Nợ vay đè TKV
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa công bố báo cáo tài chính (công ty mẹ) 9 tháng đầu năm 2016 với doanh thu tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2015.
Khai thác than chiếm hơn 85% doanh thu của TKV (Ảnh: internet)
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, TKV đạt doanh thu thuần 44.379 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Doanh thu đến từ than của TKV trong 9 tháng đầu năm chiếm 85,5% trong cơ cấu doanh thu, đạt 38 nghìn tỷ đồng. Trong đó, năm 2015, doanh thu xuất khẩu đạt khoảng 2.298 tỷ đồng, chiếm 6,1% doanh thu bán than thì năm 2016, TKV chỉ thu về 834 tỷ đồng, giảm 63,7% so với cùng kỳ.
Dựa theo báo cáo về cơ cấu doanh thu của TKV, có thể ước tính mức giá bán than ở mức bình quân trong 9 tháng năm 2016 đã giảm khoảng 6,5% so với cùng kỳ năm 2015, khoảng 1.365.600 đồng/tấn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến lãi gộp giảm hơn 12%, chỉ đạt 4,417 tỷ đồng so với mức 5.046 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Nhờ tỷ giá đồng USD/VNĐ trong 9 tháng đầu năm nay ổn định hơn so với cùng kỳ năm 2015 giúp TKV giảm gần 580 tỷ đồng chi phí tài chính so với cùng kỳ, xuống mức 2.213 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của TKV chỉ còn vỏn vẹn 43 tỷ đồng sau khi trừ các chi phí là quá nhỏ bé so với con số doanh thu lên đến hơn 44 nghìn tỷ đồng.
Dù vậy, nếu không có khoản doanh thu khác khoảng 210 tỷ đồng thì chắc hẳn TKV đã phải ghi nhận lỗ. Điều rất kỳ lạ là tổng các khoản doanh thu khác của TKV cộng lại cũng chỉ có khoảng 61 tỷ đồng chứ không được con số 210 tỷ đồng mà TKV công bố.
Nguồn: BCTC Quý III/2016
Báo động chất lượng tài sản
Tính đến thời điểm 30/9, tổng tài sản của TKV đạt 98.381 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đâu năm. Tài sản tính bằng tiền của TKV hiện chỉ còn 903 tỷ đồng, quá nhỏ bé so với khoản nợ vay ngắn hạn là 11.200 tỷ đồng, báo hiệu nguy cơ không đủ khả năng thanh toán cho tới ngày đáo hạn. Nợ vay dài hạn của TKV hiện đã ở mức 41.276 tỷ đồng
Trong khi đó, tài sản của TKV chủ yếu nằm ở các tài sản dài hạn, chất lượng tài sản thực đang là một dấu hỏi lớn. Báo cáo tài chính quý III/2016 của Công ty mẹ cho thấy TKV đang đầu tư dở dang 18.675 tỷ đồng. Dẫn đầu danh sách là dự án alumin Nhân Cơ, dự án được chấp thuận xây dựng tại Quyết định số 167/2007 của Thủ tướng với công suất 600.000 tấn một năm, với mục tiêu khai thác chế biến quặng bauxite.
Dự án được khởi công năm 2010, TKV làm chủ đầu tư với nhà thầu xây dựng là Chalieco (Trung Quốc). Đến 30/9/2016, TKV đã rót tổng cộng 14.310 tỷ đồng vào dự án này.
Để thu xếp vốn cho dự án này, TKV đã vay dài hạn ngân hàng City Bank và Sumitomo Mitsui Banking của Nhật Bản với số dư nợ đến thời điểm ngày 30/6 lần lượt là 285 triệu USD và 250 triệu USD. Góp phần đưa tổng nợ vay bằng đồng ngoại tệ hiện tại gần 940 triệu USD.
Hiện tương lai của dự án này chưa biết sẽ về đâu nhưng trước mắt, số nợ này có dấu hiệu phình to khi mà tỷ giá USD/VNĐ đang có xu hướng tăng nhanh trong những tháng cuối năm. Nếu trong 9 tháng TKV ghi nhận mức chi phí tài chính thấp hơn so với năm trước thì trong quý IV/2016, nhiều khả năng TKV sẽ phải ghi nhận hàng trăm tỷ đồng do lỗ tỷ giá.
Ngoài ra, TKV hiện đang đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty con hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ than với số tiền 16.338 tỷ đồng. Trong đó, có khá nhiều khoản đầu tư thua lỗ và trích lập dự phòng. Đặc biệt, khoản đầu tư 6.778 tỷ đồng vào Tổng công ty Điện lực thua lỗ đã buộc TKV phải trích lập dự phòng lên tới 706 tỷ đồng.
Một vấn đề khác của TKV là lượng tồn kho cao. Tính đến 30/09/2016, hàng tồn kho của riêng công ty mẹ TKV tiếp tục tăng hơn 1.000 tỷ so với đầu năm, lên mức 11.215 tỷ đồng. Về vấn đề này, Thủ Tướng Chính Phủ đã có yêu cầu TKV phải báo cáo phương án tái cơ cấu, tiết kiệm chi phí, thực tế lượng than tồn kho của TKV. Bởi hiện nay, TKV đang vào tình cảnh khó khăn nhưng hàng tồn kho cao gây nên khó khăn về dòng tiền hoạt động.
Một dấu hiệu tích cực là giá than thế giới đã có tín hiệu tăng trở lại sau đợt giảm mạnh xuống mức thấp nhất hơn chục năm qua. Giá than trong những tháng cuối năm đã tăng mạnh, có lúc đạt mức gần 120 USD/tấn, hiện đang được giao dịch khoảng 90 USD/tấn vào đầu tháng 12/2016, cao gần gấp đôi so với mức giá bình quân trong 6 tháng đầu năm.
Đây được xem như là cơ hội để TKV tăng biên lợi nhuận để bù đắp vào các khoản trích lập dự phòng và trả các khoản nợ đến hạn, đồng thời giải phóng bớt hàng tồn kho.