|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nội dung chính của hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản sáng nay

07:47 | 17/02/2023
Chia sẻ
Tại hội nghị, Thống đốc NHNN sẽ cho ý kiến về đề xuất triển khai thực hiện gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn,...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến về bất động sản sáng nay. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Sáng nay (17/2), Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Thành phần tham dự hội nghị gồm có đại diện các bộ, ngành, địa phương; doanh nghiệp địa ốc; ngân hàng thương mại; đại diện hiệp hội và các chuyên gia.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ có báo cáo chung về tình hình thị trường bất động sản, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án, từ đó đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.

Hội nghị cũng sẽ lắng nghe đại diện Tập đoàn Vingroup, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), CTCP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group), CTCP Hưng Thịnh Land, CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC Bình Dương) báo cáo về tình hình triển khai các dự án bất động sản của doanh nghiệp, các vướng mắc cụ thể của dự án và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Về phía ngân hàng, đại diện Techcombank và Vietcombank sẽ báo cáo tình hình cho vay đối với doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực bất động sản; các khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP HCM, TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng cùng với Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Bình Dương sẽ báo cáo tình hình triển khai các dự án bất động sản trên địa bàn; rà soát, tổng hợp các dự án có vướng mắc và đánh giá nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Về phía các diễn giả, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV sẽ trình bày tham luận liên quan đến vấn đề nguồn vốn lĩnh vực bất động sản và giải pháp khơi thông dòng vốn nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ có đánh giá về tác động của chính sách pháp luật đối với thị trường bất động sản, đề xuất giải pháp để thị trường phát bất động sản phát triển.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có đánh giá chung về tình thị trường trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và đề xuất giải pháp.

Về phía các bộ, ngành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tiếp cận vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, Thống đốc sẽ cho ý kiến về đề xuất triển khai thực hiện gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản; ảnh hưởng của thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán đến thị trường bất động sản, các khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo về các khó khăn vướng mắc liên quan đến pháp luật về đất đai đặc biệt là các vướng mắc trong việc giao đất, tính tiền sử dụng đất ảnh hưởng đến triển khai các dự án bất động sản và đề xuất giải pháp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về các khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, pháp luật về đầu tư và pháp luật về đấu thầu.

Bộ Tư pháp sẽ cho ý kiến về giải pháp hoàn thiện thể chế và nội dụng đề xuất Nghị quyết Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển Nhà ở xã hội.

Động thái của Chính phủ

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn khó khăn và khắc nhiệt. Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, số doanh nghiệp bất động sản giải thể trong năm 2022 gần 1.200 doanh nghiệp tăng gần 39% so với năm 2021.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO; phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư; phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương 30 - 50%, không lo được lương tháng 13; nhiều người người dân có nhu cầu nhưng cũng khó tạo lập được nhà ở,...

Trong bối cảnh trên, có nhiều động thái trong thời gian vừa qua cho thấy Chính phủ đã vào cuộc.

Cụ thể, sáng 8/11/2022, Chính Phủ và Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cuộc họp có sự tham gia của 19 Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phía Nam và tại đầu cầu Hà Nội có sự tham dự của khoảng 15 đại diện các doanh nghiệp.

Sau cuộc họp này, ngày 17/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Quyết định này được đánh giá làm tăng niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường địa ốc.

Thủ tướng Chính phủ sau đó đã ký liên tiếp ba Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách. Đó là, Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Cuối tháng 1/2023, Thủ tướng ký Chỉ thị số 03 yêu cầu NHNN rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân,…

Tiếp đó, tại phiên họp thường kỳ ngày 2/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan như trái phiếu doanh nghiệp,...

Hà Lê

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.