|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nỗi lo thiếu nguồn cung và giá khí tăng mạnh tại PV Power

09:32 | 29/05/2019
Chia sẻ
Điển hình, PV Power phải bổ sung 1 tỉ mét khối khí mỗi năm từ cuối năm 2019 tại dự án nhiệt điện Cà Mau 1 và 2 thông qua nhập khẩu từ đối tác Petronas của Malaysia. Cơ chế giá của thỏa thuận này là 90% MFO + phí vận chuyển, cao hơn so với mức giá cũ (46% MFO + phí vận chuyển).

Các quỹ đầu tư quan tâm về nguồn khí của PV Power

Ngày 17/5/2019 vừa qua, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power – Mã: POW) đã có buổi gặp mặt các Quỹ đầu tư theo chương trình Oil & Gas & Energy Tour 2019 tại Hà Nội do CTCP Chứng khoán SSI tổ chức.

Về phía đại điện PV Power, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Phó Tổng Giám đốc PV Power đã làm việc với hơn 10 chuyên gia phân tích là đại diện các đơn vị Quỹ đầu tư trong và ngoài nước như MB Capital, Vietcombank Fund, VinaCapital, Fenghe Asia Fund…

Nỗi lo thiếu nguồn cung và giá khí tăng mạnh tại PV Power - Ảnh 1.

Các quỹ đầu tư quan tâm đến nguồn cung khí của PV Power trong buổi gặp mặt mới đây. Nguồn: POW

Tại buổi làm việc, PV Power cung cấp đến các nhà đầu tư kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2019. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty đạt 8.436 tỉ đồng, tương đương cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, khoản lãi từ chênh lệch tỉ giá gấp 5 lần cùng kì và chi phí lãi vay giảm nhẹ 5,6% khiến LNST công ty tăng trưởng 17,4%, đạt 916 tỉ đồng.

Cũng trong phiên thảo luận với các quỹ đầu tư, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Phó Tổng Giám đốc PV Power đã trả lời những câu hỏi sâu về tình hình hoạt động. Đáng chú ý là vấn đề nguồn cung khí trong giai đoạn sắp tới, ngoài ra còn các vấn đề như thu xếp vốn cho các dự án đang triển khai cũng như những giải pháp và xu hướng phát triển các dự án của PV Power…

Diễn biến gần đây, ngày 14/5, tổ chức cung cấp chỉ số chứng khoán quốc tế MSCI đã quyết định thêm hai cổ phiếu vào rổ MSCI Frontier Markets bao gồm một cổ phiếu Việt Nam là POW và một cổ phiếu đến từ Tunisia.

Nỗi lo thiếu khí, áp lực lớn từ giá khí tăng

Liên quan đến nguồn khí hoạt động của PV Power, theo báo cáo phân tích được công bố mới đây của CTCP Chứng khoán VnDirect, các nhà máy điện Nhơn Trạch 1 và 2 không hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2018 do sự suy giảm nguồn khí và sự cố đường ống tại các mỏ khí ở bể Nam Côn Sơn. Cũng theo đánh giá của VnDirect, năm 2019 sẽ là một năm đầy thách thức với PV Power vì trữ lượng khí đang có chiều hướng suy giảm.

Nỗi lo thiếu nguồn cung và giá khí tăng mạnh tại PV Power - Ảnh 2.

Nguồn: VNDirect

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nguồn cung khí của PV Power có thể được bổ sung từ hai dự án mới là Phong Lan Đại và Sao Vàng – Đại Nguyệt. Cụ thể, mỏ khí Phong Lan Dại cung cấp 0,7 tỉ m3 khí mỗi năm đi vào hoạt động từ giữa tháng 2/2019 dự kiến bù đắp sự sụt giảm nguồn cung khí từ các mỏ cũ, đảm bảo nguồn cung khí trong năm nay. Theo kế hoạch của PV Gas, dự kiến tháng 1/2021, mỏ khí Sao Vàng Đại Nguyệt với công suất 1,6 tỉ m3 khí mỗi năm sẽ đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, các mỏ khí khác đang được phát triển để đảm bảo cung cấp đủ khí cho khu vực miền Nam như dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2 (2022F) và Lô B-Ô Môn (2023F).  

Được biết, dự án Cà Mau 1 và 2 sử dụng khí từ lô PM3-CAA tại khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo PV Power, nhu cầu sẽ vượt nguồn cung vào tháng 9/2019. Do đó, nguồn thiếu hụt được công ty bổ sung 1 tỉ m3 khí mỗi năm từ cuối năm 2019 thông qua nhập khẩu từ đối tác Petronas của Malaysia. 

Giá MFO là giá dầu FO trung bình tháng tại thị trường Singapore theo Tạp chí Platt's.

Cơ chế giá của thỏa thuận này là 90% MFO + phí vận chuyển, cao hơn so với mức giá cũ (46% MFO + phí vận chuyển). PV Power chia sẻ, giá khí cao hơn sẽ được chuyển hoàn toàn sang EVN đối với sản lượng trong hợp đồng.

Trước đây, có hai loại cơ chế xác định giá khí cho các nhà máy nhiệt điện khí ở Việt Nam, gồm. Thứ nhất là cơ chế trong bao tiêu (ToP), trong đó giá bán cố định được điều chỉnh hàng năm (tăng 2% mỗi năm). Thứ hai là cơ chế trên bao tiêu (AToP) trong đó giá bán phụ thuộc vào giá dầu (46% MFO + phí vận chuyển). 

Từ tháng 3/2019, Bộ Công Thương đã bỏ cơ chế giá trong bao tiêu và thay thế bằng cơ chế giá thị trường cho tất cả các nhà máy điện để chuẩn bị cho lộ trình nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng và phát triển các mỏ khí mới (như Lô B và Cá Voi Xanh) trong tương lai gần.

Nỗi lo thiếu nguồn cung và giá khí tăng mạnh tại PV Power - Ảnh 4.

Chính thức niêm yết trên HOSE từ ngày 14/1/2019, cổ phiếu POW đã có chuỗi giảm giá kéo dài gần ba tháng và có sự hồi phục nhẹ trong hai tuần gần đây. Đóng cửa phiên sáng ngày 27/5, cổ phiếu giao dịch tại vùng 15.800 đồng/cp. Nguồn: VNDirect


Hoàng Linh