|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nội địa cạnh tranh khốc liệt, Nhựa và môi trường xanh An Phát bứt phá bằng cách nào?

19:30 | 30/07/2018
Chia sẻ
Việc liên tục đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất được kỳ vọng tạo đà tăng trưởng cho AAA trong cuộc đua khốc liệt của ngành nhựa. Năm 2017 công ty đã hoạt động nhà máy số 6 và số 7 phục vụ cho thị trường Nhật Bản, Mỹ.

Kỳ vọng từ nhà máy số 6,7

Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN), quy mô ngành nhựa Việt Nam ước tính đạt 12,6 tỷ USD vào năm 2016 với hơn 2.000 doanh nghiệp. Trong đó bao bì nhựa là phân khúc lớn nhất chiếm 38% tổng quy mô thị trường. Năm 2016, mảng này đạt 4,7 tỷ USD chiếm 38% thị trường ngành và 64% thị trường bao bì với CARG đạt 10%.

Tổng sản lượng sản xuất nhựa năm 2017 đạt 6,7 triệu tấn, tăng 1,06% so với năm 2016. Mức sử dụng nhựa bình quân đầu người tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây, ước tính từ 42 - 46kg/người giai đoạn 2018 - 2020.

noi dia canh tranh khoc liet nhua va moi truong xanh an phat but pha bang cach nao
Nguồn: KISVN (Click vào ảnh để xem chi tiết)

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng trung bình doanh thu của CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát (Mã: AAA) từ 2013-2017 đạt trên 35%, đứng đầu so với các doanh nghiệp nội địa như Nhựa Rạng Đông (RDP), Bao bì nhựa Tân Tiến (TTP), Tổng công bì bao bì LIKSIN, Bao bì nhựa Sài Gòn (SPP), Nhựa bao bì Vinh (VBC) và Nhựa Tân Đại Hưng (TPC).

Doanh thu 2017 của AAA xấp xỉ với TGI và cao hơn 28% so với THB. Báo cáo cho rằng, nhà máy 6 và 7 sẽ đi vào hoạt động ổn định giúp công suất và doanh thu công ty vượt các đối thủ cùng quy mô trong khu vực.

Quy mô tài sản của AAA hiện là một trong những nhà sản xuất bao bì nhựa lớn nhất Đông Nam Á và đứng đầu so với các doanh nghiệp bao bì nhựa nội địa với tổng tài sản đạt 4.576 tỷ đồng trong năm 2017.

noi dia canh tranh khoc liet nhua va moi truong xanh an phat but pha bang cach nao
Nguồn: KISVN

Tổng tài sản của AAA tăng đột biến 134% từ 2015-2017 do AAA liên tục đầu tư xây dựng nhà máy mới để tăng công suất và mở rộng sản xuất. Trong 2016 và 2017 AAA đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy số 6 và số 7 cũng như dây chuyên sản xuất CaCO3.

2018 với việc đầu tư Giai đoạn 1 của nhà máy số 8 (AnBio) và thành lập các dây chuyền sản xuất mới tại An Cường, An Vinh và Đại An sẽ giúp quy mô tài sản của AAA ước tính tăng thêm khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

2020, An Cường có thể đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu

AAA đã thành lập Công ty An Cường với tổng vốn đầu tư 106 tỷ hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng công nghệ cao với sản phẩm là tấm nhựa ép trang trí. Nhu cầu tiêu thụ nội địa sản phẩm khá lớn với mức tăng trưởng hàng năm ước đạt 18,8%.

Dự án An Cường bao gồm 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 với công suất 37.000m2/năm; giai đoạn 2 khoảng 54.000 m2/năm; giai đoạn 3 với 70.000 m2/năm. Doanh thu dự kiến đóng góp từ mảng này của AAA vào năm 2020 có thể đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

noi dia canh tranh khoc liet nhua va moi truong xanh an phat but pha bang cach nao
Nguồn: KISVN (Click vào ảnh để xem chi tiết)

Bên cạnh đó, dự án bao bì công nghiệp chất lượng cao An Vinh với các sản phẩm bao dệt PP, bao Jumbo, bao Sling với công suất 2.000 tấn/tháng được AAA đầu tư giai đoạn 1 trong năm 2018 là 335 tỷ đồng. Biên lãi gộp của các sản phẩm này có thể đạt từ 25%-30%. AAA hiện đã lắp đặt dây chuyền máy móc và đang trong quá trình vận hành thử.

Trong năm 2018 công suất sản xuất ước tính đạt 200 tấn/tháng và dự kiến đạt 2.000 tấn/tháng vào năm 2022.

Ngoài ra, Đại An là dự án chiến lược của AAA nhằm mục tiêu đa dạng sản phẩm nhựa với vốn đầu tư trong năm 2018 là 130 tỷ đồng giai đoạn 1 và 418 tỷ giai đoạn 2 trong năm 2020.

Doanh thu từ mảng linh kiện nhựa ép phun dự kiến có thể đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm khi hoạt động hết công suất.

Nội địa khốc liệt, đẩy mạnh xuất khẩu châu Âu

Với hơn 2.000 doanh nghiệp nội địa trong nghành bao bì nhựa thì AAA phải cạnh tranh khá gay gắt để giành thị phần. Các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... đã thâu tóm các đơn vị sản xuất bao bì nhựa đầu ngành như Công ty Cổ phần bao bì Tín Thành (Batico), Bao Bì Minh Việt, Bao bì nhựa Tân Tiến, Bao bì Sài Gòn (Trapaco), Bao bì United và Bao Bì Goldsun.

Năm 2017 thị phần tiêu thụ nội địa của AAA tăng lên gần 30% tổng sản lượng tiêu thụ với giá trị đạt 1.115 nghìn tỷ đồng trong khi các nhà máy sản xuất bao bì nhựa trong nước chỉ đáp ứng được 76% nhu cầu tiêu thụ. Hiện AAA đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng để xây dựng Nhà máy số 8 (Giai đoạn 1) nhằm sản xuất bao bì màng phức hợp.

Giai đoạn 2 của Nhà máy số 8 theo kế hoạch sẽ sản xuất hạt nhựa tự hủy theo hình thức chuyển giao công nghệ để phục vụ cho sản phẩm bao bì tự hủy của AAA. Công ty đang đàm phán với các đối tác về phương án liên doanh và chuyển giao công nghệ.

Thị trường châu Âu tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của AAA (chiếm 60% sản lượng xuất khẩu) do các sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện không chịu mức thuế chống phá giá trong khi nhựa nhập khẩu từ một số nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia phải chịu mức thuế từ 8%-30%.

Nhà máy số 7 công suất 8.400 tấn/năm với sản phẩm chính là túi dây rút với mục tiêu giúp AAA mở rộng thị trường tại Mỹ. Ưu thế của AAA với thị trường Mỹ đó là sản phẩm túi dây rút hiện chưa phải chịu mức thuế chống bán phá giá giống như các loại túi nhựa PE khác. Nhà máy hoạt động từ năm 2017 và dự kiến đạt tối đa công suất giai đoạn 2020 - 2021.

Rủi ro nợ vay và áp lực giá nguyên liệu

So với các doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa trong khu vực và nội địa thì AAA là doanh nghiệp sử dụng nợ vay trên cơ cấu nguồn vốn lớn nhất. Do tồn kho và nợ phải thu khách hàng tăng đột biến nên dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của AAA liên tục bị âm các năm 2015 và 2017. KISVN kỳ vọng với việc nhà máy 6 và 7 hoạt động 70% công suất thì dòng tiền trong 2018 có thể có dương trở lại.

noi dia canh tranh khoc liet nhua va moi truong xanh an phat but pha bang cach nao
Nguồn: KISVN (Click vào ảnh để xem chi tiết)

Nợ vay của AAA tăng mạnh từ 610 tỷ đồng năm 2015 lên đến 2.378 tỷ đồng trong năm 2017. Gia tăng nợ vay lớn dẫn đến áp lực trả nợ lãi vay cao làm giảm khả năng cạnh tranh. Đặc biệt khi giá nguyên liệu biến động trong năm 2018 và có thể thay đổi mạnh hơn vào những năm tới. Việc giảm giá thành để cạnh tranh các đối thủ trong khu vực như TGI và THB sẽ là bài toán khó đối với AAA.

Tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản của AAA đến cuối 2017 là 52%, tỷ lệ đòn bẩy tài chỉnh D/E xấp xỉ 1,5 và hệ số thanh toán hiện hành chỉ ở mức 1,07 tuy vẫn ở mức trung bình so với ngành nhưng AAA vẫn còn đối mặt với rủi ro tài chính cao.

AAA hiện có 7 nhà máy sản xuất bao bì nhựa trong đó 4 nhà máy cũ (Nhà máy 1, Nhà máy 2, Nhà máy 3, Nhà máy An Phát – Yên Bái và Nhà máy 5) và 2 nhà máy mới được đầu tư và đưa vào hoạt động trong năm 2017 là Nhà máy 6 và Nhà máy 7 nâng tổng công suất lên 96,000 tấn/năm.

So với các công ty cùng ngành, An Phát chỉ đứng sau TPBI (Thái Lan) trong khu vực Đông Nam Á về công suất hoạt động và là nhà xuất khẩu nhựa màng mỏng lớn nhất của Việt Nam.

Nhật Huyền