Nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng đang rất lớn
Nợ có khả năng mất vốn - số tương đối tới 97%
Trong 9 tháng đầu năm 2016, nợ có khả năng mất vốn của BacABank (ngân hàng TMCP Bắc Á) chiếm tới gần 97% tổng nợ xấu, tương đương 311 tỷ đồng.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chỉ chiếm 0,72% tổng dư nợ cho vay ra là 44.000 tỷ đồng (tăng trưởng 7,3% so với cuối năm 2015) nhưng mức nợ xấu này vẫn tăng nhẹ so với cuối năm 2015.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế của BacABank đạt 387 tỷ đồng, tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ năm trước.
VietABank (ngân hàng TMCP Việt Á) cũng đứng vào Top ngân hàng có tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn rất cao khi trong 9 tháng đầu năm 2016 tỷ lệ này chiếm tới 94% tổng nợ xấu, tương đương 293,9 tỷ đồng.
Trong 9 tháng qua, con số nợ xấu tuyệt đối đã giảm về mức 312,5 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 1,17% tổng dư nợ cho vay ra là 26.500 tỷ đồng (tăng 31%), tuy nhiên, VietABank vẫn phải tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 82%, tương đương 71 tỷ đồng do nợ nhóm 5 rất cao đã ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của ngân hàng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VietABank ghi nhận gần 101 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
VIB (ngân hàng TMCP Quốc tế) có khả năng mất 690 tỷ đồng, chiếm 84% tồng nợ xấu là 823,4 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2016.
Trong 9 tháng đầu năm nay, VIB cũng đẩy vốn cho vay ra tăng gần 12% so với cuối năm 2015 và ở mức 53.374 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,54% tổng dư nợ nhưng VIB cũng phải tăng tới 41% trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và ở mức 531 tỷ đồng, tăng so với mức 376 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015.
Kienlongbank (ngân hàng TMCP Kiên Long) có khả năng mất 187 tỷ đồng, chiếm hơn 1/2 tổng nợ xấu là 254 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2016.
Mặc dù tổng nợ xấu của ngân hàng này chỉ chiếm 1,46% tổng dư nợ nhưng KienLongBank vẫn phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng gần 18% so với cùng kỳ năm 2015 lên mức 77,2 tỷ đồng.
KienLongBank là ngân hàng đầu tiên báo lỗ quý III/2016 với mức lỗ 8,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2015 lãi 27,6 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý III/2016 bết bát khiến lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm của ngân hàng giảm tới 90% so với cùng kỳ năm 2015 và chỉ vỏn vẹn 19,8 tỷ đồng.
Không công bố nợ xấu nhưng LienVietPostBank (ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt) vẫn trình bày chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý III/2016 tăng lên 153,2 tỷ đồng so với quý III/2015 là 112,3 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2016, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này chỉ ở mức 379,8 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 là 403,7 tỷ đồng.
Do đó, lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng này ghi nhận 865 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 2,5 lần cùng kỳ.
Số tuyệt đối “khủng”
Trích lập tăng khiến lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng còn 408 tỷ đồng.
Là ngân hàng đầu đàn như Vietcombank (ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam) cũng có con số nợ có khả năng mất vốn tuyệt đối "khủng" 5.448 tỷ đồng, chiếm tới gần 70% tổng nợ xấu là 7.807 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2015.
Mặc dù, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,73% so với tổng dư nợ cho vay ra 447.000 tỷ đồng (tăng 15,5% so với cuối năm 2015), nhưng nợ nghi ngờ tăng đột biến thêm gần 1.000 tỷ đồng lên 1.758 tỷ đồng.
Nợ nhóm 5 cao, Vietcombank cũng phải trích lập dự phòng rủi ro lên tới 4.513 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2016. Do đó, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2016 đạt 6.326 tỷ đồng.
Cũng có con số nợ xấu lớn không kém Vietcombank, BIDV (ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) cũng đã công bố con số nợ xấu tuyệt đối lên tới 13.217 tỷ đồng, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay là 673.196 tỷ đồng (tăng trưởng 11% so với cuối năm 2015) trong 9 tháng đầu năm 2016.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tiếp tục tăng mạnh thêm 46% lên mức 6.947 tỷ đồng, chiếm 53% tổng nợ xấu. Nợ nghi ngờ mất vốn ở mức 2.203 tỷ đồng, tăng gần 2,5 lần so với cuối năm 2015.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng theo cấp số nhân 1,8 lần và ở mức 6.939 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2015 là 3.835 tỷ đồng. Do đó, lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế của BIDV chỉ đạt 5.623 tỷ đồng.