|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng phải cưỡng chế để thu hồi'

11:20 | 23/05/2024
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng pháp luật không phân biệt giàu - nghèo nên cá nhân, doanh nghiệp nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng phải xử lý để thu hồi.

Cuối tuần qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV, Cục Hải quan TP HCM đề nghị Cục Quản lý xuất cảnh, Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh một số đại diện doanh nghiệp nợ thuế. Trong đó, chủ tịch một công ty trong lĩnh vực hóa chất bị cấm xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế hơn 997.000 đồng.

Hồi tháng 2, một giám đốc doanh nghiệp khác tại TP HCM cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ 1,1 triệu đồng tiền thuế, chưa gồm các khoản phạt chậm nộp từ hơn năm trước đó.

Xuất cảnh là việc một người qua khỏi biên giới lãnh thổ Việt Nam để ra nước ngoài. Cấm xuất cảnh hoặc tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp hạn chế quyền đi nước ngoài của một người theo văn bản hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

Theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126 năm 2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Nhà chức trách không quy định cụ thể ngưỡng nợ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế này.

Chia sẻ với VnExpress, Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM (TP HCM), cho rằng pháp luật không phân biệt giàu hay nghèo, ít hay nhiều mà tính theo độ chây ỳ. Tức, tùy mức độ, số ngày quá hạn sẽ phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác nhau, thay vì nhìn vào giá trị khoản nợ.

"Cá nhân, doanh nghiệp nợ 1 đồng quá hạn cũng là vi phạm, cần áp dụng quy định pháp luật để xử lý, thu hồi", ông Toản nói.

Luật sư dẫn câu chuyện về một người Mỹ đóng thuế nhà 500 USD nhưng quên khoản lãi tích lũy trong thời gian séc thanh toán được gửi đi là 8,41 USD. Sau 3 năm, khoản nợ nhỏ bị tính thêm tiền lãi, phạt nộp chậm, dẫn đến người này bị kê biên căn nhà trị giá 60.000 USD.

"Nợ hơn 8 USD còn có thể bị kê biên cả tài sản lớn", ông nói, thêm rằng doanh nghiệp nợ thuế gần 1 triệu đồng, con số thoạt nghe nhỏ, nhưng nếu tính khoản nợ quá hạn, lãi suất qua nhiều năm chắc chắn không dừng lại ở con số đó. Chưa kể, nếu số lượng cá nhân, và doanh nghiệp nợ thuế gấp nhiều lần, không chỉ 1-2 người, sẽ là áp lực lớn với cơ quan quản lý, ngân sách.

Giới chuyên môn cùng quan điểm cho rằng câu chuyện chậm nộp không nằm ở giá trị mà ý thức tuân thủ pháp luật và đảm bảo pháp luật được thực thi không có ngoại lệ.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), về nguyên tắc, doanh nghiệp và người đại diện pháp luật phải tự tính toán, kê khai, và chấp hành việc nộp thuế. Ông nói các quyết định tạm hoãn xuất cảnh hay cưỡng chế hải quan liên quan nợ thuế đều nhằm mục đích bảo đảm thượng tôn pháp luật.

Cùng đó, ông Thịnh đánh giá việc quản lý thuế ngày càng hiện đại, tra cứu thông tin, dữ liệu rất đơn giản, thuận tiện nên để nắm được thông tin còn nợ thuế không khó. Do đó, ông cho rằng không nên có sự phân biệt và du di với các trường hợp chây ỳ.

Với người nộp thuế nợ dưới 90 ngày, cán bộ thuế sẽ sử dụng các biện pháp như gọi điện, nhắn tin, gửi email, mời lên làm việc, ban hành thông báo nợ thuế... Còn với khoản nợ trên 90 ngày hoặc thuộc trường hợp phải cưỡng chế, áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin để thu hồi tiền thuế nợ. Để tăng cường thu hồi nợ thuế, Tổng cục Thuế còn yêu cầu Cục thuế các tỉnh tăng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp để tăng hiệu quả thu hồi.

Một cán bộ về quản lý nợ và cưỡng chế thuế cho biết, biện pháp cấm xuất cảnh không phải là công cụ cưỡng chế áp dụng hàng loạt. Đây chỉ là hoạt động bổ trợ sử dụng với một số hồ sơ, đối tượng sau thời gian xem xét.

Người này cho biết, chi cục thuế hoặc chi cục hải quan địa phương có quyền ra quyết định cấm xuất cảnh với một số trường hợp nợ thuế, nợ hải quan. Không có quy định chung hướng dẫn quy trình này, mà việc sử dụng công cụ cấm xuất cảnh tuỳ thuộc vào quy định riêng từng chi cục. Ví dụ, có chi cục trước khi cấm xuất cảnh sẽ gửi thông báo bằng thư mời tới địa chỉ người đại diện.

Trong quá trình làm việc, người này cũng từng phải giải quyết với nhiều người nước ngoài nợ thuế bị cấm xuất cảnh do trước đó không thể liên hệ được với họ.

Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng luật pháp phải trên cơ sở tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, không nên cứng nhắc, gây tổn thất không đáng có. Trong khi, mục đích cuối cùng của các chế tài là làm sao thu được số tiền nợ về cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, biện pháp cưỡng chế tài khoản sẽ phải là ưu tiên hàng đầu.

Mặt khác, họ cũng kiến nghị nhà chức trách cân nhắc có ngưỡng chịu thuế cụ thể áp dụng với mỗi hình thức. "Trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cần thiết xem xét thực hiện đề xuất này", một chuyên gia luật nói.

Đồng tình cấm xuất cảnh chủ doanh nghiệp chậm nộp thuế là phù hợp quy định nhưng chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cũng đặt vấn đề cơ quan nhà nước đã làm hết trách nhiệm, thông báo và thực hiện các biện pháp cưỡng chế trước đó đối với người nộp thuế hay chưa.

"Tôi tin rằng ít doanh nghiệp không có khả năng đóng vài trăm nghìn đồng tiền thuế", ông Được nói, cho rằng nếu việc bị cấm xuất cảnh là lỗi kỹ thuật, do cơ quan thuế tắc trách, chưa đối chiếu, thực hiện các biện pháp đã đưa ngay yêu cầu cấm xuất nhập cảnh là "chưa phù hợp và gây khó khăn cho doanh nghiệp".

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nộp thuế, ông Được cho rằng, cơ quan quản lý nên áp dụng giao dịch điện tử trong trao đổi thông tin và giải quyết các thủ tục hành chính. Theo đó, doanh nghiệp có thể đóng thuế tại chỗ, khi hoàn thành nghĩa vụ, cơ quan thuế gửi lệnh điện tử đến cơ quan xuất nhập cảnh, gỡ lệnh cấm xuất nhập cảnh cho chủ doanh nghiệp nhanh gọn, thuận tiện.

Hiện, đa phần công văn của cơ quan Nhà nước vẫn là hình thức "giấy trắng mực đen", cơ sở hạ tầng, kỹ thuật chưa cho phép. Theo đó, chuyên gia khuyến nghị cá nhân, chủ doanh nghiệp trước khi có nhu cầu xuất cảnh kiểm tra và hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Thực tế, biện pháp cưỡng chế là các công cụ để cơ quan thuế, hải quan thu hồi các khoản nợ tồn đọng về ngân sách Nhà nước. Năm 2023, thu hồi nợ thuế ước đạt 45.959 tỷ đồng. Đến cuối năm ngoái, tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước đạt 163.866 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước đó.

Nguyên nhân nợ thuế tăng do kinh tế chưa khởi sắc, doanh nghiệp khó khăn, tài sản đều đã thế chấp ở ngân hàng nên khi cưỡng chế thì chưa thu hồi được; một số người nộp thuế rời bỏ thị trường làm tăng tiền nợ khó thu.

Phương Dung - Quỳnh Trang