|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' thủy sản: Nói không với đánh bắt trái phép

10:30 | 28/10/2019
Chia sẻ
Trong 2 năm qua, Việt Nam thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp về nâng cao nhận thức, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Đây là cơ sở quan trọng để Ủy ban châu Âu xem xét, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" cho ngành thủy sản nước nhà.

Nhờ các địa phương chú trọng tuyên truyền kết hợp quản lý khai thác chặt chẽ, ngư dân ý thức hơn trong việc tuân thủ quy định đánh bắt

Tỉnh Bình Định là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định (IUU), khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Việc quản lý tàu cá, chống khai thác IUU được tỉnh đặc biệt chú trọng.

Vì lợi ích chính mình

Ngoài việc sở hữu đội tàu cá "khủng" 15 chiếc công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ, ông Bùi Thanh Ninh (SN 1959; ngụ xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) còn là tấm gương điển hình về tuân phủ pháp luật.

Nỗ lực gỡ thẻ vàng thủy sản: Nói không với đánh bắt trái phép - Ảnh 1.

Ngư dân tỉnh Bình Định tuân thủ tốt các quy định về đánh bắt Ảnh: ĐỨC ANH

Theo ông Bùi Thanh Ninh, để chống khai thác IUU, các tàu cá buộc phải nghiêm túc tuân thủ quy định về ghi nhật ký hành trình khai thác thủy sản theo mỗi chuyến biển. Việc làm này trước tiên mang lại lợi ích cho chính ngư dân.

"Nhờ các thuyền trưởng ghi chép chi tiết trong những chuyến biển nên dù ở nhà, tôi vẫn có thể biết chính xác từng chủng loại cá đánh bắt được, sản lượng bao nhiêu, chi tiết hành trình ra sao... 

Qua đó, tôi liên hệ với bên thu mua thủy sản để ngã giá từng loại cá. Thương thảo xong, tôi điều tàu cập về địa phương mà bên mua chấp nhận sản phẩm với giá tốt nhất" - ông Ninh phân tích.

Nỗ lực gỡ thẻ vàng thủy sản: Nói không với đánh bắt trái phép - Ảnh 2.

Thủy sản do ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam Ảnh: TỬ TRỰC

Nếu như trước đây, ngư dân Bình Định ghi chép nhật ký hành trình theo kiểu làm cho có nhằm đối phó với ngành chức năng thì hiện nay, hầu hết thực hiện hết sức nghiêm túc.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định, khẳng định việc ghi chép nhật ký hành trình là cơ sở để ngành chức năng xem xét, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, bảo đảm quyền lợi cho ngư dân.

Hơn nữa, thông qua việc ghi chép, báo cáo sản lượng thủy sản khai thác sẽ giúp ngư dân tính toán được hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến biển, làm căn cứ để tái đầu tư cho chuyến biển sau. Bởi vậy, phần lớn ngư dân địa phương đã thực hiện rất nghiêm túc quy định này.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có đội tàu 6.118 chiếc với 43.000 lao động. Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định và Sở NN-PTNT đã ban hành hàng chục văn bản tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách về chống khai thác IUU cùng các khuyến nghị của EC. 

Bên cạnh đó, địa phương đã tổ chức cho 3.600 chủ tàu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; đồng thời thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho ngư dân về các quy định pháp luật liên quan đến khai thác IUU và Luật Thủy sản.

Ngoài ra, Bình Định cũng đã thành lập văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá và 3 tổ thường trực 24/24 giờ tại các cảng cá: Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan để thanh tra, kiểm tra hoạt động của tàu cá. Qua đó, năm 2018 đã kiểm tra 11.646 lượt tàu xuất bến và 8.047 lượt tàu nhập bến; 8 tháng năm 2019 đã kiểm tra 11.466 lượt tàu xuất bến và 9.333 lượt tàu nhập bến.

Đến thời điểm này, Bình Định đã có 521 tàu cá được lắp đặt máy định vị vệ tinh Movimar và hoàn tất việc lắp đặt thiết bị Movimar cho 70 tàu cá có chiều dài từ

24 m trở lên. Đối với 2.976 chiếc tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m, ngành nông nghiệp tỉnh đã có kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Hạn chế tối đa vi phạm

Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 5.600 tàu cá, trong đó có 3.662 tàu công suất 90 CV trở lên. Trong số này, gần 1.600 tàu đánh bắt xa bờ với khoảng 38.000 lao động trực tiếp trên biển.

Nhờ quyết liệt chống khai thác IUU, từ đầu năm 2018 đến nay, Quảng Ngãi không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác thủy sản. "Trước đây, Quảng Ngãi cũng là một trong những địa phương có nhiều tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Tuy nhiên, từ khi EC áp dụng cảnh báo "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam (ngày 23-10-2017), chúng tôi tổ chức kiểm soát nguồn hải sản cập cảng, không thu mua hải sản có nguồn gốc trái phép ở vùng biển nước ngoài hay loại hải sản cấm khai thác. Tàu cá ngư dân vi phạm sẽ bị xử phạt nặng và bị thu hồi giấy phép hành nghề. 

Nhờ các biện pháp đồng bộ, quyết liệt đã giúp ngư dân thay đổi nhận thức, tình trạng xâm phạm vùng biển các nước đã không còn" - ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định.

Cũng theo ông Toàn, để kiểm soát nguồn thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi lập 2 văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng cá Tịnh Kỳ và cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi).

Hai văn phòng thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình công tác xác nhận và chứng nhận nguyên liệu thủy sản khai thác; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, kiên quyết không cho các tàu cá xuất bến khi chưa có đầy đủ các điều kiện cần thiết...

Ngoài ra, các địa phương cũng không được đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ chính sách phát triển thủy sản đối với chủ tàu cá có tàu vi phạm vùng biển các nước.

Cùng với công tác tuyên truyền, lập trạm kiểm soát thủy sản, Công an tỉnh Quảng Ngãi rà soát, lập danh sách theo dõi, quản lý 53 chủ tàu, thuyền trưởng có dấu hiệu đưa tàu ra nước ngoài khai thác thủy sản trái phép; yêu cầu chủ phương tiện ký cam kết không vi phạm. 

Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương tổ chức 11 lớp tuyên truyền, phổ biến những quy định chống khai thác IUU cho hàng trăm ngư dân trên địa bàn tỉnh.

Ngư dân Võ Bá Nha (38 tuổi; ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết trước đây, nhiều ngư dân Quảng Ngãi thường đi đánh bắt ở những vùng biển xa, thậm chí tận những nước châu Âu.

Những chuyến biển như thế kéo dài hàng tháng, đối mặt rất nhiều rủi ro như vừa chống chọi thời tiết bất lợi vừa đối mặt cướp biển, nguy cơ bị an ninh các nước bắt bớ... "Cũng nhờ có sự hướng dẫn, tuyên truyền của các cấp, ngành chức năng mà chúng tôi ý thức hơn việc tuân thủ pháp luật. Giờ có đi cũng ra Hoàng Sa, Trường Sa rồi về" - ông Nha nói. 

Kỳ tới: Bước chuyển mô hình nghề cá có trách nhiệm

Không giây phút nào lơ là

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết thời gian qua, địa phương không giây phút nào lơ là trong công tác khắc phục "thẻ vàng" IUU. "Cả hệ thống chính trị ở Bình Định đang vào cuộc quyết liệt, chủ yếu phải làm sao để ngư dân, chủ tàu thuyền, thuyền trưởng hiểu thấu được việc khai thác thủy sản trái phép, không rõ nguồn gốc là gây tổn hại đến nền kinh tế, uy tín, danh dự của cả quốc gia" - ông Trần Châu nhấn mạnh.

Để việc thực hiện các nhiệm vụ cấp bách về chống khai thác IUU tiếp tục đạt nhiều kết quả, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương ven biển hướng dẫn tàu thuyền hoạt động nghề giã cào chuyển đổi nghề; kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản ven bờ; quản lý chặt chẽ tất cả tàu cá ra vào cảng theo quy định.

Đối với tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, Bình Định cũng xử lý rất kiên quyết. Cụ thể, địa phương buộc 100% chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước khác; đồng thời phổ biến cho ngư dân hiểu cụ thể những quy định về khai thác thủy sản, như thế nào là trái phép, là xâm phạm vùng biển nước khác và sẽ bị xử lý ra sao. Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao ngành Công an, Bộ đội Biên phòng củng cố hồ sơ xử lý các chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm; đưa chủ tàu, thuyền trưởng ra kiểm điểm trước dân; tước giấy phép hành nghề những tàu thuyền không đủ điều kiện.

Theo ông Trần Châu, nhờ cách làm quyết liệt như vậy nên trong năm 2019, số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm hẳn.

A.Tú

Đức Anh - Tử Trực