phải lưu ý, bỏ ngành nghề không có nghĩa là CII thoái lui khỏi bất động sản mà đơn vị này chuyển giao toàn bộ quyền và nghĩa vụ tại dự án BT Thủ Thiêm sang Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm (Công ty con 100% vốn CII), cũng như chuyển giao hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước cho Công ty con – CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (HOSE: SII).

Những trường hợp mở room trên cho thấy con đường tăng room ngoại hoàn toàn vẫn mở cho những doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh chưa xác định được tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Mỹ Hà