Nợ chính phủ toàn cầu sẽ chạm mức kỷ lục 71.600 tỷ USD trong năm 2022
Một báo cáo mới đấy của công ty quản lý tài sản Vương quốc Anh Janus Henderson ước tính nợ chính phủ toàn cầu sẽ tăng 9,5% lên mức kỷ lục 71.600 tỷ USD vào năm 2022, trong khi các khoản vay mới cũng dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Trong báo cáo Chỉ số Nợ Nhà nước hàng năm lần thứ hai mới được công bố hôm 6/4, Janus Handerson dự báo nợ chính phủ toàn cầu sẽ tăng 9,5% trong năm nay, chủ yếu do Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc "đóng góp". Song phần lớn các quốc gia dự kiến cũng sẽ tăng vay nợ.
Báo cáo cho biết nợ chính phủ toàn cầu đã tăng 7,8% vào năm 2021 lên 65.400 tỷ USD khi mọi quốc gia được đánh giá đều ghi nhận việc tăng vay nợ, trong khi chi phí trả nợ giảm xuống mức thấp kỷ lục 1.010 tỷ USD, tương đương lãi suất thực tế chỉ 1,6%.
Sang năm 2022, mức chi trả nợ dự kiến sẽ tăng đáng kể 14,5% (trên cơ sở đồng tiền không đổi) lên 1.160 tỷ USD.
Vương quốc Anh sẽ cảm nhận được tác động mạnh mẽ nhất từ việc tăng lãi suất và lạm phát phi mã đối với số lượng đáng kể các khoản nợ gắn với chỉ số của nước này, bên cạnh các chi phí liên quan đến việc thu hẹp dần chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).
Trong khi đó, một báo cáo về tình hình vay nợ toàn cầu mới nhất từ cơ quan xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings công bố hôm 5/4 cho hay tổng giá trị các khoản vay chính phủ mới dự kiến sẽ đạt 10.400 tỷ USD vào năm 2022, cao hơn gần 30% so với mức trung bình trước đại dịch COVID-19.
Nhà phân tích tín dụng Karen Vartapetov của S&P Global Ratings nhận định hoạt động vay nợ sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu vay để trả nợ cao, bên cạnh các thách thức đối với việc bình thường hóa chính sách tài khóa đến từ đại dịch COVID-19, lạm phát cao ...
Báo cáo nhấn mạnh rằng các tác động kinh tế vĩ mô toàn cầu của xung đột Nga – Ukraine (U-crai-na) dự kiến sẽ tạo thêm áp lực đối với nhu cầu về tài trợ từ chính phủ, trong khi các điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn sẽ làm tăng chi phí cho hoạt động này.
Điều này đặt ra một vấn đề đau đầu hơn nữa đối với nhiều quốc gia vốn đến nay vẫn "vật lộn" để khôi phục đà tăng trưởng kinh tế và cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài chính ngoại tệ, cũng như những nước đã phải gánh khoản lãi nợ rất lớn.
Ở các nền kinh tế tiên tiến, chi phí đi vay dự kiến sẽ tăng nhưng có khả năng vẫn ở mức cho phép các chính phủ có thời gian củng cố ngân sách và tập trung vào các cải cách để kích thích tăng trưởng.